(Baonghean) - Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất ý kiến lên Chính phủ về việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động có trình độ chuyên môn cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt lên 5 năm, so với quy định hiện nay. Nghĩa là, những người lao động và quản lý thuộc diện đó sẽ nghỉ hưu khi nam 65 tuổi, nữ 60 tuổi. Lý do tăng tuổi nghỉ hưu được Bộ LĐ-TB&XH nêu ra là “để đối phó với nguy cơ vỡ quỹ lương hưu và phù hợp với xu thế tuổi thọ người Việt Nam đang gia tăng.

Theo đánh giá của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), tuổi về hưu của người Việt hiện nay là sớm so với tuổi thọ, việc chi trả cho bảo hiểm xã hội và các chính sách khác hiện đang quá cao, khiến quỹ lương hưu sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2029”.

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐ-TB & XH hiện đang được nhiều người quan tâm bàn luận.  Đa số cho rằng, với đối tượng người lao động là các nhà khoa học lớn, tâm huyết với nhân dân đất nước, với sự nghiệp khoa học thì rất nên mời họ tiếp tục ở lại để cống hiến nhiều hơn , phục vụ nhiều hơn cho sự nghiệp chung. Còn các đối tượng khác thì cần được xem xét cụ thể từng trường hợp để tránh các tiêu cực có thể xẩy ra.

Thực tế cho thấy, người Việt Nam tuy có tăng tuổi thọ nhưng thể lực vốn yếu, nam ngoài 60, nữ ngoài 50 đa phần đã mang bệnh, ảnh hưởng bất lợi cho khả năng lao động kể cả trí óc và chân tay. Họ thường có biểu hiện mệt nhọc uể oải giảm thiểu tính năng động và khả năng sáng tạo trong công việc. Mặt khác, người Việt Nam thường lao động sớm trước 18 tuổi, nên chu kỳ lao động của họ theo tuổi nghỉ hưu quy định hiện nay cũng là đã khá dài.

Về vấn đề thâm hụt ngân sách, chúng ta có thể tính cụ thể như sau: Giả sử, tổng tiền lương phải trả cho người lao động đang làm việc là A thì nếu họ về hưu chúng ta phải trả cho họ số tiền là 75% của số A. Nhưng đồng thời, lại phải tuyển người mới và tiếp tục phải trả lương cho số người làm việc thay số về hưu, số tiền  cũng xấp xỉ là A. Kết quả thì việc giữ người lại tiếp tục lao động thêm 5 năm cũng không lợi hơn được bao nhiêu. Bài toán này nên giải bằng các biện pháp phát triển kinh tế, chống lãng phí, chống tham ô, tham nhũng cho có hiệu quả thì tốt hơn là kéo dài thêm tuổi nghỉ hưu vốn có thể mang theo nhiều hệ lụy.

Thứ nhất là, kéo dài tuổi nghỉ hưu của các bậc cha chú thì con em không có chỗ làm, tăng khả năng thất nghiệp của lao động trẻ.

Thứ hai, việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể kéo dài hiện tượng “đó rách ngáng trộ”, người đáng về thì “xoay”để ở lại, người đáng ở lại thì ép phải về. Chuyện không nhổ răng sâu mà nhổ răng lành trong việc giảm biên chế ngày xưa có khả năng sẽ lặp lại! Có người lo ngại rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể là do những người đang có chức có quyền, có chỗ “trúng tủ”, nên muốn bám riết lấy,  thêm năm nào lợi  năm ấy, càng kéo dài càng tốt?!

Nhìn vào lớp trẻ, con em chúng ta, nhiều người học hành tử tế, có người tốt nghiệp đến hai, ba trường đại học mà vẫn chưa tìm được việc làm, Bộ LĐ-TB & XH, Quốc hội và Chính phủ cân nhắc thật kỹ chủ trương kéo dài tuổi nghỉ hưu này? Vả lại, ở thời điểm hiện nay, các yếu tố tiêu cực  xã hội chưa hoàn toàn bị dẹp bỏ, chúng ta có nên đưa ra một chính sách đang  chứa nhiều sơ hở, kẻ tiêu cực có thể lợi dụng cơ hội để "đục nước béo cò"?!


Thạch Quỳ