(Baonghean) - Sinh ra ở miệt biển Cửa Hội, tác giả Nguyễn Duy Năng (hội viên Hội VHNT Nghệ An) tự thấy mình không đi đâu ra khỏi những “con sóng” của biển quê. “Neo vào ngọn sóng” là tên một tập thơ của ông, cũng chính là sự liên tưởng tới “chân dung” của ông mà nhà thơ Nguyên Hùng (cháu ruột của ông) “vẽ” chú mình.
Xin được bắt đầu bằng “nét bút” tài hoa của nhà thơ Nguyên Hùng vẽ “người cửa biển” Nguyễn Duy Năng: “Tự mình neo vào ngọn sóng/ Để cả đời say biển say em/ Sóng vỗ mãi chẳng phút giây dịu lắng/ Những trang thơ ngấm tình-biển-lạt-mềm./ Biển và thơ hòa lẫn vào hai nửa/ Biển hóa thơ, thơ say biển bạc đầu/ Người có lần gánh biển đi dạo phố/ Chợt giật mình: hoa gạo rụng về đâu?/ Người kẻ biển tính như muối mặn/ Những cái bá vai lây cả sang thuyền/ Rượu chịu bỏ nhưng không đành thiếu bạn/ Để tháng ngày bà cháu lặng thầm điên”.
Tôi nhắn với nhà thơ Nguyên Hùng rằng, tôi sẽ viết gì đây nữa về Nguyễn Duy Năng, khi mà anh, chỉ với 12 câu đã vẽ về ông rõ nét, đủ đầy và tinh tế đến vậy rồi. Nguyên Hùng nói, hãy cứ gặp, cứ viết đi, ông Năng còn nhiều điều thú vị lắm. Và tôi, nói lại với anh Nguyên Hùng, thôi thì tôi sẽ làm cái điều hơi phi lý, là sẽ “diễn giải” những nét vẽ của anh một cách chậm rãi vậy…
Nguyễn Duy Năng sinh năm 1944, tại một làng đáy ven biển Cửa Hội. Ông là con út trong gia đình có 5 người con, một gia đình bao đời gắn với nghề đi biển. “Cái làng biển nghèo, những mái tranh lúp xúp, tiếng sóng dội, những ngày bão về, những con thuyền chênh chao, những bóng người nhỏ nhoi giữa muôn trùng sóng nước, cái mặn của gió...
Tất cả, đã thấm vào lồng ngực, vào nỗi nhớ của tôi” - Nguyễn Duy Năng trải lòng như thế bên ly cà phê chiều chảy chậm. Cuộc sống rồi sẽ lặng trôi, ông rồi sẽ trở thành một ngư dân như bao đời nay người quê ông, như cha, như anh của ông nếu như không phải ông đã sớm nuôi trong mình chút mộng mơ...
Cậu bé Năng ngày ấy học giỏi có tiếng, yêu mê sách vở và khát khao thoát khỏi cái cảnh bần hàn. Ông nghĩ mình phải làm việc gì đó khác đi... Những trang văn đã mở lối cho ông đến với những khao khát ấy. Mặc dù đã là học sinh giỏi Văn của tỉnh, nhưng cuối cùng ông lại thi đậu Đại học Nông nghiệp (ngành Thủy sản).
Tốt nghiệp đại học, ông trở về quê nhà làm cán bộ kỹ thuật của Nhà máy đóng tàu Cửa Hội. “Cuối cùng thì tôi lại vẫn trở về cùng biển, về cùng những con tàu” - ông nói với một nụ cười, dường như ký ức của niềm vui vẫn đang ánh lên trong đôi mắt đầy vết chân chim. “Khát khao làm một cái gì đó khác, nhưng nỗi nhớ sóng, nhớ biển không bao giờ nguôi lặng. Và rồi, tôi lại đạt ý nguyện”.
Là cán bộ có triển vọng, ông lần lượt được cử đi học các lớp nghiệp vụ kinh tế, quản lý kinh tế ở trong nước và nước ngoài. Ông trở thành Phó Giám đốc Nhà máy đóng tàu Cửa Hội. Sau khi học xong khóa học nâng cao nghiệp vụ kinh tế 18 tháng tại Liên Xô trở về, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc kinh doanh của Quốc doanh đánh cá Cửa Hội (trực thuộc Cục Thủy sản).
