(Baonghean) - Sản xuất nông nghiệp, nhiều lúc sản phẩm chủ lực là không phải là những sản phẩm có quy mô lớn, có giá trị kinh tế tầm ... xuất khẩu! Mà, có thể ngay chính sản phẩm từ cây trồng bình dị, gần gũi với người nông dân. Mô hình sản xuất rau má tại xã Quảng Thọ - huyện Quảng Điền - Tỉnh Thừa Thiên Huế là bài học cần thiết đáng tham khảo. 
 
Huyện Quảng Điền là một huyện phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, từ lâu đã được xem là vựa lúa, vùng nông nghiệp chính của tỉnh này. Đây là địa bàn quần tụ dân cư sớm, đời sống chủ yếu là kinh tế nông nghiệp truyền thống. Nhiều vùng chuyên canh rau màu đã xuất hiện tại các xã của tỉnh. Trong đó cần “điểm” đến xã Quảng Thọ, là một trong những địa phương có diện tích trồng hoa màu lớn nhất của huyện Quảng Điền với gần 90 ha. Và đặc biệt, nghề trồng rau má đã xuất hiện từ khá lâu và khá phổ biến với người dân trong xã, cho đến bây giờ đã hình thành được vùng chuyên canh rau má với diện tích 40 ha. 
 
Từ chỗ sản xuất mang tính tự phát, rau má Quảng Thọ đã được tổ chức thành Hợp tác xã với tên gọi là Hợp tác xã Quảng Thọ. Có thể nói đây là bước chuyển tích cực cho người dân trồng rau má trong vùng. Hợp tác xã tổ chức sản xuất cho người dân, tư vấn, hỗ trợ dân về kỹ thuật, phòng chống bệnh và tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã đã năng động tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền.
 
Để phát triển cây rau má một cách bền vững, sản phẩm đạt tiêu chuẩn, năm 2010 Hợp tác xã ở đây đã xây dựng và được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap với diện tích 1,6 ha mở ra cho HTX hướng đi mới cho cây rau má phát triển bền vững. Ấy là từ cả quá trình nghiên cứu, khảo sát tại các địa phương chuyên canh rau màu trên địa bàn các huyện, thị xã tỉnh Thừa Thiên Huế; Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản & Thủy sản đã lựa chọn Hợp tác xã Quảng Thọ 2 để hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong trồng trọt đối với sản phẩm cây rau má. Đây là hoạt động thuộc khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc gia đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông lâm thủy sản tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
 
Để được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản đã phối hợp với đơn vị tư vấn, Hợp tác xã Quảng Thọ 2 triển khai các hoạt động: Xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động nhóm hộ sản xuất, thực hiện việc ký cam kết về việc tuân thủ thực hiện mô hình sản xuất rau má VietGAP đối với các hộ tham gia; xây dựng và ban hành quy trình kỹ thuật sản xuất rau má an toàn; xây dựng và ban hành hồ sơ sản xuất rau, quả tươi an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP bao gồm các biều đánh giá về điều kiện sản xuất (đất, nước, phân bón...), bảng biểu ghi chép các hoạt động của quá trình sản xuất (gieo giống, bón phân, phun thuốc...) và việc truy nguyên, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vật tư nông nghiệp sử dụng… Có thể nói việc tham gia VietGap đã làm chuyển biến người dân cả trong nhận thức lẫn hành động. Nỗ lực của Hợp tác xã, người dân đến ngày 22/12/2013 Công ty Cổ phần chứng nhận Globalcert đã cấp giấy Chứng nhận VietGAP cho Hợp tác xã Quảng Thọ 2 đối với sản phẩm rau má tươi, diện tích: 30ha, sản lượng dự kiến 1.500 tấn/năm.
 
Theo ông Nguyễn Lương Trí - Chủ nhiệm Hợp tác xã Quảng Thọ 2, từ chỗ phải tự mình bươn chải lo cho dân, giờ đây Hợp tác xã đã nhận được sự hỗ trợ của các cấp các ngành nên thật sự yên tâm. Vấn đề giống, bệnh tật hại cây đã có sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp & PTNT. Sở Công thương hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị chế biến. Sở Khoa học Công nghệ hỗ trợ Hợp tác xã trong việc đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm... Đặc biệt, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản & Thủy sản đã hỗ trợ cho HTX xây dựng mô hình đạt tiêu chuẩn VietGap 30 ha, đồng thời kiểm tra cấp giấy cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm cho HTX. Đây là chìa khóa để HTX phát triển sản phẩm của mình một cách mạnh mẽ và bền vững. Nhờ sự quan tâm đó, nghề trồng rau má từ chỗ tự phát, sản phẩm đơn điệu chỉ có rau má tươi, rau má khô đến nay đã có sự tổ chức chặt chẽ, chất lượng sản phẩm được đảm bảo. Hợp tác xã đã chế biến thành công sản phẩm trà túi lọc rau má. Sản phẩm đã được người tiêu dùng đón nhận, đã có mặt trên thị trường trong và ngoại tỉnh. 
 
Về hiệu quả kinh tế, cũng theo ông Nguyễn Lương Trí - Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết, sản phẩm rau má đã đem lại cho Hợp tác xã và người dân trong vùng hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác trên địa bàn. Sản xuất chuyên canh rau má tại xã Quảng Thọ đã đem lại giá trị thu nhập cao cho người dân, ước đạt 120 triệu đồng/ha/năm. Nếu tính riêng cây rau má, giá trị gia tăng khi thực hiện công đoạn sản xuất túi lọc rau má, ông so với sản xuất sản phẩm thuần túy là rau má khô và rau má tươi tăng cao gấp 3 lần.
 
Nếu so với cây lúa thì sản xuất rau má khép kín từ sản xuất đến công đoạn cuối cùng là trà rau má thì đạt giá trị cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Nguồn cung đáp ứng nhu cầu thị trường là điều kiện tiên quyết để rau má Quảng Thọ phát triển mạnh. Rau má Quảng Thọ nổi tiếng không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà đã có mặt ở khắp các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam và một số tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay Hợp tác xã đang xúc tiến đưa dòng sản phẩm này bán trên hệ thống siêu thị trong cả nước và nước bạn Lào, Thái Lan. 
 
Có mặt tại trụ sở Hợp tác xã Quảng Thọ 2 đúng lúc Hợp tác xã đang tổ chức chế biến sản phẩm. Ông chủ nhiệm tiếp chúng tôi với thái độ rất hồ hởi, bên cốc nước rau má túi lọc sản phẩm của chính Hợp tác xã mình, ông vui vẻ thông tin tình hình phát triển của Hợp tác xã với vẻ đầy tự hào. Ông trực tiếp dẫn chúng tôi đi xem và giới thiệu từng công đoạn sản xuất. Hợp tác xã đã trang bị được hệ thống khép kín từ sân phơi, khu vực sơ chế, chế biến đóng gói sản phẩm. Đã đầu tư máy đóng gói túi lọc, tổng đầu tư máy móc thiết bị lên tới 600 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 1/3 giá trị thiết bị. Không phủ nhận vai trò của các cơ quan, các cấp, các ngành đã hỗ trợ, đầu tư xây dựng nên cơ ngơi HTX hôm nay, nhưng trên hết vẫn là sự đồng lòng của người dân, đặc biệt ghi nhận tâm huyết của những cán bộ HTX trực tiếp hàng ngày đồng hành cùng sự phát triển của HTX. 
 
Thái Tuấn (CTV)