(Baonghean) - Dù vì bất cứ lý do gì, thì việc một số phụ huynh ở xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) ngăn cản con em đến trường nhằm mục đích phản đối chủ trương sáp nhập trường lớp là vi phạm pháp luật. Và không phải ai khác, chính họ là người chịu trách nhiệm khi để những tự ái, hơn thua làm ảnh hưởng đến tương lai của con em họ...

Việc sáp nhập điểm Trường THCS Nghi Thiết vào điểm trường chung THCS Tiến - Thiết là một chủ trương hoàn toàn đúng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Thế nhưng lại vấp phải sự phản đối quyết liệt của một số phụ huynh. Câu hỏi đặt ra là bản chất thật sự của sự việc trên có nằm trong những lý do mà phụ huynh đưa ra để ngăn cản chủ trương sáp nhập như đường xa, giao thông đi lại khó khăn, trường cũ còn tốt không dùng lãng phí; hay vì mục đích, động cơ nào khác?

images1390888_2.jpgThầy, cô giáo vận động phụ huynh ở xóm Chùa 2, xã Nghi Thiết cho con em đến trường.
 
Trong quá trình xâm nhập thực tế, chúng tôi đã xác định được, sở dĩ sự việc ngăn cản học sinh đến trường ở xã Nghi Thiết “từ cái sảy nảy cái ung” là bởi ở địa bàn Nghi Thiết có một nhóm đối tượng bất mãn, trong đó có cả người từng là đảng viên, cán bộ xã về hưu, có mâu thuẫn với một số cá nhân trong bộ máy chính quyền, đứng đằng sau kích động, giật dây. Họ dùng đủ mọi cách để đe dọa, cô lập, chửi bới, xúc phạm những gia đình đưa con đi học trở lại như kéo đông người đến gây sức ép, ném đá vào nhà, đe dọa các em học sinh... Chính vì vậy, một số phụ huynh  cho con em đi học một vài ngày rồi phải nghỉ vì “không chịu được sức ép, họ nói chúng tôi đang phá hoại kết quả đấu tranh của họ...”.  Số khác muốn cho con đi học, nhưng không dám đưa đi vì sợ sẽ bị cô lập. Ngoài nỗi lo con thất học,  nhiều bậc phụ huynh còn có nỗi lo lứa tuổi cấp 2 nếu các cháu cứ ở nhà nhàn rỗi, không có việc gì làm, dễ sa vào tệ nạn xã hội. Bà Lê Thị Anh,  ở xóm Chùa 2, là bà nội của em Nguyễn Trọng Hà, học sinh lớp 9 Trường THCS Tiến -Thiết, cho hay: “Bố mẹ nó đi làm ăn xa, cháu ở với ông bà, tôi cũng thương cháu lắm, muốn cho cháu đi học, nhưng giờ cả làng như thế, mình ở giữa cộng đồng, không làm khác được...”. Và em Hà cũng bày tỏ nguyện vọng “muốn đi học vì ở nhà, cháu chẳng biết làm gì cả..”. 
 
Để cản trở nguyện vọng chính đáng nói trên, những kẻ đứng đằng sau sự việc này còn tung các tin đồn thất thiệt như nếu đi học mỗi em học sinh phải đóng góp hơn 7 triệu đồng tiền xây trường; học sinh Nghi Tiến được sử dụng nhà để xe, còn học sinh Nghi Thiết phải để xe ngoài trời vì nhà để xe chưa đủ chỗ...; những luận điệu ấy cũng là nhằm kích động nhân dân ngăn cản con em tới trường, chống đối lại chính quyền. Trên thực tế, không có chuyện học sinh phải đóng góp những khoản như thế hay có sự phân biệt trong việc sử dụng nhà để xe của các em khi tới trường.
 
