(Baonghean) - Hiện nay, nhiều địa phương đã nhận thức đúng về thực tế tiềm năng tự nhiên, tính cần cù, năng động, khát vọng thoát nghèo làm giàu trên chính đất quê của người dân để khích lệ, nhân lên những mô hình hay trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triể ngành nghề khác... 
 
Thêm làng nghề dệt thổ cẩm miền Tây
 
Đến nay, toàn tỉnh có 5 cơ sở dệt thổ cẩm được UBND tỉnh cấp chứng nhận làng nghề truyền thống, gồm: làng dệt Bản Na - xã Hữu Lập; làng dệt Noọng Dẻ - xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn), làng dệt Hoa Tiến - xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu), làng dệt bản Đan 1, 2 - xã Tiền Phong và làng dệt Cỏ Noong - xã Mường Nọc (huyện Quế Phong).
 
images1152372_ngh__d_t_th__c_m_c_a_ngu_i_th_i___huy_n_q_y_ch_u__phan_tuy_t_.jpgDệt thổ cẩm ở bản Hoa Tiến, Châu Tiến (Quỳ Châu).
 
Về làng dệt Cỏ Noong dịp đầu năm 2015, chứng kiến cả bản hân hoan, vui mừng được UBND tỉnh cấp chứng nhận làng nghề. Vậy là sau nhiều năm sản xuất manh mún, nghề dệt của đồng bào Thái bản Cỏ Noong tưởng như đã thất truyền nay đã được khôi phục và dần phát triển. Anh Lô Minh Tùng, cán bộ văn hóa xã Mường Nọc cho biết, giữ được nghề đã quý, song địa phương và các hộ làm nghề vẫn trăn trở làm thế nào để sống được với nghề. Nếu 1 lao động lành nghề, thuần thục mọi kỹ năng dệt tập trung làm cũng mất 20 ngày mới làm ra được 1 tấm vải thô khoảng 30m, giá bán trên thị trường hiện nay cho sản phẩm này khoảng 2,4 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí mua nguyên liệu, sợi, chỉ màu thì người dân thu lại được khoảng 1,5 triệu đồng. Tính ra thu nhập cho mỗi lao động gắn với nghề ở bản mới chỉ đạt gần 2 triệu đồng/tháng. Đối với các sản phẩm đã trải qua công đoạn thêu thì giá thành có cao hơn, tuy nhiên lại đòi hỏi nhiều thời gian đầu tư cho sản phẩm... Vậy là còn nhiều cái khó!
 
Khó, nhưng việc cả tỉnh tiếp tục “nhân” lên thêm một làng nghề dệt thổ cẩm là điều mừng. Theo ông Trần Văn Huy, Trưởng phòng Tư vấn chính sách Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thì thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tạo hành lang pháp lý, có cơ chế thúc đẩy động lực để phát triển ngành dệt thổ cẩm miền Tây. Đồng thời có phương án đào tạo nghề cho lao động một cách bài bản, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế thị trường hiện nay; khuyến khích các cơ sở sản xuất đăng ký thương hiệu, khuếch trương mẫu mã, nâng cao hiệu quả của bộ phận làm công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại để sản phẩm đến được với nhiều nước trong và ngoài khu vực. 
 
Phương Thảo
 
Chuyên canh cây lúa ở Thọ Thành 
 
Yên Thành là “quê lúa”. Với bước phát triển hôm nay, Yên Thành đã không phụ thuộc thuần nghề nông nữa; người dân giàu lên từ đa ngành nghề, dịch vụ. Nhưng vẫn có nơi, có người “lẳng lặng” giàu lên được nhờ cày cấy trồng lúa trên ruộng quê.
 
