(Baonghean) - Xuất phát từ bờ biển Vũng Tàu, 2 con tàu của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân hướng về phía biển khơi. Phóng viên Báo Nghệ An cùng với nhiều phóng viên, nhà báo có mặt trên tàu HQ 953, vượt sóng đến với các nhà giàn để phản ánh hoạt động của cán bộ, chiến sỹ đang công tác ở đây.
Chuyến công tác lần này, có 42 phóng viên, nhà báo khắp các tỉnh, thành trên cả nước được chia thành hai tốp đi theo hai tàu HQ- 953 và HQ- 608. Trước chuyến đi, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng 2 thông tin với tất cả anh, chị em báo chí rằng “mùa này, biển động, sóng lớn sẽ vất vả nhưng cán bộ, chiến sỹ trên tàu sẽ hỗ trợ tích cực cho các đồng chí tác nghiệp”. Anh em hồ hởi lên tàu với nhiều dự định. Trưa 2/1, tàu HQ- 953 chở theo 20 phóng viên, nhà báo cùng hàng hóa, quà tết, xuất phát trước đến các Nhà giàn: Phúc Nguyên, Tư Chính, DK1/10 và cuối hành trình sẽ vào Côn Đảo. Chiều dài hành trình trên biển khoảng 1.900 hải lý và dự kiến đi trong vòng 12 đến 17 ngày tùy vào điều kiện thời tiết. Đi được chừng 2 hải lý (1 hải lý= 1,8km), chỉ huy tàu lệnh thả neo dừng vài giờ đồng hồ để các phóng viên, nhà báo quen với sóng, gió và tập huấn một số động tác từ tàu xuống xuồng và ngược lại. Những kỹ năng này rất cần thiết, bởi khi tiếp cận các Nhà giàn, tàu lớn không thể vào gần, phải di chuyển bằng xuồng nhỏ.
Những đợt sóng biển cao từ 1,5 đến 2m đập rầm rập vào mạn tàu làm cho tàu lúc thì chao đảo lắc ngang, lúc thì như bị nâng lên phía trước rồi đặt xuống. Kế hoạch của tàu HQ-953 tổ chức ăn tối rồi mới tiếp tục lên đường. Trong quá trình đó, do sóng lớn, tàu lắc lư mạnh nên 3/4 các phóng viên, nhà báo trên tàu bị say sóng, nhiều người bỏ cơm, cán bộ, chiến sỹ tàu phải nấu cháo để khi mọi người đỡ say có thể lót dạ. Khi xuống tàu, anh Nguyễn Trường Sơn - phóng viên Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh cho biết, anh đã nhiều lần đi tàu thủy ra Trường Sa công tác, có phần quen với sóng gió. Nhìn dáng người anh Sơn cao to như vận động viên bóng rổ, ai cũng kết luận anh khỏe. Nhưng chỉ một lúc sau, anh đã loạng choạng tìm chỗ nằm cùng lời nói nhỏ “Mệt quá, mình ói rồi (nôn). Tưởng chống đỡ được nhưng tàu lắc dữ quá…”. Thế mới thấy sự khắc nghiệt của sóng biển, gió khơi. Thượng úy Trần Văn Phương- Chính trị viên tàu HQ-953 động viên mọi người ráng chịu, ra ngoài khơi sóng sẽ nhỏ hơn. Anh cho biết, mùa biển này, sóng như vậy được coi là bình thường. Có những lúc, sóng cao 4-5 mét, anh em trên tàu vừa ăn cơm, vừa phải phân công nhau giữ các thức ăn trên bàn nếu không sẽ bị hất đổ.
Trong lúc mọi người tìm chỗ nằm vì say sóng thì anh Nguyễn Hữu Chí- phóng viên Báo Tiền Giang, “tỉnh như sáo” đi lại trên tàu, hỏi han tình hình. Đây là chuyến công tác thứ 5 của anh trên biển, nhưng là lần đầu đến các Nhà giàn. Đáng nể hơn là bác Tư Nam- báo Sài Gòn Giải Phóng, năm nay đã 56 tuổi, dáng người cao gầy với lọn tóc để dài, cầm máy ảnh dạo khắp tàu, nói chuyện vui vẻ với thủy thủ. “Mình từng đi biển rất nhiều chuyến rồi. Sóng biển mấy hôm nay dữ thiệt nhưng may gió không mạnh. Mình chỉ sợ gió biển thôi, những cơn gió nó có thể làm mình mệt đứ đừ…”.
