(Baonghean.vn) Hơn 2 giờ đồng hồ ngồi xuồng trên sông Giăng, tôi đến bản Búng, xã Môn Sơn (Con Cuông) khi trời nhá nhem tối. Khác với hình dung của tôi, ở đây không khói lam chiều, bếp nguội tanh và đám trẻ ngồi tựa cửa trông ra dòng sông trước mặt, nhìn về phía những ngọn núi cao vút khuất tầm mắt với lòng ngóng đợi...Đến đây, tôi được nghe thật nhiều chuyện buồn về số phận những em gái vừa qua tuổi trăng tròn đã lấy chồng, sinh con.
Gặp chúng tôi, đám trẻ ngơ ngác nhìn, một số thì bỏ chạy. Nhưng khi thấy tôi đưa máy ảnh chụp thì cả đám ùa lại, háo hức. Tôi đến gần một bé gái và hỏi: "Nhà em ở gần đây không? Em học trường nào...?" Em trả lời một mạch: "Dạ, em tên là La Hà Vi ạ. Nhà em ở ngay gần đây thôi, nhà em đông chị em lắm, nhưng chưa bằng nhà củacác anh, các chị ở bản này đâu...". Rồi Vi đưa tôi về thăm nhà. Ngôi nhà ở sát bên dòng sông Giăng, tuy nhỏ bé nhưng bên trong được sắp đặt rất gọn gàng và toát lên vẻ ấm áp. Vi chỉ tay đến 2 chiếc giường và góc học tập rồi nói: "Thưa chị, bố mẹ em nói đây là tài sản quý nhất của nhà em đó. Bố em bảo giường cho giấc ngủ ngon. Bàn để các con có chỗ ngồi học bài. Chiếc giường này là của bố mẹ và em trai út, chiếc kia là của hai chị em".
Học sinh Trường tiểu học bản Búng xã Môn Sơn (Con Cuông).
Những tấm giấy khen của Hà Vi từ lớp 1 đến lớp 7 được em treo cẩn thận trước bàn học. Chồng sách vở được xếp đặt ngăn nắp, gọn gàng. Vi là chị cả trong một gia đình có 3 chị em, 2 em sau đều là trai, đang học lớp 3 và mẫu giáo lớn. Vi cũng là học sinh duy nhất của bản Búng luôn đạt thành tích cao trong học tập. Từ lớp 1 đến lớp 6 em là học sinh giỏi của trường. Bố mẹ bận bịu mưu sinh, ngoài giờ lên lớp, Vi thay bố mẹ trông nom các em và bày cho các em học bài. Vi còn tự tay cắt các chữ cái dạy cho trẻ em trong bản Búng nhận biết chữ cái. Ở bản Búng này, từ trước đến nay, Vi là người thứ hai đạt kết quả cao trong học tập (sau La Văn Chơi). Được biết, La Văn Chơi là con của bác trưởng bản, đã học lên hết cấp 3, giờ em đang học thiếu sinh quân ở Thái Nguyên.Cho đến nay, La Văn Chơi cũng là người duy nhất của bản Búng học hết cấp 3 và đi học thiếu sinh quân. Vi cho biết thêm: "Nhờ anh Chơi động viên, nếu không, bố mẹ bắt em nghỉ học để lấy chồng rồi. Ở bản Búng quê em, lấy chồng, hỏi vợ sớm lắm, nhiều chị chỉ hơn em mấy tuổi mà đã lấy chồng. Anh Chơi cũng thường dặn dò em phải chăm chỉ học tập, rồi học lên cấp 3, thi đại học...". Và Vi kể tôi nghe nhiều chuyện buồn về số phận những em gái chưa đến tuổi trăng tròn đã không được cắp sách tới trường, hoặc bỏ học giữa chừng vì phải lấy chồng sớm...
Bản nhỏ bên sông Giăng có nhiều số phận buồn. Mới học hết lớp 3, ở nhà đi nương đi rẫy với bố mẹ được 5 năm thì em La Thị Cúc đã lấy chồng khi vừa tròn 14 tuổi. Chồng của em là người cùng bản. Cúc là con thứ ba trong một gia đình có 6anh, chị em. Anh chị của Cúc cũng lấy vợ, lấy chồng từ tuổi 14, 15. Năm nay mới bước sang tuổi 18, cái tuổi với bao ước mơ hoài bão, nhưng trông Cúc như ngoài 30 bởi một nách 3 đứa con. Cuộc sống với nhiều khó khăn, nhưng không thấy một người mẹ trẻ nào mảy may lo lắng mà bình thản, vô tư và hồn nhiên. Cúc là một ví dụ. Mặc dù chồng của Cúc không chịu làm việc, suốt ngày theo bạn bè uống rượu, lúc về nhà chửi bới vợ con, nhưng em không hề thấy đó là buồn.
