(Baonghean) - Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội Khóa XII vừa biểu quyết thông qua Luật Báo chí (sửa đổi). Theo đánh giá của các luật gia, nhà quản lý và các nhà báo thì các quy định mới trong luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quyền tự do báo chí quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Đồng thời, tạo sự yên tâm cho các nhà báo tác nghiệp trong khuôn khổ cho phép của pháp luật.
Và hoạt động báo chí cũng sẽ thuận lợi hơn khi mà cùng với việc quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ đối với nhà báo, luật Báo chí lần này đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Và nhất là việc bảo vệ nguồn tin, quyền tác nghiệp của nhà báo cũng đã được quy định rõ ràng, cụ thể hơn so với Luật Báo chí hiện hành.
Đây rõ ràng là một tin vui đối với những người cầm bút ở trong cái giới được mệnh danh là “quyền lực thứ tư” và cho những ai coi báo chí là một chỗ dựa trong đấu tranh bảo vệ cái đúng, chống lại cái sai. Đồng thời cả những người luôn e dè, nghi ngại khi tiếp xúc với báo chí và coi báo chí như là một nguy cơ tiềm tàng có thể phanh phui, làm đổ vỡ hết tất cả.
Nhưng mà, như ai đó vừa mới nói rằng, con đường dài nhất ở ta là từ lời nói đến việc làm. Luật mới chỉ là những quy định trên giấy, còn để đi vào cuộc sống, có những những đóng góp quan trọng vào nền báo chí nước nhà và sự phát triển của đất nước thì chừng đó chưa đủ. Vì lẽ, ở ta, việc tuân thủ luật pháp chưa thật sự được coi trọng.
Chẳng hạn những quy định về đạo đức nghề báo đã được quy định rất rõ ràng trong Luật Báo chí hiện hành, nhưng việc nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn diễn ra ngày một nhiều. Không phải vô cớ mà trong xã hội xuất hiện thuật ngữ những “nhà báo kền kền” để ám chỉ một số người cầm bút biến chất chuyên môn đi phanh phui những sai phạm, dù nhỏ của các cơ quan, doanh nghiệp và thay vì viết bài, đưa tin phản ánh để ngăn ngừa, khắc phục sai phạm thì lại dùng chính những sai phạm đó để đe dọa, tống tiền hoặc buộc các khổ chủ phải ký hợp đồng tuyên truyền, quảng cáo với giá cắt cổ. Người này lấy tiền xong lại rỉ tai cho đồng nghiệp khác theo kiểu “đến đó kiếm ít về mà tiêu”.
Người viết bài này đã từng được nghe một ông chủ khách sạn than thở là vì trót xây nhà vượt số tầng cho phép mà chỉ trong một tháng đã phải ăn 25 con nhím vì phải tiếp 25 lượt nhà báo đến điều tra, tìm hiểu về việc xây nhà sai phép. Và đâu chỉ có nhím không, ăn uống xong xuôi còn phải có phong bì lót tay nữa mới chịu ra về trong im lặng. Nếu không, làm toáng lên thì bị các cơ quan chức năng đình chỉ thi công công trình là cái chắc. Không biết là khi xây xong nhà, ông chủ khách sạn đó còn phải mất thêm mấy chục con nhím nữa.
Ngược lại cũng có không ít cá nhân, cơ quan , doanh nghiệp lại mượn tay báo chí để bưng bít sự thật, chạy tội hoặc triệt hạ các đối thủ cạnh tranh. Dĩ nhiên, để làm được điều đó cũng phải bỏ ra một số tiền không nhỏ. Không ít phóng viên báo chí có cuộc sống xông xênh là nhờ nguồn thu nhập từ trong “bóng tối” đó. Rồi thì thái độ o bế, chiều chuộng báo chí theo kiểu “tránh voi chả xấu mặt nào” cũng góp phần làm cho những người cầm bút và cả không cầm bút thiếu bản lĩnh, ảo tưởng làm liều, làm bậy. Gây tai tiếng cho nghề báo.
Thêm một yếu tố nữa khiến cho người làm báo, nhất là những người trẻ trở nên hư đốn, làm ô danh những người cầm bút. Đó là tình trạng đổ xô đi làm báo bất kể có được đào tạo đúng nghề và có khả năng hay không. Phần vì bị cuốn hút bởi sự hào nhoáng bên ngoài của nghề báo phần vì báo chí và những ấn phẩm na ná báo chí bây giờ nhiều quá.
Lắm tờ báo mạng, trang thông tin ra đời và tồn tại theo kiểu “hữu sinh, vô dưỡng” nghĩa là chỉ cần có tư cách pháp nhân mà không có bất cứ một nguồn thu nào để duy trì hoạt động. Rồi tuyển người, không trả lương mà còn buộc những người được tuyển phải nộp lại một khoản cho tòa soạn tựa như kiểu cho thuê tư cách pháp nhân. Đói thì đầu gối phải bò. Đội ngũ những người hay đi mò mẫm, dò xét, bới móc theo kiểu “bới bèo ra bọ” rồi dọa dẫm để kiếm chác phần lớn xuất thân từ những cơ quan báo chí theo kiểu đó.
Thế nên, một mình Luật Báo Chí, dù chặt chẽ đến đâu cũng khó có thể làm trong sạch nền báo chí nước nhà nếu không có sự hỗ trợ của cả xã hội. Nhất là từ phía các cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Vì một khi ai cũng tìm cách lách luật và cả sẵn sàng vi phạm pháp luật để trục lợi cho mình thì hiệu lực, hiệu quả của một bộ luật sẽ không cao. “Một cây làm chẳng nên non”
Bụt Sơn