Giây lát hai vợ chồng gặp nhau. Không biết họ đã trao đổi gì, chỉ biết lúc trao lại điện thoại cho Trung đội trưởng, gương mặt Bá Dìa rạng lên, hai mắt long lanh như vừa trải qua điều gì phấn chấn lắm. Kéo tôi ra ghế đá, Dìa hớn hở: “Không giấu gì anh, chỉ còn vài ngày nữa em hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Vợ gọi điện hỏi để mẹ con xuống đón. Hai năm xa gia đình em rất nhớ mọi người nhưng phải giấu kín trong lòng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tết này, vợ chồng mua nhiều thịt, gói nhiều bánh chưng và mua quần áo mới đi chơi Xuân”.
Nói xong, Dìa sờ ngực, lần từ trong túi áo đưa tôi xem đôi hoa tai màu hồng rất đẹp, thấy tôi chưa hiểu, Dìa nói khẽ nhưng gần như reo: “Ở bản Trường Sơn, nhà mình nghèo lắm, còn thiếu nhiều thứ nhưng mình nghĩ phải mua cái gì để tặng vợ. Nên hôm Chính trị viên Tiểu đoàn đi công tác mình đã nhờ anh ấy mua giúp đôi hoa tai này. Đây là món quà để mình cảm ơn Vừ Y Rê. Y Rê làm vợ mình và chịu thiệt thòi nhiều, “hắn” quanh năm phải ở nhà chăm lo nương rẫy, gia đình để mình công tác…”. Câu chuyện của tôi với Trung sĩ Lầu Bá Dìa, Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 (Quân khu 4) cứ thế dài thêm.
Trung sĩ Lầu Bá Dìa là người dân tộc Mông, quê ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Gia đình anh có 4 anh em, Dìa là con út. Năm 2014, anh lập gia đình với chị Vừ Y Rê, đến nay có cậu con trai gần 3 tuổi. Vợ chồng đang ở cùng với bố mẹ, cuộc sống phụ thuộc nương rẫy, vài con trâu bò nên gia đình anh còn nghèo. Năm 2016, Lầu Bá Dìa nhập ngũ và với những nỗ lực của bản thân, anh đã được kết nạp Đảng tại đơn vị, được tặng danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến.
Khi tôi hỏi sau 2 năm công tác Dìa nhớ nhất điều gì, sau một lúc tư lự anh bày tỏ: “Nhớ nhất hôm em nhập ngũ, bữa ấy trời mưa, chỉ có mẹ và anh trai đưa xuống huyện. Vợ bế con tiễn ra đến ngõ rồi quay vào. Mẹ thì đứng tựa cửa nhìn con trai. Lúc đó em nghĩ, ai cũng muốn sướng thì gian khổ biết gửi cho ai. Em tự dặn lòng, phải yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đó là cách mình thương gia đình. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện tân binh em đăng ký học tiểu đội trưởng. Rồi trên cương vị mới em vất vả hơn, ngoài nhiệm vụ của bản thân phải chăm lo cho chiến sĩ. Mình luôn gần gũi, động viên để cùng nhau công tác. Cái quan trọng là việc gì cũng phải làm gương để chiến sĩ noi theo”.
Bá Dìa còn nói rằng, từ khi trở thành bộ đội, anh đã học được rất nhiều điều. Ngay với cả những việc đơn giản như chăn nuôi gia súc, gia cầm, từ trước đến nay, ở bản, gia đình Dìa cũng nuôi nhưng toàn theo cách truyền thống, không có kiến thức khoa học gì. Vì thế trâu bò, lợn gà hay bị dịch bệnh, bị chết. Ở đơn vị, Bá Dìa được trang bị kiến thức sản xuất chăn nuôi, nên anh tự tin lắm. Lợn phải cho ăn ngày ba bữa, phòng trừ dịch bệnh, xây chuồng mát về mùa hè, ấm về mua đông mới nhanh lớn và cho thu nhập cao. Khi trồng cây gì phải làm luống, bón phân, làm cỏ, tưới nước thì vừa nhanh tốt, vừa năng suất cao. “Trên bản, nhà mình làm còn lạc hậu. Mỗi lần viết thư hay gọi điện mình hay dặn vợ làm theo” - Dìa cười hỉ hả.
Đại úy Lê Văn Chung - Chính trị viên phó Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 335 trìu mến nói về Lầu Bá Dìa: “Đồng chí Dìa là một cán bộ tiểu đội mẫn cán với công việc. Luôn nhiệt tình, trách nhiệm cao, không ngại khó khăn gian khổ. Tuy là người dân tộc thiểu số, nhưng Dìa hòa nhập tự tin, tiếp thu bài học tốt, tham gia sôi nổi các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, đặc biệt biết thổi khèn và ca hát. Ngoài làm tốt nhiệm vụ của mình, anh hay giúp đỡ đồng đội, được mọi người quý mến”.
Trong tiểu đội, anh em ai cũng phục Tiểu đội trưởng Lầu Bá Dìa. Trong suốt thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, tháng nào nhận tiền phụ cấp khoa học Dìa đều góp lại để gửi về cho vợ. Ngoài ra, Dìa còn tiết kiệm tiền phụ cấp được 6,5 triệu đồng, cộng với tiền xuất ngũ đợt này anh mang về cho gia đình gần 30 triệu đồng. Dìa cho biết, tất cả số tiền nhận được anh sẽ đầu tư cùng những kiến thức sản xuất, chăn nuôi đã học được trong quân đội áp dụng vào thực tế, qua đó tìm cách làm ăn hiệu quả, chiến thắng trong "trận chiến" thoát nghèo ngay trên mảnh đất biên giới quê nhà.
Chia tay Lầu Bà Dìa khi con chim rừng trên dãy Giăng Màn sắp đi ngủ, tôi chúc cho anh trở về quê hương mạnh khỏe, thực hiện thành công ước mơ, dự định của mình.