(Baonghean) - Trong một kỳ họp Quốc hội thì phần luôn gay cấn, nóng bỏng và được đông đảo cử tri quan tâm nhất là phần chất vấn người đứng đầu các bộ, ngành. Bởi từ sự chất vấn này sẽ hé mở bản chất và cách xử lý, giải quyết những vấn đề bức xúc mà cả xã hội quan tâm. Lần này, sự quan tâm của cử tri cả nước đối với phiên chất vấn (dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 21 tháng 11) có phần tăng cao hơn.
 
Lý do là thời gian qua có quá nhiều vấn đề làm rúng động dư luận cả nước như các sai phạm động trời xảy ra trong ngành Y tế dẫn đến không ít sinh mạng phải lìa đời trong khuất tất hoặc phải chịu tàn tật vĩnh viễn, hay vụ án oan cầm tù người vô tội 10 năm liền của ngành Tư pháp; những chuyện phí chồng lên phí của ngành Giao thông mà tai nạn vẫn xảy ra nghiêm trọng, khiến mỗi ngày có cả “một trung đội ra đi”.
 
Trường đại học mở ra ngày một nhiều mà ngày càng ít người học và phần lớn sinh viên tốt nghiệp xong là thất nghiệp, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của của nhân dân… Cử tri chờ đợi và kỳ vọng tại phiên chất vấn này, những vấn đề tuy cũ nhưng luôn nóng hổi tính thời sự và gây nhiều thắc mắc đó sẽ được các đại biểu của dân cùng các “tư lệnh ngành” mổ xẻ làm rõ sự thật cũng như nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó và các giải pháp khắc phục cùng tiến độ thực hiện.
 
Tuy nhiên, có một nghịch lý ở đời là càng kỳ vọng bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu. Theo những thông tin thu nhận được từ hội trường diễn ra kỳ họp thì bộ trưởng của các bộ đang có nhiều vấn đề được cử tri cả nước hết sức quan tâm như: y tế, giao thông, công an, giáo dục… nhiều khả năng không được (hoặc không phải) chất vấn tại kỳ họp này. Mà thay vào đó là Bộ trưởng Nông nghiệp, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ, Chánh án TAND tối cao.
 
Cử tri chưng hửng và ngớ người vì không hiểu sao lại vậy. Cho dù, không phải họ không quan tâm đến những vấn đề như: đời sống của người nông dân còn nhiều khó khăn; cước 3G tăng đột biến và bất hợp lý làm thủng túi người tiêu dùng hay ngành khoa học - công nghệ chưa giúp được gì nhiều trong vấn đề cải thiện thu nhập và đời sống của người dân... Những vấn đề đó tuy quan trọng nhưng không phải là thứ đang được cử tri đặt lên hàng đầu trong kỳ chất vấn này.
 
Lý giải về sự lựa chọn này, ông Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, lựa chọn bộ trưởng nào trả lời trực tiếp tùy thuộc vào mức độ quan tâm của cử tri và đại biểu đối với lĩnh vực mà người đó đang điều hành. Nguyên tắc khi lựa chọn các vị bộ trưởng trả lời chất vấn là phải có ý kiến của các đại biểu. Trên cơ sở hai lần tổng hợp ý kiến, Đoàn thư ký sẽ xem xét vị bộ trưởng nào có nhiều câu hỏi sẽ đưa ra danh sách 5 bộ trưởng xếp từ cao xuống thấp và chọn lấy 4 trong số này. 4 vị bộ trưởng được chọn lần này đều nhận trên 80% số phiếu mà đại biểu đặt câu hỏi chất vấn. Đây cũng là 4 vị đại diện cho đầy đủ các khối kinh tế, xã hội và tư pháp. Khi đưa danh sách các vị bộ trưởng, trưởng ngành xin ý kiến thì phải dựa trên câu hỏi chất vấn. Bộ trưởng y tế nhận số câu hỏi không nhiều. Nếu xếp thứ tự chỉ đứng thứ 7 cho nên không đưa vào danh sách 5 vị bộ trưởng để đại biểu lựa chọn ra 4 vị.
 
Vậy là đã rõ, đang có sự vênh nhau về vấn đề cần quan tâm giữa cử tri và gần 500 đại biểu của họ. Ví dụ như về vấn đề y tế, phải khẳng định là cử tri cả nước đang rất quan tâm đến vấn đề này sau hàng loạt bê bối xảy ra trong ngành và trông đợi Quốc hội tạo cơ hội để Bộ trưởng Y tế bày tỏ quan điểm trước rộng rãi cử tri cả nước. Phiên chất vấn chính là cơ hội đó, tiếc là Bộ trưởng lại nhận được quá ít phiếu yêu cầu từ các đại biểu. Nghĩa là không mấy  đại biểu quan tâm đến Bộ trưởng của ngành mà cứ vài tháng lại xảy ra một vài “xì căng đan” làm xôn xao dư luận cả nước. Vậy mà, không ít đại biểu, khi ra ứng cử cách đây mấy năm từng phát biểu rằng “tôi sẽ lắng nghe nguyện vọng, nói tiếng nói của các ông, các bà”. Cũng có thể họ có lắng nghe, nhưng nghe không rõ hoặc nghe nhưng rồi không nhớ. Mà cũng có thể là do tầm suy nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề không cùng ở tầm mức như nhau…
 
Song cần nhớ, chất vấn là hoạt động thể hiện tính kết nối giữa cử tri, đại biểu và các vị đứng đầu ngành, làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng mà cử tri cả nước quan tâm trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Sự vênh nhau như vừa nói ở trên chứng tỏ sự kết nối giữa cử tri và đại biểu chưa thông suốt. Mà chưa thông suốt thì rất khó cùng nhau giải quyết tốt bất cứ vấn đề gì, dù to hay nhỏ. Mà như thế thì tác dụng của các đại biểu đối với việc giải quyết các vấn đề quốc kế, dân sinh sẽ giảm đi nhiều và việc dự họp Quốc hội, không khéo sẽ dẫn đến tình trạng: Ta đến ta nói ta nghe. Nói xong ta lại tàu xe ta về.
 
Duy Hương