(Baonghean) - Mấy tháng qua, nhiều loại nông sản của Việt Nam khó tiêu thụ khiến nông dân gặp khó khăn trong sản xuất. Trong những nguyên nhân của vấn đề trên có một nguyên nhân đó là mối liên kết giữa DN và nông dân kém bền chặt, hai bên chưa hiểu nhau, nông dân thiếu thông tin, trong khi đó DN chưa thật sự hợp tác với nông dân. 
 
Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, từ nhiều năm nay, mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản giữa người nông dân với doanh nghiệp đã được triển khai ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nhiều dự án thành công, trong khi cũng không ít dự án thất bại. Nhưng phải thừa nhận rằng, đây là một mô hình đáng để cho doanh nghiệp, người nông dân quan tâm. 
 
Mô hình liên kết thông thường là: Các công ty liên kết với nông dân bằng các hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Theo mô hình này, thì công ty sẽ cung cấp hạt giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nông dân trên cánh đồng liên kết, sau đó mua sản phẩm của họ. Mô hình này vừa giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, nâng cao được chất lượng, năng suất sản phẩm. Tuy nhiên mô hình cũng gặp phải khó khăn trong quản lý, đặc biệt là khâu giám sát chất lượng và sản lượng trên từng cánh đồng của từng hộ nông dân, vì người trồng đôi khi vì lợi ích trước mắt mà vi phạm hợp đồng để rồi đóng gói cả những sản phẩm kém chất lượng mà người gánh chịu hậu quả là các công ty. Cũng có nhiều trường hợp các công ty đã “chạy làng” khi không có năng lực hoạt động hoặc không tìm được thị trường mặc dù đã ký kết hợp đồng.
 
Để giảm bớt hiện tượng vi phạm hợp đồng, các công ty bao tiêu sản phẩm cần có sự ràng buộc đối với người dân như ký quĩ một khoản tiền đền bù ở ngân hàng mà đại diện của nông dân có thể kiểm tra. Hiện nay trong một số hợp đồng đều ghi có ký quĩ ở ngân hàng song đều là tiền “ảo”, khi DN “cao chạy xa bay” khiến nông dân không biết kêu ai. Số lượng, chất lượng hàng hóa cung ứng và đảm bảo đầu ra cho nông sản là điều người sản xuất và DN đều quan tâm, giải quyết được ba điều này cùng với cách thức thu mua, bảo quản, vận chuyển, thanh toán... là những vấn đề còn lại mà DN phải lo để liên kết bền vững. 
 
 Để tăng cường tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu, bên cạnh việc tuân thủ quy hoạch trồng cây gì, nuôi con gì thì nông dân cần nắm thông tin và cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ tư vấn pháp lý ngay từ khi soạn thảo hợp đồng nhằm tránh những lỗ hổng về pháp lý gây tổn hại cho cả hai bên. Nhà nước cũng cần có cơ chế để giải quyết tranh chấp giữa các bên trong mô hình này, tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản trên thị trường cũng như hướng dẫn, tuyên truyền ý thức sản xuất gắn với trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng và chính bản thân người sản xuất. Đồng thời cần khởi động lại các chợ đầu mối nông sản, mở rộng hơn hệ thống siêu thị và các trung tâm thương mại, đặc biệt ở các vùng nông thôn để có được thị trường ổn định, dễ kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra.
 
Lan Hương
(Trung tâm Xúc tiến thương mại)