(Baonghean) - Ngày 11/9 vừa qua, Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức buổi giải trình “Việc chấp hành pháp luật trong thu nhập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự”. Các vụ án oan nổi tiếng như vụ Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang hay 7 thanh niên ở Sóc Trăng đã được viện dẫn như những ví dụ điển hình cho việc bức cung, nhục hình bất chấp các quy định của pháp luật ngay trong lực lượng thừa hành và bảo vệ pháp luật.
Các đại biểu tham dự buổi điều trần đã thống nhất nhận định bức cung, nhục hình chỉ là hiện tượng cá biệt nhưng hậu quả hết sức nặng nề. Và điều khiến mọi người quan tâm, lo lắng hơn cả là qua báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy tình trạng bức cung, nhục hình đang có chiều hướng gia tăng. Vì thế, vấn đề đặt ra ở đây là vì sao bức cung, nhục hình lại gia tăng, phải làm gì và làm thế nào để ngăn chặn sự gia tăng và tiến tới loại bỏ tình trạng nguy hiểm này?
Trước hết, có thể nói rõ ngay một điều là để xảy ra tình trạng bức cung, nhục hình là do bản thân các cá nhân trong lực lượng bảo vệ và thi hành luật pháp thiếu ý thức tuân thủ, thậm chí là coi thường các quy định của luật pháp đối với lĩnh vực này. Đi cùng với đó là thái độ coi thường nhân phẩm, tính mạng người khác nên dẫn đến lối suy đoán có tội thay cho suy đoán vô tội trong khi tác nghiệp nên cố tình dùng đủ mọi hình thức để biến những suy đoán đó thành hiện thực. Một nguyên nhân nữa, khiến người ta sẵn sàng sử dụng các biện pháp bức cung, nhục hình là để nhanh chóng phá án, lập nhiều thành tích tạo thuận lợi cho sự thăng tiến trong sự nghiệp. Còn bức cung, nhục hình gia tăng là do việc phát hiện và xử lý không kịp thời. Khi phát hiện được thì lại xử lý nhẹ. Đôi khi còn được bao che. Điển hình là vụ dùng nhục hình làm chết người ở Thành phố Tuy Hòa (Phú Yên). Những cá nhân có liên quan người thì được bỏ qua không truy cứu trách nhiệm, người thì chỉ phải chịu mức án quá nhẹ khiến dư luận cả nước bất bình. Dù vụ việc đã được xem xét lại để xử lý theo hướng đúng người, đúng tội, nhưng đã để lại trong lòng người dân những nghi vấn về việc các cơ quan thực thi pháp luật bao che cho nhau bất chấp sự thật. Bên cạnh đó, khung hình phạt áp dụng cho tội dùng nhục hình là quá nhẹ, 15 năm tù là cao nhất. Thế nhưng, khi xử án lại còn áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, dẫn đến thực trạng là điều luật đã nhẹ rồi, khi xử lại còn nhẹ hơn nên tính răn đe không cao.
Để giảm thiểu tình trạng bức cung, nhục hình, người ta đã đề xuất các giải pháp như là lắp đặt các phương tiện ghi hình, ghi âm trong các phòng hỏi cung và trại giam, thực hiện nghiêm quy định cho phép luật sư được tiếp xúc với bị can, bị cáo hay quy trách nhiệm liên đới cho giám thị trại giam, thủ trưởng quản lý nhà tạm giữ khi để xảy ra tình trạng bức cung, nhục hình thuộc đơn vị mình quản lý... Đó là những giải pháp thiết thực, nhưng cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Bởi vì, hành vi bức cung, nhục hình xảy ra trong những hoàn cảnh, nơi chốn đặc biệt, chủ yếu xảy ra trong giai đoạn tiền khởi tố, bị tạm giữ, bắt quả tang, bắt khẩn cấp... không dễ gì giám sát được. Các phương tiện hỗ trợ chỉ là máy móc và khi cần con người vẫn có thể can thiệp được để thay đổi bản chất hành vi, sự việc. Do đó, để ngặn chặn được tình trạng bức cung, nhục hình thì điều cơ bản nhất là phải xây dựng được ý thức luôn tuân thủ pháp luật trong đội ngũ những người thực thi và bảo vệ pháp luật cùng thái độ tôn trọng quyền con người và nâng cao trình độ nghiệp vụ. Vì một lẽ, những người có tội, nhất là loại phạm tội có hệ thống, phạm tội nặng thường rất ngoan cố, không mấy khi thừa nhận ngay tội trạng của mình mà phải thông qua rất nhiều các biện pháp nghiệp vụ mới có thể khuất phục được. Nếu có trình độ nghiệp vụ tốt thì chỉ cần đấu chứng, đấu lý là đã có thể giải quyết được vấn đề. Vì thế, để ngày càng ít những vụ án oan, những cái chết tức tưởi do bức cung, nhục hình, bên cạnh việc giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thì điều quan trọng hơn cả là phải lựa chọn, đào tạo được một đội ngũ những người làm công tác thực thi và bảo vệ luật pháp công tâm, thạo việc. Và phải bắt đầu bằng việc lựa chọn cẩn thận đầu vào ở các trường nghiệp vụ của ngành công an, nội chính và xiết chặt công tác chính trị tư tưởng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc này cần phải được coi trọng đúng mức, vì như lời ông Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì “Oan sai, nhục hình, bức cung chính là làm suy yếu chế độ, đời con, đời cháu họ vẫn còn thù hằn với mình”.
Trong con người ta luôn có hai phần thiện và ác. Bức cung, nhục hình chính là phần ác bị phát tác do hoàn cảnh. Ngăn chặn, loại bỏ bức cung, nhục hình chính là góp phần loại bỏ mầm ác trong mỗi con người và trong cả xã hội.
Duy Hương