Huyền Thanh Thanh tên thật là Lê Thị Thanh Huyền, sinh năm 1984 tại Thành phố Vinh, Nghệ An, là kỹ sư ngành điện từng tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP TRACONIMEX, một công ty trong lĩnh vực xây dựng thương mại và xuất nhập khẩu.
Nhiều người ngạc nhiên tại sao một cô gái làm việc trong lĩnh vực ấy lại có thể viết được những vần thơ mềm mại sâu lắng đến vậy, những vần thơ chạm được đến tâm hồn và xúc cảm của người thưởng thức, như họa sĩ Phan Thiết từng nhận xét là “một giọng thơ trẻ nhưng nhiều tình yêu thương, nhiều ưu tư trằn trọc”, như nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ nhận định là “một gương mặt thơ mới, cá tính, dịu dàng, mạnh mẽ, sáng tạo, nổi loạn, bứt phá”. Nhưng hẳn là khi gặp Huyền Thanh Thanh, nhiều người cũng sẽ nghĩ như tôi, rằng cô ấy sinh ra là để làm văn chương, bởi trong từng lời nói, từng ánh mắt của cô luôn luôn ẩn giấu một khát khao về nghệ thuật mạnh mẽ hơn bất cứ thứ gì khác.
Nhà Huyền ở phường Trung Đô ngay gần chân núi Quyết. Cô kể, mình thường hát vào lúc rửa bát, nhất là những đêm mùa hạ, khi trăng nhú lên khỏi vách núi gần nhà, tiếng hát của Huyền vang lên giữa đêm tĩnh mịch. Cô bé lắng nghe thứ âm thanh trong trẻo ấy vang xa và dội về phía mình, như một cách cô được bay vút lên trong niềm khao khát và quay trở lại để hiểu mình hơn, hiểu về thứ thanh âm lặng lẽ mà da diết đang mỗi ngày một lớn trong tâm hồn mình.
Nhưng Huyền đã chọn văn chương, bởi cho đến tận bây giờ, nhiều năm đã trôi qua, hát với Huyền chỉ là một cách để “thiền”. Văn chương cho Huyền thêm nhiều thứ khác, cho Huyền được suy ngẫm, tư duy, được thay đổi và được hòa nhập, bay xa trên con đường dài. Sáng tác thơ từ những năm 14, 15 tuổi với những vần thơ trong sáng đượm buồn, cho đến nay Huyền Thanh Thanh đã có cả một quá trình thử nghiệm, ồn ào đam mê có, hỗn loạn đau đớn có, trở trăn lặng lẽ có. Bởi hơn ai hết, tâm hồn nhạy cảm của Huyền đã bắt rễ sâu vào trong từng nỗi niềm cuộc sống để hiểu rằng nghệ thuật chính là thứ được cất cánh từ những hạnh phúc và buồn đau thật nhất, từ những trải nghiệm đau đớn nhất.
Ngày nào trước khi đi dạy, cô cũng chờ một tin nhắn từ phụ huynh để thông báo nghỉ. Mệt nhọc và ngao ngán khi phải tự mình gánh trên vai nỗi nhọc nhằn kiếm sống từ khi còn quá nhỏ, đôi lúc Huyền muốn khuỵu xuống nhưng phải cố gượng đứng lên. Trước lúc đi dạy, Huyền cố nghĩ đến cốc nước cam, nước chanh..., những cốc nước cô sẽ được chủ nhà pha mời trong buổi gia sư, làm mục tiêu và niềm vui để mà đỡ ngao ngán. Những cốc nước ấy, dù sao cũng là thứ lấp lánh duy nhất của cả một ngày dài.
Những vần thơ ngày ấy của Huyền Thanh Thanh đã nhuốm nỗi buồn. Cô viết thơ tặng mẹ, cô viết thơ tặng chính mình. Những ngày mẹ bệnh nặng nằm trên giường, nhìn trên tay mẹ loang lổ những vết mụn to, Huyền thấy nhói đau trong lòng. Thương mẹ, Huyền đã cố gắng quên mệt nhọc để ngày nào cũng bước ra khỏi nhà từ 7 giờ tối, trở về lúc 11 giờ đêm để dạy học.
Tủi cực, thương xót, buồn bã..., nhưng rồi như Huyền nói, “chính thơ, chính nghệ thuật đã cứu cho cuộc đời tôi”. “Nếu như cuộc sống mà tôi thấy là biết bao buồn đau, khổ hạnh, và cả sự bẩn thỉu, thì thơ và nghệ thuật đã khiến tôi nhìn thế giới khác đi, khiến cho con người và mọi thứ trước mắt nó trở nên thiện, đẹp, trong sáng”, Huyền cũng nói vậy.
