(Baonghean) - Không nỗi buồn nào hơn đối với các cấp lãnh đạo cho đến người dân tỉnh Nghệ An khi được nghe nhiều thông tin, biết rằng các chủ lao động trong miền Nam "tẩy chay" lao động một số tỉnh Bắc miền Trung, trong đó, lao động người Nghệ An chiếm đa số. Lý do người ta nêu ra vì người lao động Nghệ An xa xứ có nhiều tính xấu: vô tổ chức, vô kỷ luật, a dua, đàn đúm và đặc biệt là hay kéo bè kéo cánh; thậm chí "kích động" đình công tập thể!?!

Những tính xấu trên không thể nào "cứu vớt" được một loạt ưu điểm của người xứ Nghệ như chăm chỉ, trung thực, thông minh, chịu khó, đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, khiến các chủ lao động trong thời buổi kinh tế khó khăn, các loại thị trường bị "đóng băng" hoặc thu hẹp lĩnh vực hoạt động đã không tuyển lao động người Nghệ An, để tránh "hậu họa" về sau! Một người quê miền Bắc, kỹ sư tin học, làm việc tại Thủ đô Hà Nội tâm sự trên báo mạng rằng: Kinh nghiệm riêng của cá nhân, từ nay anh ta quyết không bao giờ làm việc dưới trướng của một ông "sếp" người Nghệ An! Vậy là, vấn đề không chỉ xảy ra đối với người lao động phổ thông đơn thuần, mà cả với những lao động Nghệ An "chất lượng cao", lao động trí tuệ, chất xám; không chỉ đối với khu vực kinh tế phía Nam mà ngay cả ở nhiều vùng miền khác, cũng đã xảy ra định kiến đó...


Sự bài xích, chối bỏ lao động quê Nghệ An chắc chắn gây ra những hệ lụy không nhỏ về kinh tế, văn hóa, xã hội. Và điều đó càng làm gia tăng nỗi mặc cảm mình là người con đất Nghệ xa ngái, quê mùa và nghèo đói, vốn đã đeo đẳng từ hàng trăm năm nay. Nỗi mặc cảm đó khiến người Nghệ khi đi đến bất cứ một vùng miền nào khác trên khắp đất nước ta và cả trên thế giới, đều mang tâm trạng vừa muốn hòa nhập thật nhanh vào văn hóa, cộng đồng bản địa, vừa cố giữ gìn bản sắc quê hương. Giọng nói của họ có thể bị pha trộn âm sắc, âm điệu; các quan điểm sống có thể được tiếp triển với nhiều nét mới lạ, hiện đại và tiến bộ nhưng trong chiều sâu tư duy, tình cảm, vĩnh viễn không bao giờ xóa được dấu tích dù có xa mờ từ nguồn gốc quê hương xứ Nghệ của mình... Với câu hỏi "Tại sao anh/chị/bạn nói giả giọng Hà Nội?", nhiều người quê Nghệ An sống, học tập và làm việc tại Hà Nội đều trả lời: Để cho người ta dễ nghe. Giọng Nghệ An nặng, trọ trẹ, người ta không nghe được, hỏi đi hỏi lại phiền lắm! Đấy là một lựa chọn thông minh. Nhưng có lẽ, còn một điều gì đó còn giấu kín?


Ở nơi rất xa nhà mình đó, họ, vừa tìm cách "ngụy trang", giấu kín nguồn gốc của mình, một mặt họ vừa đau đáu nỗi niềm, cố kết những người đồng hương, cùng cảnh ngộ thành một "nhóm xã hội" tuy không chính thức nhưng có các liên kết khá bền vững, tồn tại và phát triển trên cơ sở cùng hướng đến các giá trị, mục đích và lợi ích nhân bản. Tình cảm đồng hương của người xứ Nghệ được biểu hiện rõ nhất khi họ tập hợp và cùng hành động bảo vệ lợi ích "nhóm đồng hương" hoặc lợi ích một vài thành viên trong nhóm, hoặc cả hai. Nhiều khi, những hành động đó chỉ là bột phát và có khi không tuân thủ quy định của luật pháp, chế độ, quy định của tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp nơi họ làm việc, sinh sống... Và điều này có thể đã xoáy sâu thêm định kiến, ác cảm về người Nghệ.


Nhưng, nếu đặt vấn đề ngược lại, người các vùng miền khác khi đến Nghệ An học tập, công tác, hoặc sinh sống lâu dài, họ nghĩ sao về người Nghệ? Chưa có kết quả của một khảo sát, điều tra xã hội học về chuyện này, người viết bài tin rằng, hầu hết những người ở miền quê khác đến xứ Nghệ đều có những nhận xét và tình cảm tốt. Bởi vì khi đến Nghệ An, không những họ không hề bị kỳ thị, đối xử bất công mà ngược lại, họ còn được yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ tận tình, chí thiết. Nhiều nhà khoa học, trí thức từ nơi xa đến đã chọn Nghệ An làm "quê hương thứ hai", trọn đời miệt mài nghiên cứu, cống hiến tâm sức cho quê hương và đất nước. Phải là một vùng đất với ứng xử, tính cách có chiều dày văn hóa, có giá trị nhân văn như thế nào đó, mới có thể thu phục và "giữ chân" họ được chứ?


Vậy mà giờ đây, người Nghệ đi làm ăn nơi xa, thì bị "chối bỏ"? Tuy chỉ mới là hiện tượng và chỉ là cá biệt ở một vài địa phương, doanh nghiệp, nhưng không thể nói rằng đó là "chuyện nhỏ", không đáng quan tâm! Bởi lòng tự trọng của người xứ Nghệ, một vùng "địa linh nhân kiệt", thăm thẳm chiều dày văn hóa với vô vàn phép tắc nhân nghĩa không cho phép điều đó xảy ra... Cuộc sống mới đang được "toàn cầu hóa", văn hóa xứ Nghệ, tính cách người Nghệ sẽ biến đổi ra sao trong quá trình đó, sẽ chuyển dịch theo xu hướng nào, là một câu hỏi "vĩ mô" đặt ra cho những người quản lý, những nhà khoa học, và luôn chờ được giải đáp. Còn với mỗi người Nghệ đi làm ăn xa, trước những câu thúc cơm áo, gạo tiền, mưu sinh, không có cách nào tồn tại và phát triển tốt hơn là một mặt giữ vững những phẩm chất tốt đẹp của người quê mình, giữ vững bản sắc của mình, làm cho mình không bị "nhào trộn", "hòa tan" trong biển người mênh mông tứ xứ; một mặt tiết chế, điều chỉnh tính cách, rèn giũa nhân cách, tiếp thu nét đẹp văn hóa, đạo đức; tích cực học hỏi tinh thông nghề nghiệp, vươn lên đạt nhiều đỉnh cao trong học tập, lao động, bồi đắp thêm niềm tự hào xứ sở...


Trần Hoài