(Baonghean) -Một triết gia phương Tây nói rằng, tôn giáo là một trong những điểm khác biệt giữa xã hội loài người và thế giới động vật, thể hiện sự phát triển vượt bậc của tư duy con người và sự nhận thức vị trí của cái tôi cá nhân trong dòng biến thiên của vạn vật. Nói như vậy để biết rằng tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh của nhân loại nói chung và người Việt Nam nói riêng, là gốc rễ của đạo lý sống, của đức tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp. Ở Việt Nam, tôn giáo đã và đang phát triển, để lại những dấu ấn trong văn hoá, văn học, kiến trúc, lịch sử đất nước. Trong đó, phải kể đến Phật giáo, một tôn giáo du nhập sớm nhất vào Việt Nam.
Theo thống kê dân số năm 2009, 19% dân số cả nước xác nhận có tham gia sinh hoạt tôn giáo, trong đó có đến 7% dân số là tín đồ Phật giáo (6.802.318 người). Theo số liệu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện có 839 đơn vị gia đình Phật tử, khoảng 44 498 tăng ni, hơn 14 775 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường trên cả nước. Đặc biệt, 80 đến 90% dân số Việt Nam (bao gồm những người không tôn giáo hay theo tôn giáo khác) có thiên hướng Phật giáo, thể hiện trong sinh hoạt thờ tự Tổ tiên và Phật bồ tát, đi đền, chùa, miếu, phủ ở những mức độ khác nhau. Sự phổ biến và thịnh vượng của Phật giáo tại Việt Nam có nhiều nguyên nhân.
Trước tiên, phải kể đến lịch sử lâu đời của Phật giáo. Phật giáo là tôn giáo đầu tiên du nhập vào Việt Nam, vào khoảng năm 200 ở miền Bắc và những năm 200, 300 ở miền Nam, bắt nguồn từ Ấn Độ và Trung Quốc. Một số nguồn còn cho rằng Phật giáo có mặt tại Việt Nam từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Phật giáo đạt đến thời kỳ cực thịnh đời Lý - Trần, còn lưu lại dấu tích trong những thành tựu mỹ thuật và công trình kiến trúc Phật giáo như đền, chùa, đình, miếu. Lật lại những trang lịch sử, dễ dàng nhận thấy Phật giáo không chỉ đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, văn hoá của người Việt thời kỳ này mà còn cực kỳ được coi trọng trong chính trị. Đến thời hậu Lê, với sự xuất hiện của Nho giáo, Phật giáo đánh mất vị trí tối cao trong hệ thống tín ngưỡng của người Việt, thay vào đó, cùng với Nho giáo và Đạo giáo lập nên Tam giáo. Từ thế kỷ 20 cho đến nay, Phật giáo bắt đầu thời kỳ Phục hưng, phát triển mạnh mẽ và không chỉ là tôn giáo, tín ngưỡng mà còn là lối sống chuẩn mực, vươn tới cái Chân - Thiện - Mỹ của con người.
Lễ Phật tại chùa Viên Quang (Nam Thanh, Nam Đàn). Ảnh: Thanh Thủy
Trải qua quá trình lịch sử nhiều biến động, Phật giáo vẫn bền bỉ phát triển, thường trực trong đời sống người Việt, có lẽ bởi lý tưởng, chân lý, gốc rễ của Phật giáo gần gũi và đồng điệu với văn hoá và truyền thống của Việt Nam. Ông Bụt trong chuyện cổ tích Việt Nam xưa không phải ai xa lạ mà chính là Phật Thích Ca Mâu Ni (còn gọi là Buddha, phiên âm tiếng Việt là Bút-đa, vì gọi trệch đi mà thành “Bụt”), là hiện thân của công lý xã hội đứng ra để trừng trị cái ác, cái xấu, thể hiện niềm mong mỏi và lòng tin của nhân dân ta vào chiến thắng của cái tốt. Phật giáo cũng hiện diện thường xuyên trong văn học Việt Nam, tiêu biểu là kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du chịu nhiều ảnh hưởng của thuyết nhân quả của Phật giáo. Gần gũi và quen thuộc nhất với chúng ta, phải kể đến những tục ngữ, thành ngữ đã ăn sâu với tư tưởng, suy nghĩ, đạo lý sống của người Việt như “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, “Cứu một mạng người hơn xây bảy toà tháp”, “Miệng nam mô bụng một bồ dao găm”, hay những tác phẩm nghệ thuật âm nhạc, ca kịch dân gian như bài hát “Lên chùa”, vở chèo “Quan