(Baonghean) - Thời điểm này, thực phẩm bẩn đang bày bán tràn lan trên thị trường, và nguy cơ của nó đã đến mức phải báo động. Từ rau quả, thịt cá, bún, bánh, mắm tôm, nước mắm, nước chấm, muối ớt, tương cà... cho đến các loại gia vị khác, hầu hết đều bị nhiễm độc, ngay từ khâu sản xuất hoặc sau đó là từ khâu chế biến, bảo quản.
Tại một kỳ họp Quốc hội khóa XIII, đại biểu Lê Thị Nga nhận định: “Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Không ăn thì không thể tồn tại. Ăn vào thì coi như phó mặc số phận cho sự may rủi, bệnh tật, đến lúc nào biết lúc ấy”! Cũng trong kỳ họp lần này, đại biểu Trần Ngọc Vinh đã nói một câu đầy hình ảnh, làm sửng sốt người nghe: “Con đường ngắn nhất của người Việt chúng ta hôm nay là con đường từ dạ dày đến nghĩa địa!”.
Quả vậy, thực phẩm bẩn đang là tác nhân số 1 gây ra đủ loại bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe giống nòi, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, làm xuống cấp hình ảnh quốc gia trong mắt quốc tế... Theo thông tin từ Hội nghị Ung bướu quốc gia, thì mỗi năm ở nước ta trung bình có 150.000 người mắc bệnh ung thư, trong đó có 75.000 người bị ung thư có nguyên nhân từ thực phẩm bẩn. Từ thực trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta như vậy, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã rất quan tâm vấn đề này. Có thể nói, hành lang pháp lý cho an toàn thực phẩm đầy đủ rồi; có điều, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn ngày càng tăng, đến mức phải báo động.
Theo ý kiến một số đại biểu Quốc hội thì chúng ta có thể thấy các nguyên nhân sau đây: Thứ nhất, các vụ ngộ độc, buôn bán chất cấm, sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn vừa qua liên tục được các báo chí cập nhật, phanh phui, nhưng việc quy trách nhiệm cho công chức quản lý hiếm khi được thực hiện, hoặc thực hiện một cách qua loa chưa sát đúng với tinh thần khẩn thiết mà các thông tư, nghị định đã quy định. Thứ hai, chế tài xử phạt tuy đã đúng mức, có thể nói là khá nặng, nhưng việc xử lý không nghiêm, cũng không loại trừ còn có hiện tượng bao che, tiêu cực, còn hiện tượng “đi đêm” trong các vụ xử phạt. Rất hiếm các trường hợp bị xử lý hình sự. Thứ ba, một bộ phận người tiêu dùng còn tâm lý buông xuôi, chưa kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, chưa đấu tranh, chưa tố giác những kẻ sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm bẩn. Thứ tư, Hội người tiêu dùng chưa đủ mạnh để hướng dẫn, chỉ đạo và có biện pháp nhất tề tẩy chay các loại thực phẩm bẩn đã xuất hiện và đang lưu thông trên thị trường.
Khi an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề đang nổi lên rất bức xúc, rất nan giải trong cuộc sống, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thì “chúng ta đang tập trung kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, hóa chất, kháng sinh. Các bộ, ngành đã và đang tập trung xử lý các chất cấm mà dư luận đang bức xúc, quan tâm. Bước đầu, chúng ta đã gặt hái được những thành công, đã làm giảm mạnh và đã triệt được nguồn nhập khẩu chất cấm vào trong nước. Đến nay, việc sử dụng chất cấm trong các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi hầu như rất ít, chỉ còn ở một số trang trại, một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bộ NN&PTNT đang cùng với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Công an sẽ tiếp tục xử lý”.
Như vậy, chúng ta tin rằng, chiến dịch “Nói không với thực phẩm bẩn” đã phát động, đang được toàn dân nhiệt liệt hưởng ứng, tuy trước mắt còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng chắc chắn là sẽ thắng lợi.
Vấn đề đặt ra là hiện nay, ở thời điểm thực phẩm bẩn đang làm ô nhiễm thị trường, chúng ta phải suy nghĩ thế nào để tương kế tựu kế, biến khó khăn thành thuận lợi, biến thách thức thành thời cơ? Rõ ràng là, ở thời điểm mọi người đồng lòng nói không với thực phẩm bẩn, thì cũng chính là thời điểm nhu cầu thực phẩm sạch lên ngôi. Đây là thời cơ vàng, là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sạch tôn vinh thương hiệu của mình, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, chiếm lấy thị trường kinh doanh để đạt cổ phần cao nhất trên thị trường hàng hóa thực phẩm sạch.
Chúng ta tin rằng, ở thời điểm này, xí nghiệp nào, công ty nào biết nắm bắt thời cơ, biết tổ chức sản xuất, biết thiết lập hệ thống lưu thông phân phối sao cho thuyết phục được niềm tin của người tiêu dùng, thì chắc chắn xí nghiệp đó, công ty đó sẽ có thời kỳ làm ăn phát đạt, và đặt được nền móng lâu dài cho sự phát triển bền vững. Cái khó ló cái khôn. Ở thời điểm thực phẩm bẩn hoành hành, gây chán nản trong tâm lý người tiêu dùng cũng chính là thời điểm mở ra cơ hội lớn cho công cuộc làm ăn của những người biết sản xuất, kinh doanh một cách trung thực...
Thạch Quỳ
TIN LIÊN QUAN |
---|