 Những kẻ xúi giục đã lợi dụng sơ suất của chính quyền địa phương, của nhà trường trong công tác tuyên truyền, vận động trước thời điểm chuyển trường đầu năm học mới 2015 - 2016 và sự tự ái, cố chấp của một số bậc cha mẹ, để gây sức ép với chính quyền, làm mất uy tín của hệ thống chính trị địa phương. Do đó, các bậc phụ huynh ở các xóm Chùa 1, Chùa 2, xóm Bắn và xóm Rồng ở làng Trung Kiên cần phải tỉnh táo, không để những mâu thuẫn, toan tính cá nhân của nhóm người bất mãn làm ảnh hưởng đến tương lai con em mình. Bởi trong số 145 học sinh chưa đến trường thời điểm này có rất nhiều em học lớp 9 - giai đoạn cuối của THCS, có em nhiều năm liền là học sinh giỏi, là cán bộ lớp, liên đội trưởng của trường...
 
Điều 8, 9 Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hiệp quốc; Mục 8, Điều 7 (Luật Bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em Việt Nam) nghiêm cấm hành vi “Cản trở việc học tập của trẻ em”; Điều 94, Luật Giáo dục Việt Nam năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009: 1. Cha mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện cho con em hoặc người được giám hộ được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động của nhà trường. 2. Mọi người trong gia đình có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ của con em; người lớn tuổi có trách nhiệm giáo dục, làm gương cho con em, cùng nhà trường nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục”. 
Trao đổi với chúng tôi, thầy Võ Hồng Quế - Hiệu trưởng Trường THCS Tiến - Thiết không giấu nổi sự lo lắng, sốt ruột “bởi theo quy định học sinh nghỉ quá 45 tiết sẽ không được lên lớp mà tính đến thời điểm này, các em nghỉ học đã gần một tháng”... “Tâm lý phụ huynh muốn con được đi học gần nhà, nhưng cần nghĩ  xa hơn đó là việc trường học mới rộng rãi, học sinh chỉ học 1 ca chứ không phải vất vả theo 2 ca như trước đây, có đầy đủ trang thiết bị, đảm bảo những điều kiện tốt cho việc dạy và học. Chúng tôi mong các bậc phụ huynh vì lương tâm và trách nhiệm của người làm cha mẹ, sớm đưa con em quay lại trường học. Sau khi học sinh trở lại lớp, nhà trường sẽ bố trí giáo viên dạy bù và phụ đạo kiến thức cho các em”- thầy Quế chia sẻ. 
 
Theo quan sát của chúng tôi, thì địa điểm chọn để xây dựng trường mới là hợp lý, vì được đặt ở vị trí trung tâm giữa hai xã Nghi Thiết và Nghi Tiến, cách đều 2 điểm trường cũ khoảng 2 km, điểm xa nhất của học sinh Nghi Thiết (xóm Rồng) cách điểm mới là khoảng 4 km, của học sinh Nghi Tiến (xóm Tiền Phong) là khoảng 5 km. Và trên thực tế quá trình xây dựng trường mới cũng nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, nhân dân 2 xã từ việc không lấy tiền bồi thường hoa màu đến việc đóng góp ngày công để tổ chức sửa sang khuôn viên, trồng cây, tạo không gian xanh... Vì vậy, không lý gì khi trường xây xong, hoàn thiện họ lại ngăn cản con em tới trường.
 
Việc kích động, lợi dụng phụ huynh cản trở con em đến trường học tập của nhóm phần tử bất mãn (không bị ảnh hưởng lợi ích bởi không có con học THCS)  xảy ra ở một số xóm thuộc làng Trung Kiên xã Nghi Thiết đã khiến các bậc làm cha, làm mẹ - những người dân quê vốn chân chất, mộc mạc, cả tin vô tình vi phạm vào các quy định của luật pháp. Ở khía cạnh xã hội, việc cản trở đi học của người học các cấp học phổ cập cũng đáng lên án vì nó ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ em, đi ngược lại với chủ trương của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội và chính sách của địa phương.
 