Hiện nay Huyền đang viết thơ, truyện và tiểu thuyết. Cô đã cho xuất bản được tập thơ đầu tay mang tên “Trên từng vết chân hoang” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017). Tập thơ được họa sĩ, NSƯT Quách Trường Sơn đánh giá là thành công, ở đó “Huyền Thanh Thanh đã xả nỗi niềm để chơi với những con chữ rất ảo diệu và cho thấy được Huyền Thanh Thanh như một hiện tượng rất đời và rất thơ”, còn nhà thơ Trần Quang Quý thì nói về tác giả tập thơ bằng những từ “đa cảm, đa đoan, miên dại”.
Thơ của Huyền trải rộng trên nhiều mảng đề tài, từ tình cảm gia đình, tình yêu nam nữ, tình yêu quê hương cho đến những cảm xúc nhẹ nhàng thoáng qua, rất đời và rất nhân văn. Nhiều khi chỉ là bắt gặp một cái gì đó vụt qua trước mắt, như một bức tranh trên phố, một cột đèn đỏ, hoặc điều gì đó thoáng hiện trong tâm trí, cũng đủ để giao thoa với luồng cảm xúc trong lòng rồi bật thành thơ. Chính bởi vậy mà đọc thơ Huyền là để cảm chứ không phải để hiểu. Huyền nói với tôi: “Chỉ thế mới sống tận cùng được với những gì mình có”.
Quả thực, để hiểu được thơ Huyền, người ta không thể lướt qua nhẹ các con chữ. Phải dừng lại, chầm chậm nhấm nháp từng từ cùng âm vang của nó. “Ngọt nhạt gì?/ hai tiếng mến thương/ Con dao cắm hững hờ/ thân táo đỏ/ Người cô lữ/ chợt bừng như rao mõ/ Biết đâu rằng/ đắng đót một tuồng ngơ” (Ảo ảnh). Hay: “Và sân khấu khô cạn. Nhảy nhót. Tím đen một màu bẩn thỉu. Nhưng người nghệ sĩ vẫn tha thiết. Yêu. Cà cuống. Ngón chân lướt. Không một lỗi nào được tạo với chi chít chắp vá cuộc đời” (Trước cơn giông).
Trước những câu thơ như vậy, người ta không thể thoáng đọc. Sẽ có một chút khó khăn để hiểu, bởi những va đập của ngôn từ không thường tình, bởi những đồng hiện của hình ảnh không rõ nét, nhưng sau tất cả, khi đã cảm được thơ không phải từ bề mặt câu chữ mà sâu xa hơn thế, sẽ là một thế giới đẹp của thi ca hiển hiện đón đợi, một thế giới trọn vẹn và ngọt ngào.
Tôi hỏi Huyền Thanh Thanh, tại sao cô lại chọn Đại học Bách khoa và ngành điện chứ không phải văn chương và một trường nào đó liên quan đến văn chương. Nữ thi sĩ trẻ nói rằng cô đã chọn cả hai đấy thôi. Hàng ngày cô sống với hai thế giới, một bên là kinh doanh, một bên là thơ và nghệ thuật.
“Nhưng tôi cảm thấy may mắn vì điều này, bởi hai thế giới ấy không khiến cho tôi bị chia rẽ. Tôi vẫn được là tôi, bởi suy cho cùng, thơ không tách bạch khỏi cuộc sống, nhà thơ không cô lập với thực tế cuộc sống, mà ngược lại, cần phải đau nỗi đau của nhân loại, đau đáu với nỗi niềm của nhân tình thế thái”, Huyền Thanh Thanh tâm sự. Rồi với một thoáng buồn trong ánh mắt, cô gái nhỏ nhắn ấy nói với tôi nhưng cũng là nói với chính mình: “Tôi hàm ơn văn chương. Nếu không có nó, có lẽ tôi sẽ không bứt phá ra được khỏi những nỗi buồn đau của cuộc đời”.
Chia tay Huyền Thanh Thanh khi phố Hà Nội đã lên đèn, tôi cầm tập thơ vừa được tặng trên tay, mở đọc dòng chữ Huyền viết trang đầu sách. Thay cho lời đề tặng, Huyền viết tên tôi, rồi ghi thêm “Họa nhé!”. Tôi hiểu, cô ấy muốn nói rằng thơ hay cuộc đời cũng giống như một bức tranh, và trên cái nền dẫu có tối tăm hay “khô cạn” đến mấy thì “người nghệ sĩ vẫn tha thiết”. Bức tranh dẫu có được tạo bởi “chi chít chắp vá cuộc đời” thì vẫn ánh lên màu sự sống, vẫn đẹp và thánh thiện như “không một lỗi nào”.