Ông Tạ Hào Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Thành (Yên Thành) nói: “Năm 2013, Thọ Thành tổ chức chuyển đổi ruộng đất sau chuyển đổi ruộng đất thì diện tích đất công ích được chuyển về một vùng, UBND xã đã giao cho hộ ông Hồ Sỹ Quảng sử dụng hơn 20 mẫu. Hộ này đã đem cơ giới vào sản xuất như máy làm đất, máy cấy máy gặt; mô hình này đã cho hiệu quả rõ ràng, giải quyết sức lao động cho người dân, tới đây UBND xã sẽ tổ chức hợp tác để đem lại hiệu quả cao trong những năm sau”.
 
Đến xóm 3 Thọ Thành gặp ông Hồ Sỹ Quảng, ông cho hay, qua 2 vụ đông xuân và hè thu năm 2014, sau khi trừ toàn bộ chi phí, gia đình ông thu nhập lãi ròng 400 triệu đồng. Ông nói: “Sau một thời gian dài làm lụng ở nước ngoài (Hung- ga- ri), năm 2011 tôi trở về quê, nhận thấy một bộ phận bà con nông dân băn khoăn về vấn đề làm nông nghiệp không có lãi. Tôi muốn thử sức mình, khi có một số đất vừa xa, vừa xấu tôi đã nhận thầu, bỏ kinh phí đưa máy cày, máy cấy, gặt, máy bơm thuốc sâu vào làm, “thoát” hẳn cung cách làm ăn manh mún năng suất lao động thấp trước đây ở quê”.
 
Về hiệu quả, theo tính toán của ông Quảng, trong khâu làm đất, nếu thuê lao động cày bừa 25 mẫu sẽ mất khoảng 50 triệu đồng, còn tự có máy làm đất như nhà ông thì chỉ mất 10 triệu đồng tiền dầu, như thế lãi 40 triệu đồng tiền công; rồi thuê người cấy 1 sào 200 ngàn đồng, còn cấy bằng máy thì chỉ tốn 100 ngàn đồng để thuê bắc mạ, tính ra 25 mẫu ruộng nhà ông có lãi 25 triệu đồng tiền thuê cấy. Ngoài ra còn tiền vật tư, phân bón, phun thuốc sâu bằng động cơ... sẽ lãi gấp đôi so làm thủ công manh mún. 
 
Mô hình sản xuất lúa theo quy trình đồng bộ, khép kín đang khích lệ nông dân xã Thọ Thành mở ra cách làm giàu trên đất quê.
 
 Quỳnh Trang 
 
“Chuyển đổi” cà xanh ở Hoa Sơn
 
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trong xã Hoa Sơn (Anh Sơn) chuyển sang trồng cây cà xanh trên đất 2 lúa, đã đạt kết quả tích cực.
 
Cây cà xanh ở Hoa Sơn được trồng tập trung khoanh vùng trên nhiều xứ đồng ở xóm 4 với trên 15 ha; nhiều hộ đầu tư làm từ 4 đến 5 sào, hộ ít cũng gần 1 sào. Trung bình 1 sào cà cho thu hoạch xấp xỉ 1 tấn quả, thu từ 10 - 15 triệu đồng/sào, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa và các loại cây màu khác. Đơn cử về hiệu quả: Vụ xuân năm 2015 này, gia đình chị Nguyễn Thị Anh ở xóm 4 trồng 3 sào cà trên đất hai lúa. So với trồng ngô và lúa trước đây, trồng cà xanh tốn ít công chăm sóc hơn, thời gian thu hoạch dài ngày hơn, năng suất cao hơn. Ngay từ lứa đầu, gia đình chị Anh đã thu được gần 1 tấn quả, với giá bán 15.000 đồng/kg, đã cho nguồn thu nhập đáng kể. Chị cho biết: “Trồng cà hiệu quả hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác, thời gian thu hoạch dài, các tiểu thương thu mua tại nhà, giá cả ổn định...”
 
Từ hiệu quả trồng cà xanh, xã Hoa Sơn đã thuận lợi hơn trong khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư chuyển những cây trồng vườn nhà ra vườn đồng để thâm canh. 
 
