(Baonghean) - Cuộc sống vốn dĩ sôi động, phức tạp và rất khó lường. Thế nên, đôi khi chủ trương tiến hành một việc này với một dụng ý, chủ đích rất rõ ràng, rất tốt đẹp, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện lại nảy sinh thêm những hành vi khác với những kết quả khác ngoài mong muốn, gây hậu quả xấu. Như thế gọi là tác dụng phụ.
Đơn cử như chủ trương cho làm bù vào ngày nghỉ để có những kỳ nghỉ lễ, tết dài ngày mà nước ta đã thực hiện mấy năm nay. Dụng ý là để người lao động có kỳ nghỉ dài thuận lợi cho việc về thăm quê hương bản quán, người thân hoặc đi du lịch, nghỉ ngơi, thư giãn sau những chuỗi ngày làm việc vất vả. Vừa giúp người lao động tái tạo sức lao động vừa là một biện pháp kích cầu tiêu dùng, du lịch. Có người còn cho rằng, những kỳ nghỉ dài ngày như thế sẽ giúp người lao động phấn khởi hơn, quan tâm đến gia đình, họ hạnh phúc hơn, năng suất lao động sẽ tăng khi quay trở lại làm việc…Tóm lại là lợi ích về nhiều mặt.
Những mục đích tốt đẹp đó, phần nào đã thành hiện thực. Khi mà vào các ngày nghỉ lễ, các điểm vui chơi, giải trí, các khu du lịch, nghỉ dưỡng đầy ắp người. Đầy đến nỗi quá tải đủ thứ. Từ phương tiện đi lại cho đến nơi ăn, chốn ở. Rõ ràng là ngành Du lịch, ngành Vận tải đã thu lợi rất lớn trong các ngày nghỉ lễ. Đi cùng với đó là các ngành Thương mại - dịch vụ ăn uống cũng nâng cao được doanh thu từ những ngày nghỉ kéo dài. Còn trên “phây” và các trang mạng xã hội khác thì tràn ngập hình ảnh các gia đình, các cặp đôi tràn trề niềm vui bên nhau trong những kỳ nghỉ dài ngày với đủ các loại hình vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng. Nhìn vào đó mới thấy cái ý kiến cho là người Việt ta có chỉ số hạnh phúc cao nhất nhất thế giới không phải là không có cơ sở. Và dù chưa có một cuộc khảo sát, điều tra nào để có những đánh giá bằng các con số cụ thể, nhưng bằng mắt thường cũng có thể nhận biết được rất rõ là các kỳ nghỉ dài ngày đã đem lại lợi ích cho nhiều người và một số ngành.
Thế nhưng nói đi rồi phải bàn trở lại vì cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Bên cạnh cái lợi của kỳ nghỉ dài ngày, đã bộc lộ những cái hại. Trước hết, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cả nước ngưng lại cả tuần lễ liền. Đó là kỳ nghỉ lễ nhân dịp Giỗ Tổ kết hợp với ngày Quốc tế Lao động và ngày Thống nhất đất nước. Còn kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa rồi còn kéo dài tận chục ngày và rơi rớt lại tới gần nửa tháng. Chừng đó ngày, cả nước ăn chơi, nhảy múa mà không làm ra được một đồng xu, cắc bạc nào. Thật khó mà cân đong, đo đếm cho hết, cho chính xác là giữa cái lợi thu được từ kích cầu du lịch, tiêu dùng với sự thiệt hại của nền kinh tế do ngưng trệ nhiều ngày thì bên nào hơn bên nào.
Nhưng chắc có lẽ là thiệt hại vẫn nhiều hơn. Bởi bên cạnh những cái mất chưa thấy được bằng mắt thường hoặc bằng các con số thống kê cụ thể thì còn có những mất mát, thiệt hại rất lớn và nhìn thấy được ngay. Như là hồi tháng 2, trong gần chục ngày nghỉ dịp Tết Nguyên đán, cả nước có hơn 5.400 người nhập viện vì đánh nhau, với 19 người tử vong, xảy ra 536 vụ tai nạn giao thông làm 317 người chết, bị thương 509 người. Còn trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 28/4 - 2/5), cả nước xảy ra 212 vụ tai nạn giao thông, làm chết 132 người, bị thương 152 người, mất tích 3 người. Trong đó, nhiều nhất là tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 200 vụ, làm chết 122 người, bị thương 151 người.
Cả nước cũng đã xảy ra hàng trăm vụ đánh nhau phải nhập viện. Đó là con số thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia. Còn một con số nữa, đỡ đau thương hơn những con số nói trên, chưa thấy ai thống kê. Đó là trong những ngày nghỉ lễ, người dân cả nước đã tiêu thụ hết bao nhiêu lít rượu, bia. Con số chắc là cũng khủng khiếp lắm. Vì “lên phây” thấy lượng lớn dân ta khoe nhau cảnh ăn nhậu. Người giàu ra biển nhậu hải sản hay lên rừng ăn thịt thú. Nghèo, ít tiền thì vui nhậu tại gia với lợn mán, tiết canh vịt cho mát ngày đầu hè. Công nhân được nghỉ lễ cũng tụ tập thành nhóm nhậu với lẩu tạp nham…
Nghỉ nhiều ngày thế, không ra đường, không ăn nhậu thì làm gì cho hết từng đó ngày? Thế là, đâu đâu cũng nhậu. Rượu, bia chảy tràn như nước suối mùa lũ. Kết cục là vui thì cũng vui thật đấy, nhưng liền sau đó là tai nạn xe cộ, là đánh nhau đến vỡ đầu, chảy máu. Hóa ra, cho nghỉ lễ dài ngày để kích cầu du lịch, tiêu dùng, nhưng lại vô tình “kích cầu” thêm các thứ khác như là tai nạn giao thông, ăn nhậu vô tội vạ. Một lượng tiền không nhỏ của người dân trôi vèo rất lãng phí theo những cuộc vui vô bổ kiểu đó và còn để lại hậu họa không nhỏ.
Thế nên, rất cần xem xét, đánh giá một cách cụ thể, rõ ràng cái lợi, cái hại của việc cho làm bù để nghỉ lễ dài ngày. Xem thử bên nào hơn, bên nào kém để lấy làm cơ sở mà quyết định lại là có nên tiếp tục như thế nữa không. Việc này, rất cần và rất nên cân nhắc lại cho thật kỹ lưỡng. Vì tác dụng chính là kích cầu thì đã thấy rõ rồi, nhưng mà tác dụng phụ, xem ra lại còn rõ hơn, “đau” hơn nhiều lần.
Bụt Sơn