Cúc còn nói: "Ở đây nhiều nhà như thế mà. Nhiều khi bị chồng nạt, chồng cho cái bạt tai, nhưng sau đó lại thương ngay, quen rồi". Trước đây, khi đang học lớp 3, Cúc đã là bông hoa của mái trường giữa bốn bề núi rừng bản Búng, bởi em múa rất đẹp. Năm em học lớp 4, trong một lần biểu diễn tiết mục múa chào mừng năm học mới đã làm bao nhiêu chàng trai tuổi 15 của bản để ý, trong đó có chồng Cúc bây giờ. Tú (chồng Cúc) hơn Cúc 7 tuổi nhưng suy nghĩ còn rất trẻ con,làm việc gì cũng không đến nơi đến chốn. Đang chăn nuôi bò thì bán rẻ bò chuyển sang lái xuồng máy, lái xuồng được ít tháng lại bỏ xuồng, tất cả cũng vì nghiện rượu. Ông bà nội, ngoại mỗi nhà có 7 đến 8 người con nên không kham nổi cuộc sống của vợ chồng Cúc, đành bỏ mặc!
Hoàn cảnh của Nhân không giống như Cúc, 15 tuổi lấy vợ, Nhân còn lo chăm chỉ làm ăn, ngày ngày đi ra suối tìm cá, vợ vào rừng hái lượm, con cái gửi cho ông bà nội, tối đón về nhà. Do ít tuổi nên cả hai vợ chồng Nhân không biết chăm con, con cái ốm lên ốm xuống, trời lạnh mà cả hai vợ chồng vẫn đưa con ra suối tắm. Được biết, bố mẹ Nhân cũng có tới 9 người con. Em út của Nhân năm nay 2 tuổi, bằng đúng tuổi con của Nhân bây giờ.
Hầu hết cuộc sống của các gia đình "nhí" ở đây sống bằng hái lượm,bắt cá ở khe suối và trong năm có 2 mùa kiếm được chút tiền, đó là mùa mật ong (từ tháng 5- tháng 8) và mùa măng. Riêng mùa măng thì cả bản kéo nhau vào rừng cả tháng mới về, nhà cửa khoá lại, con cái theo bố mẹ vào rừng dựng lán để ở, chính vì vậy, trẻ em ở đây thường bỏ học giữa chừng.
Những năm gần đây, nhờ đồn Biên phòng Môn Sơn vận động, giúp đồng bào khai hoang được 6 ha lúa nước, hướng dẫn chăn nuôi nên hàng năm còn có gạo để ăn, tránh ăn khoai, ăn rau rừng thay cơm. Nhận thức cũngđỡ hơn trước. Tuy nhiên, do cuộc sống đang khó khăn, hầu hết từ bản này sang bản kiachỉ có một cách duy nhất là đi xuồng, chính vì thế mà mọi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm bên ngoài còn hạn chế. Nhận thức còn hạn chế nên con cái chỉ cần học lên lớp 3, lớp 4 biết chữ là hỏi vợ, gả chồng. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tập tục trẻ em mới 14, 15 tuổi đã lập gia đình.
Được biết, phụ nữ ở đây đều thuộc diện mù chữ. Đồn Biên phòng Môn Sơn phải cắm bản để xoá mù cho chị em. Câu chuyện ban ngày dạy chữ cho con, tối đến xoá mù cho bố mẹ không còn xa lạ ở bản Búng này. Và, một trăn trở nữa, đó là đến nay hầu hết các cặp vợ chồng ở bản Búng không ai đi đăng ký kết hôn.
Mặt trời đã khuất núi từ lâu, trong một số mái nhà bản Búng mới lập lòe ánh đèn. Nhiều căn nhà vang lên tiếng khóc, tiếng trẻ nhỏ đòi ăn cơm vì đói bụng, bởi từ sáng đến tối nhiều em chỉ mới được một vắt cơm lót dạ.
Chia tay bản Búng, tôi mang nặng nỗi buồn và trăn trở. Liệu mai này đám con trẻ tôi đã gặp, các em có phải lấy chồng khi chưa đến tuổi trăng tròn?