Cơm tối xong, 19h đêm 2/1, tàu HQ- 953 tiếp tục lên đường. Lúc này, chỉ còn kíp lái, thông tin làm việc, còn những thủy thủ khác của tàu tập trung tại phòng lớn tổ chức xem ca nhạc, những đĩa VCD hài xuân 2014 vừa mua trước lúc tàu xuất bến. Phòng lớn này cũng chính là phòng ăn của tàu nhưng được chi đoàn thanh niên của tàu xây dựng thành phòng câu lạc bộ với “tủ sách thanh niên”, dàn âm thanh hát karaoke, xem ca nhạc, phim giải trí sau mỗi ca, kíp trực căng thẳng. Trung úy Lê Văn Phúc- Phó trưởng tàu, Bí thư Chi đoàn cho biết: “Do tàu thường xuyên phải đi biển nên mỗi lúc có thời gian rảnh anh em thường tập trung ở phòng câu lạc bộ để xem phim ảnh, giải trí. Vì vậy, mỗi lúc cập bờ, chúng tôi thường bổ sung các đầu sách lịch sử, văn hóa vào tủ sách thanh niên, tìm mua những đĩa VCD có nội dung lành mạnh cho cán bộ, chiến sỹ xem”.
Tàu HQ-953, có công suất trên 2500 CV, là thế hệ tàu quân sự được đóng mới trong nước, hạ thủy từ tháng 4 năm 2010. Quân số biên chế cán bộ, chiến sỹ trên tàu tương đương với cấp đại đội. Hơn 3 năm qua, tàu đã vận hành trên biển vượt qua hàng chục nghìn hải lý thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ vùng biển được phân công quản lý, đồng thời tiếp tế hàng hóa, dầu cho các Nhà gian ngoài khơi và hỗ trợ bảo vệ công tác khảo sát, thăm dò dầu khí trên biển. Đại úy Nguyễn Văn Thọ- Lái tàu chính, quê ở xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc-Nghệ An có thâm niên 20 năm đi biển là một trong những người đầu tiên tiếp quản tàu HQ-953.
Khi nhận ra đồng hương là phóng viên Báo Nghệ An đi trên tàu qua giọng nói, anh đã ân cần thăm hỏi tình hình quê nhà. Qua câu chuyện, anh cho biết: “Lâu rồi, do công việc bận rộn không về quê được, nhưng chúng tôi vẫn dõi theo thông tin từ quê hương, rất mừng vì quê hương có nhiều đổi mới, phát triển. Vợ con tôi giờ ở TP Vũng Tàu nên mỗi lúc được nghỉ dăm ngày hoặc nghỉ phép cũng chỉ về phụ giúp vợ con, chưa về quê được. Đầu năm ngoái (2013), tàu chúng tôi làm nhiệm vụ 145 ngày trên vùng biển từ Cà Mau tới Hà Tĩnh. Mới đầu, tàu có kế hoạch cập Cảng Cừa Lò, định tranh thủ về thăm quê nhưng sau lại chuyển cập Cảng Đà Nẵng...Ý định Tết này về thăm quê nhưng lại nhận lệnh trực rồi, đành để năm sau vậy…”
Từ đêm 2 đến khuya ngày 3/1, tàu HQ-953 cưỡi sóng ra khơi. Trên biển, không có sóng điện thoại, không sóng 3G, chỉ có sóng biển liên hồi, chúng tôi nằm trên tàu lắc lư giống như nằm trên võng treo, thi thoảng bị giật mạnh bởi gặp những con sóng cao. Đến 23h45 phút ngày 3/1, nghe tiếng xích thả neo thả roàn roạt, tỉnh giấc, chúng tôi ra mạn tàu, các thủy thủ chỉ về phía xa, nơi có ánh đèn le lói, bảo “đó là Nhà giàn Phúc Nguyên nhưng chờ đến sáng mai chúng ta mới vào được”. Như vậy quãng đường đầu tiên dài 250 hải lý của hành trình tàu HQ-953 đã đến với Nhà giàn đầu tiên. Tôi đưa máy ảnh lên chụp nhưng bóng đêm và khoảng cách cộng với tàu lắc mạnh đã làm bức ảnh bị nhòe. Đành hồi hộp chờ đến sáng (ngày 4/1), tiếp cận với Nhà giàn Phúc Nguyên- một trong những “mắt biển” quan trọng trong hệ thống các Nhà giàn DK1 trên biển khơi. Ở trên đó, các cán bộ, chiến sỹ cũng đang mong chờ được gặp những người từ đất liền ra thăm…
Nguyên Sơn