(Baonghean.vn) Lên Quế Phong lần này, Nguyễn Bá Hiền, Phó Ban Nông thôn miền núi đưa tôi đi thăm Khu tái định cư Chả Lấu, do ban làm chủ đầu tư, vừa mới hoàn thành năm 2010. Theo ông Hiền, đây là dự án đạt hiệu quả cao nhất từ trước tới nay.

Trận lũ quét năm 2007 ở xã Nậm Giải cuốn trôi hàng chục ngôi nhà, hàng chục người chết, sau đó huyện quyết định di dân khẩn cấp số hộ ở ven sông suối, nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét cao để bảo vệ tính mạng cho người dân. Hơn 150 hộ dân nằm trong diện phải di dời. Thung lũng Chả Lấu là 1 trong 2 địa điểm được huyện lựa chọn để làm khu tái định cư. Xác định được địa điểm, ban thuê đơn vị tư vấn về khảo sát, lập dự án để trình UBND tỉnh phê duyệt. Vừa thi công, vừa vận động dân di dời, chỉ trong 2 năm 2009 - 2010, 50 hộ dân ở rải rác ven suối Nậm Giải được di dời về nơi ở mới.

770549_small_68550.jpg

Khu tái định cư Chả Lấu.

Theo ông Nguyễn Bá Hiền, đây là một dự án có suất đầu tư thấp, ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng, mỗi hộ được nhận 20 triệu đồng. Trong đó 18 triệu là hiện vật, 2 triệu tiền mặt. Ngay bước đầu triển khai, ban cũng đã gặp không ít khó khăn đó là chưa có được sự đồng thuận của số hộ di dời. Với cách làm kiên trì, vừa vận động, vừa thuyết phục trên cơ sở bảo vệ quyền lợi tối đa cho từng hộ dân, cán bộ phải đứng về phía dân để vận động, lựa chọn những đối tượng có uy tín như già làng, người cao tuổi để thuyết phục. Sau khi thấy cán bộ nói có lý có tình, 2 ông Lương Thanh Long và Hà Văn Nhẫn - một trong những người cao tuổi nhất bản, tình nguyện dời nhà về nơi ở mới. Ngày dọn nhà, cán bộ của ban cùng vào giúp, không khí như ngày hội, từ đó đã tác động đến các hộ khác. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, 50 hộ dân đã tự nguyện dời nhà về bản mới. Không chỉ lo nơi ở, mà 191 ha đất sản xuất (gồm ruộng nước, đất màu, đất rẫy) được chia cho từng hộ tùy theo số nhân khẩu. 158 ha đất rừng trồng cây công nghiệp được giao tận tay, để bà con bắt tay vào sản xuất được ngay...

Ngoài việc hỗ trợ lương thực theo quy định, nguyện vọng của đại bộ phận là muốn được nhận bò, vịt là những vật nuôi mà họ đã có kinh nghiệm. Nguyện vọng của dân được đáp ứng, bà con phấn khởi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Lúc chúng tôi vào thăm, nhìn những cánh đồng vàng rực lúa chín, nhà ai cũng có vườn rau xanh tốt, những bụi chuối bén hơi đất mới vươn lên trong nắng cuối thu, toát lên một niềm tin mới. Trao đổi với chúng tôi, Trưởng bản Lương Văn Tuệ nói: “Ở nơi bản mới, đường sá phong quang, lại có điện lưới thắp sáng, trẻ con có nơi học hành ổn định. Không lo mưa lớn, không lo lũ quét, lũ ống... bà con rất yên tâm với cuộc sống mới, nhanh chóng ổn định sản xuất để phát triển kinh tế”.

Theo đánh giá của huyện Quế Phong, thành công nhất của dự án là đã tìm được tiếng nói chung. Khi xây dựng dự án, cố gắng đáp ứng được những nhu cầu chính đáng của người dân ngay từ khi chọn vị trí. Mọi chế độ phải công khai, minh bạch, mọi thứ về quyền lợi của người dân được hưởng phải niêm yết rõ ràng. Việc hỗ trợ phải kịp thời mới đáp ứng được tiến độ. Cán bộ quản lý dự án phải đi sâu, đi sát dân để nắm được tâm tư, nguyện vọng của dân... Đó là bài học rút ra qua thành công ở Khu tái định cư Chả Lấu, xã Nậm Giải huyện Quế Phong.


Anh Tuấn