(Baonghean) - Người Việt Nam ta, từ bé tới lớn, từ trẻ tới già gần như ai cũng biết bài ca dao về con kiến leo cây. “Con kiến mà leo cành đa/Leo phải cành cụt, leo ra, leo vào/ Con kiến mà leo cành đào/ Leo phải cành cụt, leo vào, leo ra”. Có chừng đó thôi mà đọc đi, đọc lại mãi không thấy chán vì thoạt đầu thấy ngồ ngộ, buồn cười. Càng đọc lại càng thấy quẩn quanh, loay hoay đi vào, đi ra trong bế tắc không lối thoát. Rút cục là không tiến lên, không đi được đến đâu cả vì đã trót đi vào ngõ cụt. Nên đi mà chẳng khác gì dẫm chân tại chỗ vì đi mãi cuối cùng lại trở về nơi xuất phát.
Con kiến là tượng trưng cho con người và “leo vào, leo ra” là một trạng thái trong cuộc sống của loài người. Trạng thái đó, không hiếm mà rất phổ biến và có vẻ ngày càng lan rộng ra hơn. Đơn cử như cách đây chưa lâu, trên 80% vị đại biểu của dân ấn nút thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với một quy định rất mới là không cho người lao động nhận bảo hiểm một lần một cục theo kiểu “nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé ”. Không rõ khi ấn nút các vị đại biểu dân cử có dành thời gian, công sức, trí tuệ tính toán cho cạn nhẽ, thận trọng cân nhắc hết điều hơn, lẽ thiệt cho những người chịu sự điều chỉnh khi áp dụng điều luật mới này hay không mà khi luật sắp sửa có hiệu lực thi hành thì nổ ra vài ba cuộc “tuần hành” của công nhân ở khu chế xuất, khu công nghiệp để phản đối quy định mới này. Cuộc “tuần hành” tuy không lớn, nhưng rất quyết liệt và lý do phản đối là rất xác đáng, có căn cứ từ thực tế nên đầy sức thuyết phục. Thế là dư luận xã hội sôi lên sùng sục. Cái lý “nhìn xa, trông rộng” khi đưa ra quy định như vậy là nhằm để an sinh về già cho người lao động đã không đứng vững được vì chẳng có gì bảo đảm là sau mấy chục năm đóng tiền bảo hiểm theo quy định, người lao động sẽ sống được với đồng lương hưu trí. Vì thế, người ta chỉ thích “cưa đứt, đục suốt”. Thế là, tại kỳ họp Quốc hội lần này, vấn đề được đưa ra mổ xẻ, bàn bạc lại và kết cục là vẫn cái tỷ lệ trên 80% đại biểu ấn nút đồng ý cho phép người lao động nhận bảo hiểm một cục. Qua đây mới thấy là đại biểu của ta luôn có sự đồng tâm, nhất trí cao. Chừng đó người đồng loạt thông qua rồi cũng chừng đó người đồng loạt bác bỏ. Để rồi sau bao nhiêu kỳ họp, bao nhiêu tranh cãi cùng cơ man nào là tài liệu, giấy tờ và thời gian, tiền bạc đã tiêu tốn cho việc soạn thảo, thông qua bây giờ lại trở về “vạch xuất phát” nghĩa là lại như cũ. Lại như chưa hề có sự sửa đổi.
Một việc nữa, cũng đang ở trong tình trạng “leo ra, leo vào”. Đó là việc thu phí đường bộ đối với xe máy. Lẽ ra, chuyện đã xong xuôi rồi, ổn rồi, khi người dân và các địa phương “ngậm bồ hòn làm ngọt” triển khai thu phí bất chấp phản ứng của người dân và dư luận. Thế nhưng, việc lại được xới lại bởi bà Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh - nơi có mức thu nhập tính theo đầu người cao nhất nước, nhưng vẫn chần chừ chưa thu loại “lộ phí” này vì thấy nó phi lý. Như lời bà nói thì đường dân làm, xe dân mua, thuế dân nộp nay Bộ Giao thông lại thu phí đường nữa thì thực là quá đáng. Để chữa cháy, ông Bộ trưởng Giao thông “chống chế” rằng trong Thông tư 133 ban hành ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính quy định thu phí đường bộ xe máy chỉ có mức tối đa (không có mức tối thiểu). Nghĩa là địa phương nào không muốn tăng thêm gánh nặng cho dân nghèo (vì tầng lớp đi xe máy đều là dân nghèo hay trên nghèo một chút) thì có thể thu phí ở mức 0 đồng. nghĩa là thu mà như không thu vì tiếng là thu phí mà người dân chẳng phải móc túi ra nộp một cắc nào cả. Nghe mà thấy… “nóng trong người”. Vì đã vậy sao không bỏ béng loại phí đó đi mà cứ vòng vo, quanh quẩn thế. Nhưng đừng tưởng thu phí 0 đồng là đồng nghĩa với không thu phí. Vì thu 0 đồng là vẫn phải thu, phải có bộ máy, chi phí để cấp biên lai để thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về vấn đề thu phí, lệ phí. Nếu thu 0 đồng, ngân sách không những không thêm được một xu nào cả mà còn phải chi ra để thực hiện những việc như vừa liệt kê. Hơn nữa, nếu làm theo lời ông “tư lệnh” ngành lục lộ, các tỉnh, thành phố có quyền thu phí đường bộ xe máy mức 0 đồng thì sẽ tạo ra sự bất công. Vì có nơi thu 0 đồng có nơi thu mức cao hơn. Không lẽ, cùng là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà lại có nhiều chế độ phí khác nhau? Nói vậy là “vụng chèo, khéo chống”, là đẩy khó cho địa phương. Mặt khác, mục đích thu phí đã được luật định “mức thu phí nhằm mục đích bù đắp chi phí”. Như vậy, thu phí 0 đồng là trái với mục đích việc thu phí. Thế là việc thu phí đường bộ đối với xe máy lại quanh quẩn như con kiến leo phải cành cụt, vào rồi lại ra, ra rồi lại vào. Thu mà lại như là không thu. Bế tắc hết chỗ nói.
Hay như chuyện ngành Giáo dục nước nhà cấm thi tuyển vào lớp sáu cũng vậy. Bộ cấm thi tuyển thì các trường THCS lại tổ chức “khảo sát năng lực” để xem ai giỏi, ai dốt rồi mới quyết định nhận hay không nhận hồ sơ. Như thế thì cũng có khác gì thi tuyển. Nói đổi mới thi cử, rút cục lại là chỉ đổi mới trên giấy, trong lời nói mà thôi. Đâu lại vào đấy. Không có gì mới cả. Tất cả cứ quay tròn tại chỗ như đèn cù vậy. Có chuyển động mà không có sự tiến triển, tiến lên một chút nào. Hệt như con kiến trong bài ca dao nói trên “Con kiến mà leo cành đa/Leo phải cành cụt…”. Đây chỉ là ba ví dụ thuộc diện “trực quan sinh động” mới và đang “nóng” chứ soi rọi vào thực tế còn khối chuyện, nhiều việc cũng ở vào cảnh huống tương tự.
Bụt Sơn