(Baonghean) - Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An vừa đình chỉ công tác đối với lái xe Dương Hồng Sơn do phát hiện lái xe này thông đồng với cửa hàng xăng dầu Hưng Lộc (TP Vinh) nhiều lần kê tăng thêm số lít trong hóa đơn mua xăng từ năm 2011 đến 2012, rút ruột hơn 500 triệu đồng. Vụ việc đang được cơ quan điều tra vào cuộc. Qua đó cũng đánh động nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân không chỉ về việc quản lý xăng xe, mà còn đối với nhiều hoạt động mua bán, thanh toán bằng hóa đơn. Đồng thời cũng đặt ra sự cần thiết phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc đối với việc mua, bán và sử dụng hóa đơn còn nhiều bất cập trong thực tế.
Do các quy định, nguyên tắc về tài chính khi thanh toán kinh phí từ ngân sách phải có hóa đơn, chứng từ, nên không ít trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc vị trí, tính chất công việc để mua hóa đơn khống nhằm “rút ruột” ngân sách. Thế nên nghề kế toán ở ta thường được ví là nghề “hợp lý hóa” hóa đơn. Rất nhiều kế toán của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh, thay thế cho hàng hóa, dịch vụ khác. Thế mới có chuyện không ít kế toán cứ thấy khách đến là lo, cứ đến ngày tết, ngày lễ là sợ. Bởi sau mỗi dịp chi tiêu của “sếp”, thì kế toán phải đau đầu để nghĩ ra “trăm phương, nghìn kế” để “hợp lý hóa” bằng các loại hóa đơn khống cho phù hợp với các nội dung được duyệt chi theo quy định về sử dụng ngân sách nhà nước.
Nếu việc mua hóa đơn khống là “chuyện thường ngày” của nhiều cơ quan, đơn vị, thì việc không bao giờ lấy hóa đơn khi mua hàng, khi sử dụng dịch vụ kinh doanh, lại là thói quen của đại đa số người dân.
Theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 05 năm 2010 của Chính phủ quy định thì trách nhiệm và nghĩa vụ của người bán đối với các loại hàng, dịch vụ trên 200.000 đồng phải có hóa đơn. Và người mua hàng hóa, dịch vụ trên 200.000 đồng đương nhiên là được yêu cầu người bán xuất hóa đơn theo quy định.
Tuy nhiên, ở ta phần lớn người dân vẫn chưa có thói quen yêu cầu người bán hàng xuất hóa đơn, trừ những người tham gia mua hàng hóa, dịch vụ từ kinh phí ngân sách. Nhiều người dân khi mua vật dụng với giá tiền tương đối cao, có khi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, vẫn không lấy hóa đơn. Hoặc những người sử dụng ô tô cá nhân khi mua xăng dầu với số tiền trên 200.000đ nhưng ít người có ý thức lấy hóa đơn.
Mua hàng không lấy hóa đơn như nói trên rõ ràng là một thói quen không tốt. Bởi không lấy hóa đơn khi mua hàng, sử dụng dịch vụ là đã vô tình tạo điều kiện cho người bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ lách thuế, trốn thuế. Và như thế, bản thân người mua đã tiếp tay cho hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Mặt khác, người mua không biết rằng từ chối việc lấy hóa đơn cũng chính là từ chối các quyền lợi của người mua, như: chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu hàng hóa, dịch vụ; hưởng chế độ khuyến mãi, chế độ hậu mãi, xổ số hoặc được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; được dùng để hạch toán kế toán hoạt động mua hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán; kê khai các loại thuế; đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu...
Chuyện cái hóa đơn tưởng như là chuyện nhỏ, nhưng ngẫm ra lại không hề nhỏ chút nào. Hàng loạt các sai phạm, như: chi tiêu sai mục đích, sai nguyên tắc, làm thâm hụt ngân sách, thụt két công quỹ, tham ô, tham nhũng, lách luật, trốn thuế… cũng từ việc lập khống, làm giả, đánh tráo các loại hóa đơn mà ra. Cho nên, một mặt, Nhà nước cần sớm chấn chỉnh các thủ tục, quy định về chi tiêu ngân sách, khoán ngân sách một cách hợp lý để đảm bảo việc thanh toán hóa đơn, chứng từ sát đúng với nội dung chi thực tế. Tăng cường hiệu lực quản lý về mua, bán và sử dụng hóa đơn. Loại trừ các cơ hội để lập khống hóa đơn, chứng từ để “rút ruột” ngân sách, mà trường hợp lái xe Dương Hồng Sơn ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An chỉ là một ví dụ nhỏ. Mặt khác, người dân cũng nên tạo cho mình thói quen khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ phải yêu cầu người bán xuất hóa đơn theo đúng quy định. Phải coi việc lấy hóa đơn khi mua hàng vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ để người bán hàng thực hiện nghĩa vụ thuế một cách nghiêm túc, đầy đủ.
Lỗ hổng lớn từ cái hóa đơn nhỏ!
Đức Dương