(Baonghean) - Dưới chân núi Chung huyện Nam Đàn hiện nay có một tấm văn bia được dựng nên từ 4 thế kỉ trước. Văn bia mang tên: "Chung Sơn Bảo Quang Tự Bi" do quan Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Lễ Thuần soạn. Tấm bia này có niên đại đời Vua Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Tộ năm thứ 3. Tính tới thời điểm hiện tại tấm bia có niên đại 391 năm.
Tấm văn bia cao khoảng 1,6m và rộng khoảng 0,9m, đứng trơ trọi giữa một bãi đất bằng phẳng rộng rãi dưới chân núi Chung, xung quanh là những cây bụi cỏ mọc um tùm kín lối. Dựa vào nội dung có thể phỏng đoán chùa có quy mô lớn nhưng nay đã bị mất hoàn toàn, nay chỉ còn lại tấm văn bia. Theo dòng đầu tiên trên văn bia "Trùng tu Chung Sơn Bảo Quang tự ký" và niên hiệu ta đoán định được rằng chùa được xây dựng từ rất lâu trước thời Vua Thần Tông triều Lê, bởi văn bia này ghi lại việc trùng tu chứ không phải ghi lại việc xây dựng.
Văn bia "Chung Sơn Bảo Quang Tự Bi"
Mặt trước tấm bia là dòng chữ to "Chung sơn Bảo Quang Tự Bi" còn mặt sau là dòng chữ "Thập phương tín thí công đức". Diềm bia trang trí hoa lá uốn lượn rất tinh vi và mềm mại. Xen lẫn vào đó là hình ảnh chim trĩ đang đậu. Đặc biệt ở trán bia điêu khắc hình Lưỡng long triều nhật. Còn ở chân bia là hình sóng biển trông rất uyển chuyển và thanh thoát. Tất cả đều mang dấu ấn và phong cách điêu khắc thời Lê rất rõ nét. Mặt trước gồm 25 hàng còn mặt sau 11 hàng, toàn bộ văn bia gồm khoảng hơn 1500 chữ. Nét chữ Hán ở bia được khắc đều đặn và sâu nên trải qua 4 thế kỷ vẫn còn rất rõ ràng. Tuy nhiên, do không có nhà bia nên trên bề mặt đã có dấu hoen rêu. Toàn bộ văn bia đều nguyên vẹn và bảo toàn được những chi tiết ban đầu mà không hề có dấu hiệu nào của việc khắc lại hay khắc mới. Do đó tấm bia này thực sự là bia gốc có xuất xứ và niên đại rõ ràng.
Sau khi tìm hiểu nội dung, chúng tôi thấy rằng triều đình Lê Trịnh sau khi đánh đuổi họ Mạc, khôi phục được kinh đô Thăng Long liền chủ trương xây dựng và sửa sang lại đất nước, trong đó có việc xây dựng lại các công trình văn hóa. Việc trùng tu chùa Bảo Quang cũng nằm trong chính sách đó.
Trong văn bia còn cho chúng ta biết một số nhân vật có danh tiếng đứng ra trùng tu chùa như quan Quang tiến Thận lộc đại phu Nguyễn Hoành Tài, quan Đô chỉ huy sứ Hoàng Nghĩa Phúc hay Dũng Trí hầu phu nhân Hoàng Thị Ngọc Bảo... Những nhân vật này đều sinh ra trong gia đình danh gia thế phiệt ở Nghệ An và có công lớn trong việc trung hưng nhà Lê. Đặc biệt, văn bia này được soạn bởi 1 vị quan Tế tửu (tương đương với Hiệu trưởng ngày nay) Trường Quốc tử giám. Có thể nói, đây là một trong những văn bia quý nhất Nghệ An xét cả về giá trị lịch sử cũng như giá trị văn học. Hiện thác bản tấm văn bia đang được lưu giữ tại Phòng Tài liệu quý hiếm - Thư viện tỉnh Nghệ An.
Do tầm quan trọng của tấm văn bia nên thời gian qua, Thư viện tỉnh Nghệ Anvà Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Ban Quản lý Khu Di tích Kim Liên tiến hành sao dập tấm bia, đồng thời sưu tầm thêm tài liệu có liên quan. Trước tiên khôi phục lại ngôi chùa lịch sử này, sau đó tiến hành xây dựng hồ sơ đệ trình Bộ Văn hóa TT&DL xin công nhận thêm di tích chùa Bảo Quang nằm trong Khu Di tích Kim Liên. Nhưng việc cần thiết nhất là xây dựng nhà bia để tránh mưa nắng bào mòn cũng như chống lại sự tác động của ngoại cảnh nhằm lưu giữ di sản quý báu này.