(Baonghean) - Thưở nhỏ, do cuộc sống nghèo khó nên chị không có cơ hội được cắp sách tới trường. Rồi khi làm vợ, làm mẹ, bộn bề với công việc mưu sinh, ước mơ con chữ đành gác lại. Nay đã xấp xỉ tuổi ngũ tuần, lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, chị mới bắt đầu với từng con chữ để thỏa nguyện ước mơ...
TUỔI THƠ THIẾU THỐN
Ngôi nhà của vợ chồng chị Hồ Thị Xinh (SN 1968) ở xóm 7, xã Bình Sơn (Anh Sơn) nằm ở cuối xóm, phía sau là một khu rừng, phía trước là mấy thửa ruộng nằm bên tả ngạn sông Con. Vài năm gần đây, vùng đất này đã có những dấu hiệu đổi thay, khởi sắc nhưng vẫn là một chốn hẻo lánh, xa xôi. Bởi con đường từ Cây Chanh (Đỉnh Sơn) vào đây vẫn còn lắm gập ghềnh, trắc trở. Chị Hồ Thị Xinh đón tiếp khách lạ bằng một nụ cười rất tươi, cho dù khuôn mặt và nước da tái mét và vóc dáng gầy gò, gần như chỉ còn mỗi da bọc xương. Chị đang mắc căn bệnh ung thư buồng trứng, 3 năm qua thực hiện đều đặn phác đồ hóa trị, nay hàng tháng vẫn xuống Thành phố Vinh để kiểm tra sức khỏe.
Chúng tôi ngỏ ý muốn được nghe chị Xinh kể về việc tham gia lớp học xóa mù chữ vừa được tổ chức ở địa phương, chị cười: “Tôi chỉ đi được mấy buổi thôi, điều kiện sức khỏe không cho phép đi thường xuyên”. Mặc dù rất mệt nhưng chị Xinh vẫn hào hứng để chia sẻ với chúng tôi câu chuyện của mình mà bắt đầu là niềm ước mơ con chữ. Chị được sinh ra trên một con thuyền chênh chao, tháng ngày lặn lội cùng sông nước. Gốc gác của gia đình chị ở xã Nam Cường (Nam Đàn), một vùng quê phía hạ lưu sông Lam, bao đời sống bằng nghề thuyền chài. Ký ức của chị vẫn còn lưu giữ hình ảnh một làng vạn chài nghèo khó, nhà nào cũng thiếu đói, trẻ con luôn thiếu cái ăn, cái mặc. Người lớn ngược xuôi dòng sông để quăng chài, buông lưới, thức đêm thức hôm, đầu tắt mặt tối nhưng may chăng cũng chỉ kiếm đủ ngày hai bữa. Đã thế, nhà nào cũng đông con, thường 6-7 người, có những nhà nhiều hơn. Nhà nghèo, đông con, kiếm cái ăn là cả một nỗi gian nan, vất vả nên không thể nói đến việc học hành, chữ nghĩa. Có lẽ, vì thế người dân làng chài thường nói “Chữ nghĩa văn chương không bằng cái xương cá ngạnh” để an ủi hoàn cảnh của mình. Cũng như bao đứa trẻ khác ở làng chài lúc ấy, cô bé Hồ Thị Xinh không được đến trường học chữ. Bao lần nhìn cảnh bạn bè trong làng ríu rít cắp sách đến trường, Xinh buồn tủi đến phát khóc và mong một lần được đến lớp.
Việc mưu sinh ngày một khó khăn hơn, vì con cá, con tôm ngày càng hiếm, trong khi người chài lưới ngày càng đông thêm, bố mẹ chị đành phải nhổ neo, ngược dòng sông Lam tìm chốn mưu sinh. Con thuyền đi qua bao vùng quê với những bài bồi xanh tươi, cánh đồng bát ngát, xóm làng trù phú và những mái trường bên sông vang vọng tiếng cô giáo giảng bài. Một lần nữa, cô bé Xinh thèm được một lần bước vào lớp học, thèm được cầm viên phấn viết lên bảng đen, thèm được cô giáo đưa tay dạy từng nét chữ. Đến ngã ba Cây Chanh, con thuyền rẽ về hướng sông Con và tiếp tục lên thượng nguồn. Bến sông ở đây ít người đánh bắt nên cá tôm còn nhiều. Hai bên triền sông còn hoang sơ, những dải rừng bát ngát, bố mẹ chị Xinh quyết định buông neo ở Bình Sơn, vùng đất xa xôi của huyện Anh Sơn, giáp ranh với Tân Kỳ. Lúc đầu, mọi sinh hoạt đều diễn ra dưới sông, rồi cả nhà, tiếp đến cả làng vạn chài lên bờ sinh sống. Rồi người dân vùng xuôi lên đây khai hoang, phát triển vùng kinh tế mới, xóm làng ngày thêm đông đúc. Trường lớp được mở ra, nhưng nằm tít phía bên kia sông, cách 6-7 cây số. Con sông Con mùa nước lên chảy xiết, không có lấy một chiếc cầu, chưa kể những con suối lớn nhỏ đã cản bước đến trường của những đứa trẻ làng chài. Nhưng nguyên do lớn nhất vẫn bởi cái đói, cái nghèo và quan niệm cũ bó buộc, giam hãm ước mơ trên những con thuyền và mái nhà chật chội.
