(Baonghean) - Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều biện pháp chỉ đạp quyết liệt, tập trung giải tỏa lấn chiếm hành lang ATGT, vỉa hè đô thị, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực (tại địa bàn thành phố Vinh một số tuyến đường đã được giải tỏa, các địa phương đã tập trung giải tỏa tại các khu vực họp chợ, trường học, khu vực đông dân cư… hạn chế việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông … góp phần làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông so với cùng kỳ năm trước).
Tuy nhiên sau giải tỏa, tình trạng tái lấn chiếm lại có chiều hướng gia tăng, phổ biến ở nhiều nơi, nhất là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, họp chợ, kinh doanh, dịch vụ, rửa xe, tập kết vật liệu xây dựng, dừng, đỗ phương tiện; tình trạng xe chở công-ten-nơ dừng đỗ trái quy định trên một số tuyến đường gây cản trở và nguy cơ xẩy ra tai nạn giao thông.
Nguyên nhân, do chính quyền địa phương chưa kiên quyết trong việc chống tái lấn chiếm, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa triệt để; công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân tự giác tháo dỡ các công trình, vật dụng vi phạm chưa được chú trọng; Ban quản lý các chợ tổ chức thu phí và cho các hộ dân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bày bán hàng hóa, gây cản trở, ùn tắc giao thông... nhưng chính quyền cơ sở chưa quan tâm, chỉ đạo xử lý dứt điểm.
Để tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị:
- Chỉ đạo mở đợt cao điểm ra quân tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức rõ các sai phạm trong việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, đồng thời lên danh sách cụ thể các hộ vi phạm và tổ chức ký cam kết yêu cầu các hộ dân tự giác giải tỏa, tự tháo dỡ công trình, vật dụng vi phạm hành lang an toàn giao thông trước Tết Dương lịch 2014, đợt ra quân đồng loạt bắt đầu từ ngày 23/12/2013 trên địa bàn toàn tỉnh.
- Chỉ đạo huy động các lực lượng chức năng, các lực lượng cấp xã tập trung giải tỏa các các trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố ý vi phạm, không chấp hành quy định về đảm bảo an toàn giao thông; xử lý các vật dụng kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, các phương tiện dừng, đỗ không đúng nơi quy định, nhất là tình trạng họp chợ, mái che, treo, đặt biển quảng cáo, tập kết vật liệu xây dựng, rác thải, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trước Tết Dương lịch 2014.
- Giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn phụ trách từng tuyến đường, địa bàn để trực tiếp chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động (sử dụng hệ thống loa truyền thanh, trực tiếp đến các hộ gia đình để tuyên truyền...), giải tỏa và phải duy trì kết quả đạt được, kiên quyết không để tình trạng tái lấn chiếm sau giải tỏa.
- Sắp xếp, bố trí, quản lý các khu vực bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và thuận lợi trong dịp cao điểm Tết 2014. Chỉ đạo làm tốt công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo cảnh quan xanh, sạch, đẹp phục vụ nhân dân vui Tết, đón Xuân.
- Riêng Thành phố Vinh tập trung giải tỏa việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bày bán hàng hoá, kinh doanh... nhất là trên các tuyến đường Nguyễn Sỹ Sách, đường 3/2, Trường Thi, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Minh Khai... các khu vực chợ cầu Kênh Bắc, Nghi Phú, chợ Quán Lau, Cửa Bắc, chợ Đại học Vinh, chợ Vinh, chợ Ga, Bến xe Vinh... Tổ chức hướng dẫn, phân luồng giao thông đảm bảo thông suốt, an toàn tại các nút giao thông trọng điểm, phòng ngừa ách tắc giao thông cục bộ.
2. Sở Giao thông Vận tải:
- Cử một đồng chí lãnh đạo Sở phụ trách công tác giải tỏa hành lang giao thông trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các huyện, thành, thị lập kế hoạch giải tỏa và triển khai thực hiện đúng tiến độ và yêu cầu, tập trung là công tác tuyên truyền về phạm vi giải tỏa, phương pháp giải tỏa, huy động lực lượng, thời gian thực hiện, tổ chức giải tỏa, kiểm tra, xử lý vi phạm…
- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải phối hợp với các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành, thị tổ chức giải tỏa hành lang giao thông trên tất cả các tuyến đường. Trong đó, cần tập trung chỉ đạo giải tỏa dứt điểm từng tuyến đường, địa bàn, ưu tiên hoàn thành trước đối với các tuyến đô thị và các địa bàn trọng điểm.
- Kết thúc đợt giải tỏa, tiến hành tổ chức kiểm tra theo từng địa bàn, tuyến đường để đánh giá kết quả đạt được, rút kinh nghiệm, đồng thời báo cáo bằng văn bản về UBND tỉnh để biểu dương các đơn vị, địa phương làm tốt; phê bình các đơn vị, địa phương triển khai chậm, không hiệu quả và có biện pháp chỉ đạo chấn chỉnh trong thời gian tới.
3. Công an tỉnh: Chỉ đạo huy động lực lượng đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình giải tỏa; huy động các lực lượng cảnh sát, công an các huyện, thành, thị phối hợp với Thanh tra giao thông, đơn vị quản lý giao thông để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành việc tháo dỡ những công trình vi phạm; xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm hành lang giao thông, không chấp hành việc di dời, giải tỏa.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan báo chí địa phương, báo Trung ương đóng trên địa bàn: Tăng cường thời lượng đưa tin, phát sóng tuyên truyền về tình hình trật tự an toàn giao thông, lên án phê phán các trường hợp vi phạm, tái lấn chiếm hành lang giao thông, phản ánh công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
5. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan; Khu Quản lý đường bộ 4:Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành, thị triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giải tỏa hành lang an toàn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, các đoàn viên, hội viên và gia đình gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tự giác di dời, tháo dỡ các công trình vi phạm trong phạm vi hành lang an toàn giao thông.
7. Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh: Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thành, thị thực hiện Công điện này. Tổng hợp báo cáo kết quả triển khai, thực hiện về UBND tỉnh để tiếp tục chỉ đạo.
8. Giao Thường trực Thi đua - Khen thưởng tỉnh: Phối hợp với Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh theo dõi, tổng hợp để làm cơ sở đánh giá chất lượng thi đua của các tập thể, cá nhân trong năm 2014.
Yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể liên quan; chủ tịch UBND các huyện, thành, thị tổ chức thực hiện nghiêm túc; nếu đơn vị, địa phương để xẩy ra tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông gây ách tắc giao thông thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Huỳnh Thanh Điền