(Baonghean) - Trong bài "Chỗ đứng nào cho sự sáng tạo và giá trị nhân văn?" trên báo Nghệ An số ra ngày 13/10/2012, chúng ta đã bàn về sự lệch lạc trong trí tuệ và tư duy của những người được đào tạo bởi một nền giáo dục lệch lạc. Nhưng phải chăng, chúng ta quá chủ quan khi chỉ nhìn vào lỗ hổng trong kiến thức, năng lực mà quên đi vai trò không kém phần quan trọng của giáo dục là chỉnh đốn, định hướng cho sự phát triển nhân cách của mỗi cá nhân? Người Việt ta có câu "Tiên học lễ, hậu học văn" để nhấn mạnh sự thiết yếu của giáo dục hành vi, trau dồi nhân phẩm. Thế nhưng với một nền giáo dục mà "hậu học văn" kém hiệu quả, liệu "tiên học lễ" có khá hơn không?

>>Chỗ đứng nào cho sự sáng tạo và giá trị nhân văn?

Nếu như phân biệt môn học chính, phụ dẫn đến việc học lệch thì một hệ quả khác của vấn nạn này là sự thoái hoá biến chất trong quan hệ thầy trò. Đối với học sinh và phụ huynh, chỉ các thầy cô dạy Toán, Lý, Hoá, Ngữ văn là "đáng" được kính trọng, còn sự lễ nghĩa và đáp đền với những thầy cô dạy Sử, Địa, Thể dục, Nhạc, Họa… hầu như không hề có. Điều này có công bằng không? Không. Điều này có phổ biến trong thực tế không? Đáng buồn là có. Lý giải cho sự phân biệt đối xử này, có hai lý do. Thứ nhất, với lối suy nghĩ tính toán thực dụng, các bậc làm cha, làm mẹ cũng như các em học sinh cho rằng lợi ích họ nhận được từ các thầy cô bộ môn là không cao, thậm chí không có, vậy thì tại sao phải "lãng phí" thời gian cho những thầy cô này? Thứ hai, sự phân biệt đối xử không chỉ đến từ phía phụ huynh và học sinh mà còn từ phía nhà trường. Trong khi các thầy cô dạy môn cơ bản được khen thưởng khi có học sinh đạt thành tích thì các thầy cô bộ môn việc khen thưởng hầu như họa hoằn "ngàn năm có một", vì chẳng mấy học sinh bỏ thời gian đi thi các môn Thể dục, Nhạc, Họa. Ở nhiều trường học, còn oái ăm hơn khi giáo viên bộ môn không qua đào tạo bài bản môn học mình giảng dạy, mà là những giáo viên "lệch pha", được phân công sắp xếp để giải quyết sự thiếu hụt giáo viên bộ môn. Thử hỏi, một giáo viên Toán dạy Thể dục, hay giáo viên Văn dạy Nhạc, Họa sẽ dạy được cho học sinh những gì? Hai lý do trên dẫn đến hiện tượng học sinh thiếu tôn trọng thầy cô, thậm chí có trường hợp học sinh xúc phạm đến nhân phẩm, hành hung thầy cô giáo, những người mà đáng nhẽ những kẻ “muốn sang cầu Kiều” phải biết yêu, biết kính. Vụ việc thầy giáo bị học sinh đánh gây xôn xao dư luận gần đây chỉ là một trong số vô vàn vụ việc đáng buồn tương tự xảy ra trên học đường, thế nhưng bài kích, phê phán suông thì có ích gì, khi mà lối tư duy tính toán, phân biệt của chúng ta thực chất đang ngấm ngầm cổ súy, tiếp tay cho những hành vi vô đạo đức đó? Về phần các thầy cô "may mắn" được chúng ta "yêu quý", "kính trọng", liệu họ có vui không khi biết họ chỉ như công cụ để truyền thụ những kiến thức ta cần? Liệu họ sẽ nghĩ gì khi biết chúng ta đang sử dụng họ để phục vụ cho mục đích cá nhân, ngang nhiên cho rằng chỉ cần bỏ tiền ra là có thể hạ thấp nhân phẩm và giá trị con người? "Gậy ông đập lưng ông", một bộ phận giáo viên nắm bắt được tâm lí của phụ huynh học sinh, biến việc dạy và học thành một hình thức kinh doanh, buôn bằng bán điểm, làm hoen ố cả một nghề nghiệp cao quý, làm mục ruỗng cả một thế hệ tương lai. Vậy mới thấy một nền giáo dục mất cân đối cũng như cái cân lệch, mà đĩa nhẹ là đạo đức, nhân cách của học sinh, phụ huynh và cả các thầy cô.

Một khi sự giáo dục nhân cách không đến nơi đến chốn, hậu quả gây ra cho xã hội sẽ vô cùng lớn. Nếu như một cộng đồng cần sự tương trợ, đoàn kết để tồn tại và phát triển, thì liệu những cá nhân sống vị kỉ, chỉ biết lợi dụng và coi thường người khác để mưu lợi cá nhân sẽ đóng góp được gì cho lợi ích chung, hay chỉ là những ung nhọt đục khoét, gây hại cho xã hội? Ở một mức độ nhẹ nhàng hơn, xin hãy nhìn vào lối sống vô cảm của giới trẻ ngày nay mà suy ngẫm: thay vì phán xét, chỉ trích, hãy nhìn lại cách giáo dục mà chúng ta áp đặt lên các em, nhìn lại hành vi, lối sống của ta mà hổ thẹn trước tiên. Chẳng phải chính chúng ta đã dạy con em mình sống tính toán, vô cảm, vô tình, vô nghĩa, vô ơn đó sao?

Rồi đây, các giá trị đạo đức cũng như truyền thống dân tộc của ta sẽ như thế nào? Chúng ta hô hào tự tôn dân tộc, nhưng xin hỏi chúng ta có biết mặt mũi, đầu đuôi cái tự tôn ấy là như thế nào không, khi mà đến những đạo lý sống cơ bản làm nên hồn Việt, truyền thống Việt, chúng ta còn bỏ quên? Vậy nên nếu còn một chút gì gắn bó với quê hương, đất nước, dân tộc, xin hãy tiên học lễ mình, sử mình, văn hoá mình đi đã. Yêu nước, giữ nước chính là ở đấy.

Giáo dục nghĩa là dạy dỗ, đào tạo một con người. Nhưng dạy gì thì dạy, trước nhất hãy dạy cho con em chúng ta làm người. Điều ấy có khó lắm không, mà chúng ta ngày nay nhắm mắt làm ngơ, để mặc cho thế hệ trẻ phát triển lệch lạc? Câu hỏi đặt ra cho toàn xã hội là phải làm sao để con em chúng ta mai sau trước hết phải biết cội nguồn gốc rễ sinh ra mình, thứ nữa là biết sống đẹp, sống tốt, giữ gìn được những đạo lý, giá trị đạo đức của dân tộc, sau cùng mới đến sống giỏi, sống giàu. Tôi đang sống và dạy con em mình sống theo thứ tự như thế, còn bạn và con em bạn, còn các bậc làm cha mẹ, các thầy cô và toàn xã hội thì sao?


Hải Triều (Mail từ Paris)