Con gái làng vạn vừa mới lớn lên đã lấy chồng, chị Hồ Thị Xinh cũng thế, lớn lên đã có người mang trầu cau đến dạm ngõ. Chồng chị là anh Trần Văn Kính (SN 1972), quê ở huyện Đô Lương, theo bố mẹ lên đây phát triển vùng kinh tế mới. Sau đám cưới, vợ chồng được bố mẹ chia đất, dựng nhà ở riêng để tự lo liệu cuộc sống. Chị sinh liền 3 đứa con, thiên chức làm vợ, làm mẹ và việc mưu sinh hàng ngày đã lấy hết thời gian của người phụ nữ, đành phải quên đi ước mơ con chữ. Thế nhưng, có những lần sau một ngày làm lụng vất vả, đêm về nghỉ sức để tiếp tục công việc ngày mai, trong cơn mơ những con chữ hiện về và nhảy múa trước mắt chị. Chị mơ thấy mình còn trẻ nhỏ, hàng ngày được cắp sách tới trường, được cô giáo tận tình dạy từng nét chữ, làm từng phép toán. Đến lúc gà gáy đồng loạt, chị giật mình, đầu ướt đẫm mồ hôi mới biết mình vừa trải qua một giấc mơ. Mặt trời chưa mọc, chị đã trở dậy và bắt đầu công việc của ngày mới, giấc mơ kia thi thoảng lại trở về.
CHỒNG LỚP 2 DẠY VỢ LỚP 1
Hơn 3 năm trước, chị Hồ Thị Xinh thấy sức khỏe mình giảm sút, những cơn đau bắt đầu hành hạ. Cứ tưởng một thời gian những cơn đau sẽ tự khỏi, ai ngờ càng lâu lại càng đau. Xuống Vinh, rồi ra tận Hà Nội để khám, bác sỹ kết luận chị bị ung thư buồng trứng, bệnh chưa đến mức quá nặng, có thể cứu chữa được. Bao nhiêu tiền bạc, của cải vợ chồng tích cóp được đều phải bán đi để lo tiền chạy chữa, thuốc thang. Chị không còn nhớ nổi đã bao nhiêu lần phải nằm điều trị ở bệnh viện, đã hết bao nhiêu chi phí thuốc thang và đi lại. Hiện tại, chị đã trải qua các đợt hóa trị và đang được theo dõi sức khỏe định kỳ. Những lần đi lại và điều trị tại bệnh viện, chị Xinh hết sức tủi thân. Tủi thân vì đau ốm, bệnh tật đã đành, việc không biết chữ cũng tủi thân không kém. Vì lẽ, mọi người xung quanh có thể đọc, viết bất cứ điều gì, từ nội quy bệnh viện, giờ giấc sinh hoạt đến tin tức trên báo. Còn chị, cứ loay hoay “như gà mắc tóc”, không biết gỡ từ đâu, đành phải nhờ người khác. Ngay cả việc ký tên mình vào bệnh án và các giấy tờ liên quan cũng không thể tự làm, những lúc như thế thực sự rất xấu hổ. Nằm trên giường bệnh, có lúc đau đớn quằn quại nhưng chị vẫn ước khi nào khỏi bệnh sẽ dành thời gian học cái chữ cho đỡ xấu hổ và tủi thân.
