(Baonghean) - Dù đang tập trung theo dõi tình hình bão lũ ở các tỉnh miền Trung, nhưng dư luận và những người quan tâm vẫn bị “sốc” trước công bố quyết định tăng giá cước 3G mới đây của 3 “nhà mạng”: Viettel, VinaPhone và MobiFone. Theo đó, từ ngày 16/10/2013, giá cước 3G của 3 “nhà mạng” trên sẽ đồng loạt tăng trung bình 20%, trong đó có gói cước tăng đến 40%. Theo thông tin từ các cơ quan báo chí, quyết định này được Cục Viễn thông (Bộ TT & TT) chấp nhận.
 
Vẫn biết là trước khi tăng hay giảm giá một mặt hàng nào đó thì người sản xuất, kinh doanh phải tính toán từ chất lượng sản phẩm, nhu cầu thị trường cho môi trường cạnh tranh… Nghĩa là rất chi li từ đầu vào cho đến đầu ra để quyết định một giá mới, sao cho phù hợp với thị trường, được thị trường chấp nhận. Tất cả là làm sao để hiệu quả của quyết định đó đem lại lợi ích nhất cho nhà sản xuất, kinh doanh. Với trường hợp cả 3 “nhà mạng” Viettel, VinaPhone và MobiFone tăng giá cước 3G như hiện nay nếu có tính toán thế cũng là điều không lạ.
 
Nhưng lại lạ là: Tại sao cùng một lúc 3 “anh”  Viettel, VinaPhone và MobiFone chiếm tới 97% thị phần 3G này lại cùng “hô” tăng giá một lúc, cùng đưa ra một mức tăng tương đương nhau; lại cùng được Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) ký văn bản chấp nhận vào 1 ngày. Và lạ hơn nữa là khi giải thích với báo chí trong cuộc họp báo gần đây, dù mỗi anh một kiểu trả lời nhưng tựu trung lại thì cả 3 “anh” nghe đều na ná như nhau.
 
Cả 3 đều cho rằng, chu kỳ tính cước của họ đều rơi vào ngày 1 và 16 hàng tháng nên khi có văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, thì các mạng chọn mốc tiếp theo để điều chỉnh giá. Đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Rằng cả 3 “anh” đều không có sự bàn bạc thỏa thuận gì, chẳng có chuyện bắt tay, bắt chân gì hết; rằng giá cước 3G ở nước ta chỉ bằng 30 – 65% so với giá thành dịch vụ mà thôi. Nói cả 3 không bắt tay tăng giá thì còn chưa biết thế nào, nhưng bảo so với khu vực còn rẻ thì 3 doanh nghiệp trên nên nhớ, mức thu nhập bình quân đầu người của ta còn thua xa một số nước trong khu vực đấy. 
 
Vẫn theo báo cáo của 3 “nhà mạng” trên thì 80% giá thành của dịch vụ 3G đang được tính vào cơ sở hạ tầng, trong khi phần lớn các thiết bị viễn thông thì phải nhập của nước ngoài. Đại diện của 3 nhà mạng đều cho biết thêm, việc điều chỉnh giá cước 3G đã có lộ trình, mức giá này vẫn dưới giá thành (?).
 
Quả thật, nghe lời “giãi bày” của 3 “anh” Viettel, VinaPhone và MobiFone lại nhớ đến các “ông lớn” xăng dầu mỗi khi muốn tăng giá họ đều kêu lỗ. Và, dù Nhà nước có quy định cụ thể về thời gian tăng (hoặc giảm) so với thời điểm giá xăng dầu thế giới nhưng với tăng thì mấy “ông” làm nhanh lắm. Còn khi xuống thì mấy ông cứ đủng đỉnh, xuống từ từ và xuống rất ít so với tăng giá. 
 
Dù đại diện của Viettel, VinaPhone và MobiFone có phân trần thế nào đi chăng nữa thì với những hiện tượng nêu trên rất dễ cho mọi người thấy rằng, họ đang “đoàn kết” với nhau để móc túi người tiêu dùng. Và có cảm giác như hiện tượng “độc quyền” trên lĩnh vực này đang có xu hướng trở lại? Nếu xảy ra điều này thì ảnh hưởng không nhỏ đến người dân nói chung, người tiêu dùng nói riêng. Bởi rất đơn giản, với 97% thị phần 3G, người ta khó có đường tránh nào khác, cho dù giá còn cao hơn nữa. Trừ tẩy chay dịch vụ này.
 
Theo Nghị định 116/2005/CP về thực hiện một số điều của Luật Cạnh tranh thì những doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường không được phép tăng giá quá 5% một lần; hoặc nhiều lần quá 5% trong 60 ngày liên tiếp khi không có biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất, hàng hóa, dịch vụ. Vậy liệu lần này cước 3G của 3 nhà mạng trên tăng trên dưới 20% thì có vi phạm Luật Cạnh tranh không? 
 
Việt Long