Sau đó, ông có thời gian được điều sang làm Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Nghệ Tĩnh. Khi thị xã Cửa Lò thành lập, ông chuyển về làm Trưởng phòng Kinh tế Tổng hợp và sau này sang làm Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm.
Quãng đời dài làm cán bộ và “làm quan”, cứ ngỡ rằng những con số, bài toán kinh doanh và công việc làm ông quên đi cái phần “mộng mơ” vốn dĩ trong tâm hồn con người kẻ biển ấy. Nhưng không, ông nói, dù không thường xuyên nhưng ông vẫn đến với văn chương theo cách của riêng mình. Ông đọc thơ, ông viết thơ (dù không nhiều) và ông “nhìn” công việc bằng con mắt thơ.
Hơn 70 tuổi, nhưng ông vẫn nhớ bài thơ đầu tiên của mình được in trên tạp chí Sông Lam - tạp chí văn nghệ của tỉnh và cái cảm giác “như run lên” khi thấy những dòng thơ của mình trên tạp chí. Ông bảo, bài thơ ấy làm khi ông là anh cán bộ ở Xí nghiệp đóng tàu Cửa Hội. Mỗi con thuyền do xưởng sản xuất ra, khi sắp hoàn thành có một công đoạn quan trọng vô cùng là vẽ “con mắt” của thuyền.
Người thợ vẽ mắt thuyền phải là người rất giỏi. Khi ông bắt gặp người thợ đầy tỉ mỉ, đầy yêu thương đang hoàn thành công việc tô đôi mắt con thuyền, ông đã viết bài thơ “chạm ngõ văn chương” của mình: “Đôi mắt thuyền”: Tô xong đôi mắt cho thuyền/ Anh công nhân mơ màng về biển/ Anh thấy cá ở ô Năm, ô Chín/ Bơi ngược dòng sà vào lưới giãn đôi/ Anh say cái màu xanh mười bảy sải khơi/ In bóng cá đi ngời đáy nước/ Những con chim trên trời kêu ríu rít/ Rồi vội vàng bay về phía hoàng hôn/...”. Nếu không phải tình yêu biển cồn cào như sóng, hẳn rằng anh cán bộ kỹ thuật Nguyễn Duy Năng thời ấy sẽ không thể nhìn thấy ý nghĩa từng nét vẽ của anh thợ thuyền.
Bài thơ gửi tới tạp chí và ông nhận được hồi âm từ biên tập viên Triệu Nguyễn. “Thật may mắn khi tôi đã được phát hiện, được nâng đỡ bởi những biên tập viên tinh tường và nhiệt huyết. Ngày ấy, chỉ cần le lói một đốm sáng trong những trang viết gửi đến là những người làm công việc “gác cổng” văn chương họ trân trọng lắm. Họ tìm đến, động viên, giúp đỡ, sửa chữa từng câu chữ. Cũng nhờ thế, mối tình với văn chương như càng thêm sâu nặng”- Nguyễn Duy Năng chia sẻ.
Kể từ bài thơ đầu cho đến những bài thơ, tập thơ sau này, thì mảng đề tài chủ yếu trong sáng tác của Nguyễn Duy Năng chính là biển. Ngay cái tên những tập thơ của ông cũng nghe rõ điều đó: Sóng vỗ, Muối của đất, Neo vào tiếng sóng… Có đến 3/ 5 tập thơ của ông nặng tình với biển. Và có một đặc điểm trong thơ Nguyễn Duy Năng là ẩn sâu trong những bài thơ đầy xúc cảm, người ta vẫn nhận ra những suy tư, trăn trở, cách nhìn cuộc sống của ông.
Những câu thơ thế sự, triết lý đã lấp lánh trong những bài thơ tưởng chừng như bảng lảng, như kể chuyện, tâm tình, ví như những câu như thế này: “Cá trong bờ quắt lại vì khôn/ Cá ngoài khơi phổng phao mà dại” (câu thơ đã từng được chọn để thả lên trời nhân Ngày thơ Việt Nam ở Nghệ An).
