(Baonghean) - Năm 2014, Nghệ An được Chính phủ và Bộ Công an, Bộ GTVT đánh giá cao trong công tác quản lý phương tiện vận tải quá khổ, quá tải. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2015, tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc kiểm soát phương tiện vận tải quá khổ, quá tải...

Những kết quả tích cực 
 
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 10/1/2013, Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 về tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 về một số giải pháp cấp bách nhằm kéo giảm tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải; Chỉ thị số 1095/CT-TCĐBVN ngày 21/3/2014 của Tổng cục Đường bộ về đồng loạt triển khai công tác kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng các phương tiện vận tải lưu hành trên địa bàn tỉnh. 
images1131047_3.jpgKiểm tra tải trọng xe tại Trạm cân số 15.
 
Ngày 1/4/2014, Trạm kiểm tra tải trọng xe số 15 được thành lập và đi vào hoạt động liên tục 24/24h. Bên cạnh đó, hàng chục đoàn kiểm tra được thành lập với sự tham gia của thanh tra Sở GTVT, Thanh tra Cục Quản lý đường bộ, các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ phối hợp cùng lực lượng công an thường xuyên tuần tra kiểm soát các tuyến đường huyết mạch trọng yếu, vừa kiểm tra tải trọng xe vừa xử lý các hành vi vi phạm quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng của các phương tiện vận tải. Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, Sở GTVT, Công an tỉnh, chính quyền các huyện thành thị chú trọng công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức đối với chủ các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện. Với sự vào cuộc đồng bộ, trong năm 2014 đã phát hiện hơn 14.000 trường hợp phương tiện vận tải vi phạm quá khổ, quá tải; xử phạt vi phạm hành chính gần 39 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe có thời hạn của 13.133 trường hợp. Trong đó, lực lượng thanh tra giao thông đã ban hành 7.455 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt với số tiền trên 25 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe của 3.336 trường hợp; hạ tải 13.560 tấn hàng hóa các loại.
 
Theo ông Nguyễn Khắc Chương, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, để xử lý vi phạm các phương tiện vận tải quá khổ, quá tải, các đoàn kiểm tra và trạm cân gặp không ít khó khăn. Đó là việc không chấp hành quy định của người điều khiển phương tiện; bất cập của quy định khi cùng một nhãn hiệu phương tiện nhưng kích thước thành thùng xe không có sự đồng nhất; trên cùng một tuyến đường, việc kiểm tra xử lý của các địa phương chưa có sự nhất quán khiến chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện thường có sự so sánh; các chủ doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện sử dụng một số chiêu "độc" như bố trí người theo dõi, nắm thông tin hoạt động của trạm cân, các đoàn kiểm tra để trốn tránh việc kiểm soát, hoặc "mở tuyến" lách trạm cân; đặc biệt, trên tuyến Quốc lộ 7, xe mang biển số nước ngoài chuyên chở gỗ từ Lào sang có tải trọng vượt quá quy định nhiều lần nhưng xử lý hành vi vi phạm rất khó khăn do quy định của nước bạn không đồng nhất với quy định của pháp luật Việt Nam, bất đồng về ngôn ngữ...
 
Ông Nguyễn Khắc Chương cho biết: "Cuối tháng 8/2014, Thanh tra giao thông đã buộc 100 xe chở gỗ Lào (có 80 xe mang biển số Lào) phải hạ tải, sang tải ngay tại Cửa khẩu Nậm Cắn. Bên cạnh đó, hạ tải và xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật rất nhiều phương tiện vận tải mang biển số Lào chuyên chở gỗ quá tải trọng. Điển hình như ngày 23/11/2014, đã hạ tải và xử lý vi phạm 22 xe tại Thị trấn Đô Lương; ngày 3/2/2015, đã hạ tải và xử lý vi phạm 17 xe từ Cầu Treo (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đi ngang qua Km20+100 đường tránh Thành phố Vinh... Để xử lý vi phạm của những phương tiện mang biển số Lào, thanh tra giao thông phải mất nhiều thời gian tìm hiểu các quy định của pháp luật, chỉ đến khi nghiên cứu Nghị định thư của hai nước, nhận thấy trong đó có quy ước phương tiện vận tải khi tham gia giao thông thì phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại, khi đó chúng tôi mới có cơ sở để xử lý vi phạm...". 
 
