(Baonghean) - Một lần về quê, chiếc xe khách đang chạy trên quãng đường vắng, bỗng nhiên “trở chứng” gầm rú, khói đen ùn ra. Ai nấy đều tỏ ra lo lắng vì trời đã nhá nhem tối. Lái xe tắt máy, nhảy xuống kiểm tra xe rồi rút điện thoại ra gọi.
Chỉ sau tầm khoảng 10 phút, đội sửa chữa xe lưu động gồm 2 người chạy ô tô tải loại nhỏ đến. Trên chiếc ô tô ấy là lỉnh kỉnh những ốc,vít, búa, kìm... và những đồ thay thế phụ tùng. Sau vài ba câu chào hỏi qua loa, hai người thợ nhanh chóng kiểm tra xe và tiến hành “phẫu thuật” tại trận. Cùng sự hỗ trợ của người lái xe, chiếc xe khách nổ máy “ngon lành”. Không những chủ xe mà những hành khách trên xe cũng cảm thấy vui mừng vì mình không bị “nhỡ bữa cơm chiều”. Lái xe Hồ Văn Đồng cho biết: “Cánh lái xe chúng tôi sợ nhất là xe hư hỏng dọc đường. Không những lỡ kế hoạch mà còn rất khó để tìm hiệu sửa xe, đặc biệt là khi đi qua những khu vực “đồng không mông quạnh”.
Trước đây, khi chưa có dịch vụ sửa chữa lưu động, nhiều lái xe đường dài phải nằm trong cabin ngủ qua đêm chờ người đi tìm thợ đến sửa. Nay nhờ có đội sửa chữa lưu động, chi phí hơi cao nhưng rất tiện lợi, tiết kiệm được thời gian”. Càng ngày lượng xe cộ lưu thông trên đường càng nhiều, dịch vụ sửa chữa ô tô, xe máy cũng theo đó phát triển rầm rộ. Song chỉ những Trung tâm sửa, chữa bảo dưỡng xe quy mô mới có dịch vụ sửa chữa lưu động này. Bởi lẽ nó đòi hỏi phải có những người thợ lành nghề. Chính vì thế mà dịch vụ này mặc dù đã có từ lâu tại các thành phố lớn nhưng nó chỉ mới xuất hiện ở Nghệ An mấy năm gần đây.
Xuất phát từ nhu cầu sửa chữa xe cộ hư hỏng trên đường, các trung tâm sửa chữa lớn đã trang bị đầy đủ các loại xe bán tải sẵn sàng đi đến bất cứ đâu và bất kỳ thời điểm nào. Những người nằm trong đội sửa chữa lưu động phải là những thợ lành nghề, nhanh nhẹn. Bởi chỉ những người thợ có kinh nghiệm mới đủ khả năng để sửa chữa được những trường hợp hư hỏng nặng, chủ động khắc phục được tình hình.
Anh Nguyễn Khắc Hoan - chủ một trung tâm sửa chữa ô tô trên đường Nguyễn Du cho biết: Trung tâm của anh có hơn 15 công nhân nhưng chỉ 4 người nằm trong đội sửa chữa lưu động và được chia làm 2 tổ. Mỗi lần có khách hàng gọi đến là 2 người sẽ lái xe mang theo dụng cụ đồ nghề đi. Không những lành nghề, những người thợ trong đội sửa chữa lưu động phải là người thành thạo địa bàn để tránh lãng phí thời gian dò đường. Nhiều hôm khách hàng gọi đến giữa đêm hôm, anh em trong xưởng đã nghỉ hết, nhưng để phục vụ những “thượng đế” vẫn phải động viên anh em đi làm...”.
Anh Quang, một người lâu năm trong nghề chia sẻ: “Gặp hôm trời nắng ráo còn đỡ, chứ trời rét mướt, mưa phùn thì hết khổ. Trời lạnh mà mồ hôi, mồ kê thì nhễ nhại. Việc thức đêm thức hôm để sửa chữa cho khách là việc thường xuyên. Nhất là về mùa mưa, đường ngập, xe chết máy rất nhiều. Chúng tôi cứ chạy như con thoi, hết nơi này đến nơi khác”. Từng theo học ở một trường đại học kỹ thuật, được làm việc theo đúng chuyên ngành nhưng phải sau 3 năm ra trường, “phẫu thuật” không biết bao nhiêu động cơ anh mới được chọn vào đội ngũ sửa chữa lưu động. Giờ chỉ cần nghe tiếng máy nổ bất thường là anh có thể “đoán bệnh” cho xe. Anh Quang cười hiền lành và nói thêm: “Khổ mấy cũng chịu được, bực nhất sửa mãi mà vẫn trục trặc hết cái này cái nọ”. Dường như với anh Quang và nhiều người thợ cơ khí khác, niềm vui khi sửa xong một chiếc xe như “anh nông dân cày xong thửa ruộng”.
Có một điều đặc biệt khi trò chuyện với những người thợ sửa chữa lưu động này, tôi có cảm giác như mình đang tiếp xúc với những bác sĩ trực cấp cứu trong các bệnh viện. Với những thuật ngữ “chuyên môn”, tư thế sẵn sàng cho những chuyến đi để “cứu chữa” cho những chiếc xe hư hỏng trên đường. Chỉ có lòng kiên trì, chịu khó học hỏi và say mê công việc mới giúp họ nhanh chóng trở thành thợ lành nghề, và là chỗ tin cậy cho khách hàng…
Nguyễn Lê