(Baonghean) - Những năm gần đây, khi Liên hoan Tiếng hát Làng Sen trở thành lễ hội quốc gia, khách hành hương trong và ngoài nước về thăm viếng Khu Di tích Kim Liên, quê nội, quê ngoại Bác Hồ, được biết thêm một nét đẹp văn hóa truyền thống có bề dày nghìn năm của xứ Nghệ. Đấy là sinh hoạt câu lạc bộ hát dân ca, ví dặm ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, một trong số 45 câu lạc bộ hát dân ca được duy trì nhiều năm của Nghệ An...
Hát ví, dặm của đoàn dân ca Nghệ An. Ảnh: Xuân Nhường
Ông Trần Văn Tân, gốc Kim Liên năm nay xấp xỉ 90 tuổi, là người tâm huyết với việc bảo tồn dân ca xứ Nghệ và đã duy trì Câu lạc bộ Ví dặm Kim Liên đã nhiều năm. Ông kể rành rẽ các điệu: dặm kể, dặm ru, dặm nối, dặm cửa quyền.
Đầu xuân Nhâm Thìn, đến thăm ông, được nghe ông hát minh họa từng lời dặm rồi cắt nghĩa tường tận nhịp, phách, tiết tấu, âm tiết mỗi làn điệu. Ông nói: "Nếu điệu ví cất lên nghe man mác, bâng khuâng, xao xuyến, day dứt, ân tình thì điệu dặm lại thiên về tự sự giãi bày, nỗi niềm và có kết cấu hoàn chỉnh một trường đoạn".
Đây là yếu tố cơ bản để khi phát triển dân ca ví, dặm thành kịch hát, hoạt cảnh sân khấu hiện đại cho phép tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên sáng tạo phát triển phong phú làn điệu mới. Trong Liên hoan Kịch hát dân ca toàn quốc, vở chèo "Cô gái Sông Lam" của tác giả Nguyễn Trung Phong đã được chuyển thể thành công thành kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh và được tặng Huy chương Vàng.
Trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, dân ca ví, dặm đã được sân khấu hóa mà điển hình là vở "Hai tổ hò khoan" của nhà thơ Trần Hữu Thung, vở "Chiếc xe đầu", "Khi ban đội đi vắng", "Không phải tôi" của tác giả Nguyễn Lương Duyên, vở "Trước lúc lên đường", Độc tấu "Thần sấm ngã" của đoàn dân ca Nghệ An... Mới đây, vở kịch hát dân ca "Ông vua đen" hay "Tiếng hát rừng vải", "Đốm lửa núi hồng", "Phan Đình Phùng" của đoàn dân ca Nghệ An ra mắt với công chúng toàn quốc, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, càng tiếp tục khẳng định hướng phát triển dân ca Nghệ Tĩnh trên sân khấu hiện đại là đúng hướng. Những ca khúc nổi tiếng "Trông cây lại nhớ đến Người" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, "Xa khơi" của Nguyễn Tài Tuệ, "Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh" của Nguyễn Văn Tý, "Đào công sự" của Nguyễn Đức Toàn, "Tiếng hát sông Lam" của Đinh Quang Hợp, "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh" của Trần Hoàn thơ Đỗ Quý Doãn, "Gái sông La" của Lê Hàm, "Xôn xao trời nước quê mình" của Hồ Hữu Thới, "Từ làng Sen" của Phạm Tuyên, "Đêm nghe giọng đò đưa nhớ Bác" của An Thuyên... đều được khai thác từ chất liệu âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh. Cùng với đội ngũ văn nghệ sỹ, quần chúng yêu thích dân ca, các nhà nghiên cứu, biên khảo như PGS Ninh Viết Giao, nhạc sỹ Thanh Lưu, nhạc sỹ Lê Hàm đã dày công sưu tầm, lần lượt công bố những công trình góp phần lưu giữ, tôn vinh giá trị dân ca Nghệ Tĩnh.
Trong tâm thức truyền đời giá trị dân ca của vùng văn hóa xứ Nghệ, hát ví, dặm, hò khoan, xẩm đã là nhu cầu tự thân để làm phong phú cuộc sống lao động, sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng, hòa đồng với thiên nhiên đều mang tính cộng đồng. Sự tồn tại, phát triển lên tầm cao mới của ví đò đưa, ví phường cấy, ví trèo non, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví phường vải trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ Nghệ hôm nay là minh chứng sinh động sức sống trường tồn của dân ca vốn ra đời từ trong lòng nhân dân. Những năm gần đây, các cấp, các ngành, đặc biệt là Trung tâm Bảo tồn phát triển dân ca Nghệ An đã có nhiều hình thức, phương pháp sưu tầm, lưu giữ, giới thiệu nhằm bảo tồn hơn 40 làn điệu dân ca gốc. Các nghệ sỹ, tác giả, quần chúng yêu thích dân ca còn sáng tạo, thể hiện thành công nhiều điệu mới như "Giận mà thương", "Hát khuyên", "Tứ hoa", "Xẩm thương", "Đại thạch", "Đi rao", "Đèo bòng"...
Bản chất sinh hoạt dân ca là gắn bó với loại hình diễn xướng, không gian diễn xướng, trang phục, đạo cụ bình dị của quần chúng nhân dân. Chính vì vậy, trả không gian diễn xướng, loại hình diễn xướng, diễn viên thể hiện về với cộng đồng dân cư là phù hợp với phương thức mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Nghệ An đã thành công trong việc thể nghiệm đưa hát dân ca vào các trường phổ thông trung học, dạy hát dân ca cho nhiều lứa tuổi trên Đài PT - TH Nghệ An, thành lập CLB Hát dân ca từ cơ sở và tổ chức thường kỳ Liên hoan Hát dân ca hàng năm từ cụm lên tỉnh.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thống nhất cao chủ trương tổ chức Festival dân ca ví, dặm xứ Nghệ lần thứ nhất vào tháng 6 năm nay nhằm quảng bá với bạn bè trong và ngoài nước di sản văn hóa phi vật thể, tạo tiền đề vững chắc có tính thuyết phục cao về khoa học, minh chứng giá trị truyền đời dân ca xứ Nghệ để trình UNESCO công nhận dân ca ví, dặm là Di sản Văn hóa của nhân loại!