Với Nguyễn Duy Năng, văn chương đã cho ông quá nhiều. Ông được sống đúng với con người nhân hậu, yêu thương, nhiệt tình, sôi nổi của mình. Ông không nỡ làm đau ai, hay nói đúng hơn, ông rất sợ làm tổn thương đến người khác. Ngay cả trong nhà mình, ông hết mực yêu thương và cũng có phần “sợ” con cháu.
Nhà thơ Nguyên Hùng kể: “Nhà ông có 4 đứa con, 2 trai 2 gái. Kể cả khi kinh tế gia đình còn rất khó khăn, ông bà đều dồn sức cho các con ăn học, riêng ông “gánh vác” thêm việc chăm nuôi các cháu. Với các con, ông thường sợ làm chúng buồn, và thường đồng thuận theo chúng từ việc thi vào trường nào, quyết định làm gì… chứ không dùng uy quyền của người cha để định hướng cho các con.”
Bản thân Nguyễn Duy Năng cũng nhận thấy mình sống “có văn hóa” hơn nhờ văn chương. Và chính nó, không chỉ nâng đỡ tâm hồn ông mà cũng mang đến cho ông những người bạn văn chương “thực quý giá”. Ông là con người lấy mối quan hệ với bạn bè làm vui. Với bạn bè, cửa nhà ông luôn rộng mở. Ông sẵn sàng đón bạn về ở nhà mình cả tuần ngay từ thời sinh viên dù ngày đó ông ở với nhà anh chị (những người chịu trách nhiệm nuôi dưỡng ông ăn học).
Khi đã có gia đình riêng, ông lại thường xuyên mời bạn bè về nhà chơi và vợ ông trở thành người phục vụ ông và các bạn tại các cuộc rượu tại nhà. Nhưng sẽ rất nhầm nếu nghĩ với tính cách ấy, ông là người nhẫn nhịn, nhu mì. Thực tế thì Nguyễn Duy Năng được bạn bè đánh giá là người cương trực và có phần nóng tính. Khi gặp chuyện chướng mắt, ông thường thể hiện sự phản ứng một cách không cần kiêng dè. Ông không ưa sự nịnh nọt, khuất tất của những người xung quanh. Ông cũng dễ bị khó chịu vì những điều tiêu cực trong xã hội.
Ông nói, có lẽ chỉ trước thơ, ông mới thấy mình thực sự phải “cúi đầu”. Ông tâm đắc câu trải lòng của “nhà thơ xích lô” Nguyễn Văn Phương (Huế): “Cuộc đời em lấm láp lắm, chỉ bước vào câu thơ mới được khô ráo”. Từ ý này mà ông đã viết bài thơ “Dắt mẹ vào thơ”. Ông mong mỏi người mẹ cả một đời tảo tần cơ cực của mình có ngày được bước vào nơi trang trọng, sạch sẽ, đó chính là… những câu thơ.
Và, dù làm thơ thiên về tình cảm, thì mỗi bài thơ của Nguyễn Duy Năng thường gắn với một câu chuyện, thường có một xuất xứ nào đó rõ ràng. Ông nói: “Tôi chọn tứ thơ, rồi sau đó mới chọn ý, chọn lời”. Và với ông, được đến với thơ, được gặp bạn bè văn chương… là những niềm vui như thể buổi trùng phùng sau những“mong người từ mấy trăm năm”.
Các tác phẩm của Nguyễn Duy Năng: - Sóng vỗ (thơ, 1997) - Hoa gạo rụng về đâu (thơ, 1998) - Muối của đất (thơ, 1999) - Lẫn vào hai nửa (thơ, 2001) - Neo vào ngọn sóng (thơ, 2001) - Tản mạn từ nhà ra ngõ (tản văn, 2004) - Tản mạn từ quê ra tỉnh (tản văn, 2012) - Các bài thơ: Lạt mềm, Gánh biển vào phố, Những cái bá vai, Người kẻ biển... |
Thùy Vinh