Huyền Trang 
 
Nuôi dê đàn ở Nam Hưng
 
Nghề chăn nuôi dê hàng hoá đã được khẳng định là mũi nhọn, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ nông dân xã Nam Hưng (Nam Đàn). Ông Nguyễn Đình Bính - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hưng nói: “Nam Hưng là xã miền núi, có diện tích đất đai và cỏ, cây lá tự nhiên được xác định là điều kiện rất thuận lợi để bà con nông dân phát triển nghề nuôi dê. Vấn đề là tìm ra mô hình để nhân rộng. Đến nay, việc nhân rộng đã có hiệu quả, nhiều hộ đã định hình được mô hình nuôi dê để dần tạo uy tín sản phẩm hàng hóa “dê Nam Hưng”, cung cấp cho thị trường ẩm thực trong huyện, các huyện lân cận và TP. Vinh...”.
 
Điển hình cho hiệu quả nuôi dê ở Nam Hưng có thể kể đến anh Trần Văn Hiền ở xóm 3/2, mỗi năm thu lãi từ dê 50 - 60 triệu đồng. Anh chia sẻ: “Tôi nuôi dê từ năm 2000 và đến năm 2006 mới bắt đầu nuôi nhiều. Để duy trì nghề này thì đòi hỏi phải có kinh nghiệm vì dù dê ít bị bệnh, nhưng khi đã bị thì rủi ro là rất cao, vì vậy cần tiêm phòng đầy đủ, đúng định kỳ, khẩu phần thức ăn phải đảm bảo”.
 
Ông Nguyễn Đình Bính cho biết thêm: “Nuôi dê phải phấn đấu duy trì đàn từ 30 con trở lên mới rõ được hiệu quả. Và thực tế, thu nhập từ nuôi dê so với nhiều mô hình kinh tế khác là không lớn, nhưng với điều kiện một xã vùng núi khó khăn như Nam Hưng thì đây lại là một mô hình thoát nghèo khả thi. Việc nuôi dê tốn ít chi phí, nhưng lại cho lợi ích kinh tế cao và tiêu thụ ổn định, thương lái đến tận nhà thu mua. Vấn đề phải biết cách chăm sóc, áp dụng kỹ thuật nuôi đúng cách...
 
Hồng Sương 
 
Vươn xa đá hoa cương Quỳ Hợp
 
Khu công nghiệp nhỏ Thung Khuộc của huyện Quỳ Hợp vốn nổi tiếng với công nghiệp chế biến đá trắng tài nguyên địa phương. Nhưng là người bản địa mở nghề, mở xưởng ra làm, rồi mở thêm chi nhánh ra khắp nước là hiếm; đối với người tàn tật thì... cực hiếm! 
 
Anh Nguyễn Công Bằng với những sản phẩm đã hoàn thiện.
 
Sinh năm 1970, lên 2 tuổi Nguyễn Công Bằng bị sốt ác tính rồi liệt 2 chân; 12 tuổi theo bố mẹ từ Yên Thành lên định cư ở Quỳ Hợp. Người “quê lúa” thoắt thành người “quê đá”, 17 tuổi Bằng đăng ký học khóa 1 Trường Tiểu thủ Công nghiệp Nghệ An đào tạo về thủ công mỹ nghệ để về theo nghề chế tác đá vốn “đặc sản” sẵn ở quê mới. Từ một hiệu chế tác nhỏ lề đường, nay Nguyễn Công Bằng có xưởng chế tác đá mỹ nghệ trong KCN Thung Khuộc, tạo việc làm cho 7 thợ lành nghề, sản phẩm từ đá trắng hoa cương Quỳ Hợp đã vươn sang Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc… Anh còn mở thêm hai chi nhánh ở TP.Vinh và TP. Ninh Bình.
 
Thành công của Nguyễn Công Bằng đang là đích hướng đến của nhiều bạn trẻ có ý chí làm ăn chính trên tiềm năng, đất đai quê nhà ở Quỳ Hợp. Ấy là sự minh chứng: Tiềm năng mỗi vùng đất luôn chờ đợi sức người đánh thức, miễn là có đam mê, khát vọng và tình yêu quê hương.
 
 Thanh Quỳnh