(Baonghean) Sinh ra, lớn lên trên mảnh đất khắc nghiệt với thiên tai, giặc dã, người Nghệ khắc khổ, kiên gan, bền chí, đoàn kết, nhân ái,...Thời nào cũng góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Điều đó khỏi phải bàn.

Nhưng, người Nghệ cực đoan, bảo thủ, gàn bướng, cục cằn,... cũng là điều có thật. Không chỉ "người ngoài" đánh giá mà ta cũng nói, cũng biết!


Đất nước đổi mới, hội nhập, người Nghệ đi khắp bốn phương trời, trên nhiều lĩnh vực, rất nhiều người thành đạt, nổi tiếng, được tôn vinh, kính trọng.


Tuy nhiên, qua nhiều thông tin trên báo chí, mạng internet,... thì lâu nay, tại các cơ sở sản xuất phía Nam, hiện tượng nhiều lao động quê Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh uống rượu, quậy phá, ăn cắp vặt, lôi kéo nhau nghỉ việc, cãi cùn, thậm chí "đánh hội đồng"... không ít.

Gần đây, một công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung cho biết: Thông thường, công nhân quê Nghệ An rất đông và hay làm việc cùng nhau. Mỗi khi đụng chuyện là có hàng chục người đồng hương cùng sấn vào hăm dọa. Trước Tết, một người ngoài tỉnh đánh một người khác ở Nghệ An, lập tức bị đánh hội đồng gần chết. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu, nhiều phần tử vẫn hung hãn truy sát tận bệnh viện, làm náo loạn cả một vùng,... Có những doanh nghiệp đã làm văn bản gửi về địa phương, gia đình phản ánh hoặc tạm đình chỉ nhận lao động của địa phương.


Hiện tượng này không chỉ xẩy ra ở một nơi mà có ở một số nơi khác, không chỉ trong nước mà có cả ở nước ngoài.


Dù thiếu lao động nhưng nhiều doanh nghiệp từ chối lao động miền Trung, trong đó có Nghệ An. Đáng tiếc là có những doanh nghiệp thu hút lao động số lượng lớn, mức lương hấp dẫn, người Nghệ rất tha thiết làm việc, nhưng họ dứt khoát từ chối. Người lao động đành chấp nhận thất nghiệp hoặc rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm.


Những hiện tượng như trên chỉ là số ít chứ không phải là tất cả. Những người bình tĩnh vẫn không "vơ đũa cả nắm", vẫn công nhận rất nhiều lao động người Nghệ trung thực, chịu thương, chịu khó, biết liên kết làm ăn, biết xử lý các tình huống hợp lý. Nhưng hiện tượng nói trên rất đáng được quan tâm.


Làm một công dân để người ta nể trọng, thân thiện, muốn gần để chia sẻ, học tập, giúp đỡ, liên kết hợp tác,... mới khó; còn để người ta kinh hãi, né tránh như "Thiết Ngưu đời mới" thì có ích gì? Đó là chưa kể họ đã làm khó cho người khác, làm xấu hình ảnh của quê hương, của con người xứ Nghệ trong lòng bè bạn.


Đã có rất nhiều bài viết rất hay, nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa xứ Nghệ, gần đây lại có cả Đề án "Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực..." rất công phu. Vấn đề là những công trình, đề án ấy làm sao đến được với thực tế cuộc sống - để cho người Nghệ kế thừa được truyền thống tốt đẹp của cha ông, tiếp thu những giá trị văn hóa, văn minh nhân loại, hòa nhập, thân thiện với mọi miền đất nước, trong khu vực và quốc tế. Có như thế người Nghệ mà rộng ra là Nghệ An mới phát triển được.


Anh Đặng