(Baonghean) - “Vui vẻ, nhiệt tình, tâm huyết với công tác khuyến học, khuyến tài của địa phương” - đó là nhận xét của nhiều người khi nói về cô Trần Thị Vịnh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Nghĩa Hòa (Thị xã Thái Hòa).
Trên 30 năm là giáo viên, cô Vịnh được rất nhiều thế hệ học trò yêu quý, kính trọng. Chính tình cảm yêu thương dành cho các thế hệ học trò cũng là lý do cô chọn gắn bó với công tác khuyến học sau khi về nghỉ hưu theo chế độ. Trò chuyện với chúng tôi, cô cho biết tháng 11/2008, Hội Khuyến học xã Nghĩa Hòa tổ chức đại hội lần đầu tiên nhưng chỉ có vài chục người tham dự. Không nản lòng, cô đã kiên trì đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân tham gia và chỉ sau một thời gian ngắn cả 6 xóm đều thành lập chi hội khuyến học với số hội viên ngày càng tăng và đến nay đã có tổng số 513 hội viên.
Với tâm niệm làm khuyến học phải thực sự tâm huyết mới mang lại hiệu quả, nên trong những năm qua cô Vịnh luôn trăn trở tìm tòi, nghiên cứu phương pháp sáng tạo, phù hợp nhất để đưa phong trào khuyến học của địa phương phát triển bằng việc tích cực tham khảo các tài liệu, sách báo, trực tiếp đi tham quan, học tập mô hình tiêu biểu về khuyến học của những xã, phường khác, cũng như kinh nghiệm phát động phong trào của các chi hội trưởng lâu năm. Cùng với đó, cô còn đi sâu tìm hiểu những gia đình, dòng họ hiếu học có tiếng lâu nay. Từ đó, cô tham mưu cho UBND xã kế hoạch triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập. “Làm công tác khuyến học, khuyến tài chỉ có nhiệt tình thôi thì chưa đủ mà phải có lòng đam mê và hiểu rõ thực tế mới đem lại hiệu quả. Hơn nữa, người làm công tác này còn phải nắm được số hộ còn khó khăn, có con em trong độ tuổi đến trường để giúp đỡ kịp thời, cũng như biết được những gia đình điển hình để tuyên dương cho mọi người học tập”- cô Trần Thị Vịnh chia sẻ.
Suốt thời gian làm công tác khuyến học, dù nắng hay mưa, cô Vịnh vẫn gõ cửa từng gia đình để tuyên truyền, vận động đóng góp cho quỹ khuyến học, khuyến tài. Nhờ đó, ý thức tham gia công tác khuyến học, khuyến tài của người dân trên địa bàn được nâng cao rõ rệt. Mặc dù tại địa bàn xã đời sống người dân còn nhiều khó khăn, không có doanh nghiệp nào đứng chân, nhưng qua tuyên truyền vận động, “tích tiểu thành đại”, qua 5 năm, Hội khuyến học xã Nghĩa Hòa đã có nguồn quỹ trên 100 triệu đồng để kịp thời trao thưởng và tặng học bổng cho hàng trăm lượt học sinh nghèo vượt khó học giỏi, học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, cũng như những trường hợp khó khăn. Anh Trần Văn Bình, xóm Đông Hòa, có 2 con bị tim bẩm sinh được Hội Khuyến học xã giúp đỡ, xúc động cho biết: “Nhờ có sự giúp đỡ của Hội Khuyến học, trong đó phải kể đến công của cô Vịnh mà giờ đây 2 con tôi khỏe mạnh, còn được đến trường học tập cùng bạn bè”.
Bên cạnh sự đóng góp chung cho địa phương, gia đình cô Vịnh cũng là tấm gương cho phong trào học tập suốt đời. 3 người con của cô đều được học hành tới nơi tới chốn. Bản thân cô cũng không ngừng học tập để nâng cao trình độ, chuyên môn để phục vụ cho công việc. Trong chiếc cặp nhỏ của cô luôn có các bản viết tay về những câu chuyện cảm động, gương người tốt, việc tốt, học sinh nghèo vượt khó... Cô Vịnh luôn cho rằng: “Ở mỗi độ tuổi chúng ta lại cần những kiến thức khác nhau, việc học không những mang đến cho chúng ta kiến thức, hiểu biết mới mà còn khiến cho mỗi người trở nên hoàn thiện hơn, làm tấm gương sáng trong gia đình để cho con cháu học tập”.
Bài, ảnh: Q.A