Cách đây chừng mươi, mười lăm năm cả nước rộ lên phong trào trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, thu hút nhân tài. Hồi đó, các địa phương đua nhau thu hút đầu tư với đủ thứ ưu tiên, ưu đãi với các nhà đầu tư như miễn, giảm thuế, phí các loại, rút gọn các thủ tục hành chính… Với những người có trình độ cao thì được bố trí nhà ở, trợ cấp một cục tiền to để an cư và cho hưởng ngay biên chế nhà nước...
Lúc đó, có cả sự cạnh tranh rất không lành mạnh theo kiểu địa phương “trải thảm” sau bao giờ cũng đưa ra những ưu đãi hơn hẳn địa phương đi trước. Và cứ nghĩ, với “đà này”, cả nước sẽ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc về phía trước. Nhưng thực tế đã chứng minh là không phải vậy. Vì thế, mọi việc cùng sôi lên sùng sục trong một thời gian ngắn rồi tắt lịm đi như chưa hề có cuộc đua tranh mang tên “trải thảm đỏ”.
Vì sao lại thế? Có người sau một thời gian chú ý theo dõi rồi buông một câu nhận xét trong tâm thế của kẻ bất lực, rằng: mọi sự mời gọi thật ra là một chiếc bánh vẽ không hơn, không kém. Không ít người tài đã tìm về theo những lời mời gọi đó, không hẳn là vì những món lợi được ưu đãi trước mắt, mà có người vì muốn cống hiến cho mảnh đất chôn nhau, cắt rốn của mình.
Có người thì muốn có đất dụng võ, thể hiện năng lực đang bùng phát mà chưa có chỗ để thi thố. Nhưng rồi, khi đến họ hy vọng tràn trề bao nhiêu, thì khi quay gót ra đi thất vọng tràn trề bấy nhiêu. Và hầu hết những người ra đi không phải là do không nhận được đầy đủ những ưu đãi theo như lời mời gọi, mà cái chính là không có môi trường cho họ thi thố tài năng để tỏa sáng, để mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, xứng đáng với những gì họ được ưu tiên, ưu đãi. Đến khi họ nhận thấy những lời mời gọi đó hình như không được thật tâm cho lắm, thì họ kiên quyết trả lại tất cả để ra đi tìm môi trường làm việc phù hợp để có hiệu quả hơn.
Cũng tương tự như các nhân tài, không ít nhà đầu tư đã bị hấp dẫn bởi những lời mời gọi đó đã tìm về các địa phương. Những người cả tin thì vội vã mở nhà máy, tuyển nhân công, nhưng đến khi bập vào rồi mới thấy từ lời mời đến hành động thực tế là cả một khoảng cách rất xa. Như một vị đại biểu Quốc hội đã ca thán tại nghị trường rằng: Không ít cán bộ thi hành công vụ vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi tiền lót tay, phí bôi trơn, khiến doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng.
Trên “trải thảm” mời gọi các nhà đầu tư, nhưng bên dưới lại “rải đinh”. Nhất là khi sa vào mê hồn trận của những thủ tục hành chính, họ mới tỉnh ngộ ra, nhưng tiền đã xuống, nhà xưởng đã xây rồi thì đã “đâm lao” thì phải “theo lao” thôi. Và thế là phải nhắm mắt móc túi chi ra những khoản tiền được gọi dưới cái tên nghe rất văn minh là “chi phí không chính thức”.
Không chính thức nghĩa là lậu, là chui, là “giao dịch gầm bàn” mà không biết hạch toán vào đâu. Và đã có không ít chủ doanh nghiệp vào tù vì các khoản chi phí kiểu đó, ở đất nước họ không được chấp nhận và bị coi là làm ăn phi pháp. Vậy là tiền mất, tù mang. Một số khác thì đành ngậm bồ hòn làm ngọt tiếp tục chịu trận. Thế nên, người ta luôn hết sức cảnh giác với những lời mời gọi hấp dẫn.
Hơn nữa, người ta bỏ tiền ra làm ăn là trông mong vào một môi trường minh bạch, thông thoáng để kiếm lợi lâu dài, chứ không phải là nhìn vào những thứ ưu tiên, ưu đãi trước mắt và ngắn hạn đó. Cho nên, chiêu thức “trải thảm đỏ” kiểu đó đã “mất thiêng”, hết tác dụng mà nói thẳng ra là lỗi thời.
Vì thế, cần phải gây dựng môi trường làm việc hiệu quả, phát huy được hết những tiềm năng, thế mạnh trong mỗi con người thì người tài mới tìm về, cùng với đó phải tạo lập một môi trường kinh doanh minh bạch thì nhà đầu tư mới tìm đến để tạo thêm động lực cho sự phát triển. Đó mới chính là lời mời gọi hấp dẫn nhất - Sức hấp dẫn của sự minh bạch.
Duy Hương