(Baonghean) - Những lần trước, khi giá xăng tăng, giá cả các mặt hàng khác cũng vin vào đó mà ào ạt tăng giá theo, nhất là vận tải, loại hình dịch vụ trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi giá xăng. Lần này xăng tăng ở mức kỷ lục, một lúc lên gần nghìn rưỡi đồng mỗi lít (mới giảm 500 đồng được mấy hôm nay) và trải qua nửa tháng rồi mà các doanh nghiệp giao thông vận tải vẫn nín khe. Các mặt hàng khác cũng “án binh bất động”.
Đây chắc chắn không phải là kết quả của những công văn, chỉ thị của các bộ, ngành chức năng chỉ thị cho các cơ quan liên quan không để xảy ra hiện tượng “ăn theo giá xăng, tăng giá bất hợp lý”. Vì những lần tăng giá xăng trước, các công văn với nội dung đó cũng được ban hành, nhưng giá cả vẫn bất chấp, tăng vèo ngay tức khắc.
Giải mã hiện tượng lạ này, một chủ doanh nghiệp vận tải hành khách cho biết, lượng vận chuyển hành khách của các hãng taxi, chứ không riêng gì hãng của ông, đang có dấu hiệu chững lại không còn năm sau cao hơn năm trước như trước đây. Thế nên dù lần này mức tăng giá xăng đạt kỷ lục trong thời gian vừa qua nhưng doanh nghiệp chỉ còn biết bóp bụng, tiết giảm chi tiêu tối đa, để gắng gượng kinh doanh, chứ không dám nghĩ đến chuyện tăng giá cước. Sức mua của dân đang quá yếu, tăng giá nữa thì chỉ có nước đóng cửa doanh nghiệp. Thà sống thoi thóp còn hơn là chết hẳn. Vì thế, kể từ ngày xăng tăng giá, hãng taxi của ông có chủ trương nếu tài xế nào chạy một ngày trên 200km thì hãng sẽ hỗ trợ 16.000 đồng tiền chi phí phát sinh do xăng tăng giá; còn mức hỗ trợ thấp nhất là 9.000 đồng/ngày đối với tài xế nào chỉ chạy vài chục km/ngày. Hành động này được ông gọi là giải pháp chia khó để cùng tồn tại. Điều bất ngờ và khá cảm động là các lái xe lại rất hưởng ứng việc “chia khó” này, cho dù, với quyết định trên, họ thiệt thòi không ít.
Những người dân bình thường cũng nhận thức rõ được tình hình khó khăn của nhau, thể hiện trách nhiệm chung với cộng đồng bằng cách “chia khó” với nhau để cùng tồn tại và từng bước vượt qua thử thách. Thế còn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm chăm lo cuộc sống của người dân, chăm lo cho nền kinh tế nước nhà thì sao? Chuyện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam quyết định tăng giá trong lúc thế giới giảm như vừa rồi khó có thể coi là một hành động “chia khó” với dân trong hoàn cảnh khó khăn như hiện tại. Ngành điện cũng cam kết là không tăng giá trong tháng 4, nhưng liệu trong tháng 5 và các tháng tiếp theo có tăng hay không? Không ai dám đoán chắc cả. Việc thu phí bảo trì đường bộ đã được thực hiện, những tưởng các trạm thu phí sẽ không còn.
Ngược lại, để mở rộng Quốc lộ 1, Bộ Giao thông Vận tải lại có chủ trương thực hiện theo phương án BOT, mở thêm hàng chục trạm thu phí, với mức giá cao hơn hiện tại 3,5 lần. Hành động vậy là thêm khó chứ không phải là “chia khó” với dân! Chưa hết, mới đây, theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, thì chính sách bảo hiểm y tế hằng năm ngân sách vẫn chi cho người nghèo, cận nghèo, nhưng người cận nghèo mới chỉ tiếp cận được 20 đến 30 %, tức là tiền đã bố trí nhưng không thực hiện được.
Chính sách nhà ở cho người có công cũng vậy, tiền đã bố trí rồi nhưng đến nay vẫn chưa hướng dẫn thực hiện. Trong khi đó, những người có trách nhiệm, chỉ cần rời nhiệm sở, bước chân đến bất kỳ bệnh viện nào cũng đều dễ dàng thấy hình ảnh những người nghèo khó vật lộn thế nào với bệnh tật hiểm nghèo khi trong túi không có tiền. Đến một số địa phương khó khăn sẽ thấy ngay những gia đình có công với đất nước, không ít người còn phải sống tạm bợ trong những ngôi nhà nhỏ hẹp, tồi tàn. Sự chậm trễ đó rõ ràng là do sự thiếu trách nhiệm, thiếu cảm thông và chia sẻ với dân chúng.
Đời sống của phần lớn dân chúng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ sự suy giảm của nền kinh tế nên đang rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ. Nhưng nếu chỉ có sự “chia khó” giữa những người dân cùng cảnh với nhau thôi thì chắn chỉ đủ để cầm cự mà rất khó có sự bứt phá mạnh mẽ, bền lâu. Phải có sự “chia khó” với dân từ các cấp, các ngành thì mới có thể tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, có sức lan tỏa rộng rãi và lâu dài.
Chia khó với dân
Duy Hương