Chăm lo giáo dục trước hết phải có sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Trong sự việc liên quan đến việc sáp nhập điểm Trường THCS Nghi Thiết vào Trường THCS Tiến - Thiết, nếu các bậc phụ huynh vẫn còn băn khoăn, chưa đồng tình với cách giải quyết của chính quyền hay ngành Giáo dục địa phương, có thể kiến nghị, đấu tranh nhưng đừng mắc mưu nhóm người bất mãn, cơ hội để rồi đem tương lai của con em mình, đem truyền thống hiếu học của làng Trung Kiên ra “đánh cược”.  Bởi đó sẽ là cái giá quá đắt mà con em vô tình phải gánh chịu chỉ vì những mâu thuẫn của người lớn. Ở sự việc này, các em học sinh không có lỗi, bố mẹ các em thực ra cũng không có lỗi. Mà lỗi thuộc về những người đã lợi dụng những sơ hở của chính quyền, nhà trường, sự tự ái, bức xúc của các bậc cha mẹ để “đánh cược” tương lai của thế hệ trẻ làng Trung Kiên nhằm thỏa mãn sự “ăn thua” với một số cá nhân trong bộ máy chính quyền. 
 
Sự việc này là bài học cho các cấp chính quyền và ngành Giáo dục huyện Nghi Lộc trong công tác dân vận, phát huy dân chủ, bởi nếu chính quyền xã Nghi Thiết và Trường THCS Tiến - Thiết không chủ quan, mà thực hiện nhuần nhuyễn, đến nơi đến chốn công tác tuyên truyền, vận động trước thời điểm sáp nhập để phụ huynh và nhân dân được biết, thì đã không xảy ra chuyện chủ trương sáp nhập là đúng đắn và kế hoạch được phê duyệt từ 7 năm trước, nhưng nay đến khi thực hiện lại vấp phải sự phản đối quyết liệt của cha mẹ học sinh như hiện nay.
 
Vì vậy, ngoài việc huy động cả hệ thống chính trị chủ động vào cuộc, tích cực vận động, trao đổi, đối thoại với phụ huynh học sinh để sớm đưa con em  quay trở lại trường học, đảm bảo quyền lợi học tập, tránh thiệt thòi cho các em; thì  chính quyền các cấp huyện Nghi Lộc, ngành Giáo dục huyện cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác tuyên truyền, vận động; quan tâm giải quyết kịp thời băn khoăn của người dân bằng việc đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, như sân bãi hay nhà để xe tại điểm trường mới đảm bảo khang trang, sạch đẹp; tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công đường D4, trước mắt giải tỏa đất, cát, đá... mà một số người dân ở xóm mới lấn chiếm hai bên đoạn chưa thi công, san lấp những chỗ quá lầy lội để đảm bảo cho học sinh đi học an toàn. Bên cạnh đó, vấn đề cần làm ngay là chủ động  phối hợp với các cơ quan chức năng sớm đưa ra ánh sáng, có thái độ dứt khoát, nghiêm khắc đối với các hành vi xúi giục, kích động nhân dân, gây mất ổn định trật tự xã hội của một số đối tượng bất mãn, có động cơ không lành mạnh.
 
Nhóm PV
 

Luật sư Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự cho biết: “Những người có hành vi cản trở việc đi học của người học các cấp học có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 22, Nghị định 138/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục: “1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi xúi giục không đi học hoặc xúi giục bỏ học đối với người học các cấp học phổ cập. 2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi cản trở việc đi học của người học các cấp học phổ cập. 

Tại Mục 2 Điều 30, Chương II Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cấm cản trở quyền học tập của trẻ em như sau: “1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Hủy hoại sách, vở, đồ dùng học tập của trẻ em; b) Cố tình không thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho việc học tập của trẻ em theo quy định của pháp luật, không bảo đảm thời gian, điều kiện học tập cho trẻ em. 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học”.