(Baonghean) - Cuối năm 2011, theo tổng hợp của Trạm Thú y huyện Yên Thành, toàn huyện có 39 cán bộ thú y, dù chế độ phụ cấp chưa thực sự cao nhưng được hưởng từ ngân sách Nhà nước nên khá ổn định.

Ngoài ra, theo quy định, mỗi xã có từ 3 - 5 thú y thôn xóm, và đa số đều đã tốt nghiệp trung cấp thú y, do xã trích ngân sách chi trả chế độ phụ cấp. Theo thống kê, khoảng 10 xã trong huyện gồm Nam Thành, Phúc Thành, Đồng Thành... chi trả cho cán bộ thú y viên khoảng 200 nghìn đồng/người/tháng, những địa phương còn lại 120- 150 nghìn đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, ở một số xã, chế độ cho đội ngũ này cực kỳ ít ỏi, như: Phú Thành 50 nghìn đồng/người/tháng, Nhân Thành 70 nghìn đồng/người/tháng. Với mức phụ cấp đó, nhiều người đã bỏ việc. Năm 2010, đội ngũ thú y viên ở Phú Thành, Nhân Thành hầu như không còn, và đến cuối năm 2011, xã Phú Thành chỉ có 1 thú y viên, xã Đức Thành "trống" hoàn toàn, và hậu quả là một mình cán bộ thú y trưởng đi tiêm phòng, cả tháng vẫn chưa hoàn thành.

Đội ngũ thú y thôn xóm có vai trò rất quan trọng trong giám sát tình hình dịch bệnh tại địa phương. Cùng tiêm phòng định kỳ, bổ sung khi có dịch xảy ra trên địa bàn, đây chính là những người trực tiếp thống kê và nắm bắt diễn biến dịch bệnh.

Được biết, tình trạng này không chỉ xảy ra ở Yên Thành. Tuy nhiên, để khắc phục vấn đề này, chỉ riêng địa phương là chưa đủ khi ngân sách có hạn, nhiều xã dù muốn cũng không thể nâng mức phụ cấp lên cao hơn nữa. Và hệ quả là nó cũng đã "góp" một phần không nhỏ vào những đợt dịch bệnh vẫn hàng năm xảy ra trên đìa bàn, đặc biệt trong điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, các yếu tố tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh đang rất cao như hiện nay. Bởi "trống" thú y viên cơ sở, cũng có nghĩa là sẽ rất thiếu người làm công tác tiêm phòng và giám sát dịch bệnh hàng ngày.


Phú Hương