Chị Xinh không còn đủ sức khỏe để làm lụng như xưa, công việc làm ăn giờ chủ yếu trông cậy vào chồng và các con. Hè vừa rồi, Trường THCS Bình Sơn mở lớp xóa mù chữ, đối tượng học là những người như chị Xinh, vì hoàn cảnh khó khăn nên trước đây chưa từng được đến lớp. Ở đất Bình Sơn này số lượng người mù chữ khá đông, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và con em làng chài trước đây. Lớp học được tổ chức vào ban đêm, vì ban ngày mọi người còn phải lo việc ruộng đồng, nương rẫy. Các thầy, cô đã dạy rất nhiệt tình, không kể đêm hôm mưa gió, trèo đèo, vượt sông để đến tận các xóm dạy cho bà con cái chữ. Không cần các thầy, cô đến nhà vận động, hay tin mở lớp chị Xinh tìm gặp các thầy, cô để đăng ký học. Chị vui lắm, vì ước mơ từ thuở bé đến giờ mới có dịp thực hiện. Vậy là người phụ nữ xấp xỉ tuổi 50, mẹ của 3 đứa con đã lớn, sắp sửa làm bà nội sắm sửa sách vở để bước vào... lớp 1, bắt đầu từ việc tập đánh vần, viết chữ và làm những phép tính đơn giản. Chị thấy khó nhất là khi tập viết chữ, vì đôi bàn tay chai sạn, hàng chục năm cầm cuốc, cầm dao, giờ cầm bút sao thấy gượng. Những ngón tay cứ lóng nga lóng ngóng, không chịu đưa theo ý muốn nên cái chữ cũng run run. Phải mất mấy đêm ngồi tập viết, chị mới giữ được cái bút cho đỡ bi rung.
Những đợt điều trị đã khiến chị Xinh mất nhiều sức khỏe, chỉ mấy đêm đi học liên tục chị đã thấy choáng váng, xây xẩm mặt mày, đầu đau như búa bổ. Từ đó, chị không thể đến lớp thường xuyên, chỉ khi nào trong người thấy thật khỏe mới yên tâm đi học. Không thể đến lớp thường xuyên, chị rất buồn nhưng đành chịu, chị biết sức khỏe là quan trọng nhất. Thương vợ, anh Trần Văn Kính quyết tâm kèm vợ học, mặc dù trước kia anh cũng chỉ học đến... lớp 2. Hằng đêm, khi chị thấy tinh thần thoải mái, anh lại đưa sách vở ra bàn kèm học cho chị, từ tập đọc, tập viết đến làm toán. Buổi học không tính thời lượng, khi nào chị thấy mệt, chóng mặt, đau đầu sẽ tạm dừng. Cứ thế, đã mấy tháng nay, ngôi nhà ở cuối xóm lại van lên tiếng “ê... a” của một học trò... lớp 1. Lúc chúng tôi có mặt, anh Kính đang hướng dẫn vợ tập đánh vần và tập đọc. Đang học vần “ua” và “ưa”, đọc đến câu: “Mẹ đi chợ mua khế, mía, dừa cho bé”, thấy khách vào, 2 vợ chồng đều cười ngượng ngùng. Anh Kính cho hay: “Vợ tôi đã học gần xong chương trình lớp 1 rồi, chắc ít lâu nữa sẽ tự viết và đọc được hết chữ trong cuốn sách in này”. Còn chị Xinh thì “khoe” rằng: “Học cái chữ khó thật, nhưng tôi cũng biết sơ sơ rồi. Giờ tôi có thể tự viết tên mình, tên chồng và tên các con mà không cần ai hướng dẫn nữa. Như thế, mỗi lần đi bệnh viện sẽ không bị xấu hổ vì không biết chữ”. Hai vợ chồng còn cho biết thêm, mấy hôm trước thầy Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo đã đến tận nhà kiểm tra việc học của chị. Thầy yêu cầu viết chữ, đọc bài và làm Toán, chị đã thực hiện tốt và được khen.
Rời Bình Sơn khi tiếng đánh vần và học bài của chị Hồ Thị Xinh vẫn vang vang, chúng tôi càng cảm phục nghị lực của một người phụ nữ đang chống chọi với bệnh tật và “giặc” dốt. Chợt nhớ lời thầy Nguyễn Đức Vĩnh- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Anh Sơn: “Dù chất lượng giáo dục của địa phương luôn được khẳng định, nhưng vẫn còn những người mù chữ như chị Xinh, chúng tôi cảm thấy áy náy vô cùng, nên phải tìm cách giúp đỡ họ”.
Bài, ảnh: CÔNG KHANG