Ông Trần Trọng Thắng, Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết:  "Có được kết quả đó, bên cạnh những nỗ lực của các đơn vị tham gia, chúng tôi đặc biệt ghi nhận sự đồng tình ủng hộ của các chủ doanh nghiệp vận tải, các chủ phương tiện. Bên cạnh việc chấp hành vận chuyển hàng hóa đúng trọng trải, nhiều doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện đã tự chủ động cắt bỏ phần thành thùng xe đã cơi nới. Một ví dụ rõ nét nhất đó là trước đây toàn tỉnh có 293 xe ô tô hiệu Howo thay đổi kích thước thành thùng để vận chuyển quá tải trọng quy định, sau khi được vận động, các chủ doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện đã cắt bỏ chiều cao thành thùng cơi nới của 290 xe, chỉ còn 3 chiếc hoạt động trong vùng mỏ...".
 
Tăng cường các biện pháp mạnh
 
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở GTVT, dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, các lực lượng thực thi công tác kiểm soát phương tiện quá khổ, quá tải sẽ tiếp tục bám "chốt" thực hiện nhiệm vụ. Theo ông Trần Trọng Thắng, 100% cán bộ thanh tra sẽ trực chiến từ ngày 18/12/2014 đến ngày 20/1/2015 (âm lịch) tại các trạm trên Quốc lộ 1A, TX. Thái Hòa, TP. Vinh và TX. Cửa Lò. Để công tác kiểm soát phương tiện quá khổ, quá tải được đảm bảo, ngoài gặp gỡ động viên, lãnh đạo Sở GTVT đã giao thanh tra sở chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất để các cán bộ an tâm thực hiện nhiệm vụ.
 
Nhằm tăng cường công tác kiểm soát phương tiện vận tải quá khổ, quá tải trong năm 2015, các biện pháp mạnh cũng đã được đề ra. Đó là duy trì hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe số 15, thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt 24/7; thành lập các đoàn kiểm tra phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung xử lý nghiêm và triệt để đối với xe ô tô vi phạm quá khổ, quá tải tại các vùng mỏ, các cảng bốc xếp hàng hóa, các nhà máy xi măng, các nhà thầu, mỏ đá, bãi cung cấp vật liệu xây dựng, không chỉ kiểm tra chặt chẽ không chỉ trên các tuyến quốc lộ mà cả các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ...; siết chặt công tác quản lý cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển siêu trường, siêu trọng trên đường bộ; giao nhiệm vụ cho các đơn vị quản lý đường bộ bố trí lực lượng tuần đường thường xuyên kiểm tra trên các tuyến đường, nếu phát hiện vi phạm về quá khổ, quá tải thì báo cáo kịp thời để các đoàn kiểm tra hoặc trạm cân xử lý... 
 
Là người thường xuyên cùng các đoàn kiểm tra tuần tra, xử lý các phương tiện quá khổ, quá tải, ông Hoàng Phú Hiền - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Thời gian qua, hai ngành Công an, GTVT đã vào cuộc rất quyết liệt và đạt được những kết quả đáng kể, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và bảo vệ hạ tầng giao thông. Những kết quả đó đã được Bộ Công an, Bộ GTVT và Chính phủ ghi nhận. Cũng qua việc tăng cường kiểm soát phương tiện vận tải, nhận thức của các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện đã có những bước chuyển đổi tích cực. Để các tuyến đường trên địa bàn tỉnh không còn vấn nạn xe quá khổ, quá tải, trong thời gian tới, ngoài thực thi những giải pháp đã đề ra, hai ngành Công an, GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng thực thi công vụ phải thực hiện nhiệm vụ một cách quyết liệt, công tâm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, hai ngành sẽ tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các huyện, thành, thị cùng vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn, cần thấy công tác kiểm soát các phương tiện quá khổ, quá tải là nhiệm vụ của địa phương chứ không chỉ của hai ngành Công an và GTVT...
 
Hà Giang
Theo ông Đặng Văn Long - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Long Anh (xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp), ban đầu, khi các lực lượng mạnh tay xử lý phương tiện vận tải quá khổ, quá tải, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó trong vận chuyển hàng hóa do cước phí tăng cao, trong khi chủ hàng không chấp nhận bù giá. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội vận tải đá Quỳ Hợp đã nhận thức đúng về chủ trương kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ của Chính phủ để cắt bỏ những phần thành, thùng xe đã cơi nới, chở đúng tải trọng theo quy định. Hiện nay, việc trợ giá được các chủ hàng chấp thuận, hơn nữa giá xăng dầu giảm nên các doanh nghiệp vận tải không còn băn khoăn, bên cạnh đó thì lại thấy việc chở đúng tải trọng có những lợi ích thiết thực như tăng được chuyến, đỡ hư hại xe...