âm thị Kính”… Thứ nữa là các sinh hoạt tín ngưỡng của Phật giáo có nhiều điểm giống với tín ngưỡng truyền thống của người Việt: nếu như Phật giáo thờ Phật Thích Ca Mâu Ni trong chùa, thì người Việt thờ Thần trong miếu và thờ Mẫu trong phủ. Sự hoà trộn của những nghi thức thờ tự trên dẫn đến kiến trúc đền, chùa “tiền Phật, hậu Thần” hay “tiền Phật, hậu Mẫu”, nơi những biểu tượng tâm linh truyền thống như các vị Thần, Mẫu, Thành hoàng thổ địa được thờ chung với các vị Phật của Phật giáo. Ta có thể thấy, vì gần gũi nên Phật giáo dễ dàng được người Việt thu nạp, trở thành một phần trong sinh hoạt tâm linh, trộn lẫn một cách hài hoà với các phong tục truyền thống. Vì lẽ đó, trong nhà của người Việt, ngoài bàn thờ Tổ tiên là thứ không thể thiếu, cũng có cả bàn thờ Phật bà Quan âm và/hoặc Phật tổ Như Lai, dù gia chủ chưa chắc đã là tín đồ Phật giáo. Đi đền, đi chùa cúng viếng, thắp hương, xin quẻ vào những ngày rằm, ngày lễ tết là những nét đẹp văn hoá của người Việt, thể hiện sự thành tâm và lòng hướng thiện, hướng đạo, mong muốn sự thanh tịnh trong tâm hồn, sự kính cẩn hướng về Tổ tiên, quá khứ, sự bình an như trong hiện tại và sự viên mãn trong tương lai. Những ngày hội Phật đản hay những hoạt động tổ chức bởi các tín đồ Phật giáo như các lớp học dành cho thanh, thiếu niên trong chùa, lễ phóng sinh, lễ cầu an, “đưa” người thân đã khuất lên chùa là những sinh hoạt tôn giáo, tâm linh lành mạnh, góp phần trau dồi, giáo dục nhân cách cũng như làm giàu thêm đời sống văn hoá tinh thần, rất nên khuyến khích và giữ gìn. Thế nhưng, với những biến chất, tệ nạn núp bóng chữ “đạo” nhằm mục đích trục lợi hoặc để nguỵ biện cho những hành vi tha hoá về đạo đức, chúng ta cần phân biệt rõ để không đánh đồng với các hoạt động tôn giáo lành mạnh, mà phải đả kích, bài trừ, đem lại sự trong sáng cho văn hoá tôn giáo tín ngưỡng.
Các vấn nạn liên quan đến việc đi đền, chùa ngày nay có thể xếp vào hai thái cực: một bên thì tôn sùng thái quá, đến mức mù quáng mà chưa chắc đã hiểu hết và làm đúng theo những gì Phật dạy; một bên thì tham gia vào các hoạt động Phật giáo với thái độ chưa thành tâm, hời hợt, a dua hùa theo số đông. Những người thuộc loại thứ nhất, bên ngoài thể hiện là những tín đồ cực kỳ sùng bái đạo Phật, chăm chỉ đi lễ, đi chùa vào các dịp như đầu tháng, cuối tháng, ngày rằm và các ngày lễ âm lịch, cúng biếu rất nhiều đồ lễ và tiền, của cho nhà chùa. Đa số những người này là những người buôn bán hoặc có chức có quyền. Sở dĩ họ sùng đạo như vậy là vì tin rằng các bậc Thần, Phật sẽ cảm động trước lòng thành của họ mà phù hộ, độ trì cho công việc, làm ăn được xuôi chèo mát mái, tiền của dồi dào, tránh được kiếp nạn. Nhưng thử hỏi những người này đôi điều đơn giản như đạo Phật ở Việt Nam có mấy tông phái, ngôi chùa họ thường xuyên đến cúng bái thuộc tông phái nào, dòng tu nào, tin rằng chẳng mấy người có thể trả lời. Vì sao? Vì họ đến hành lễ, thắp hương không phải bởi lòng mộ đạo, mến đạo, bởi đồng cảm với những điều Phật giáo giảng giải, mà vì những động cơ cá nhân. Đối với họ, chốn đền chùa chắc gì đã là chốn linh thiêng, và chắc chắn cũng chẳng còn là nơi thanh tịnh, một khi họ đến đây với những tính toán thiệt hơn, hồn nhiên nghĩ rằng cuộc hành lễ của họ cũng là một cuộc trao đổi với bậc thần thánh. Có thể họ không nghĩ được sâu xa đến thế, cũng chẳng dám mơ đến chuyện báng bổ Phật giáo, nhưng thực chất họ đang vô tình phạm phải điều ấy mà không hay. Cũng có những người đến thắp hương để tâm hồn được thanh tịnh, mong Thần, Phật Từ - Bi - Hỉ - Xả tha thứ cho những lỗi lầm họ gây ra, nhưng xá tội để làm gì khi mà bước chân ra khỏi cửa chùa, họ đã vội sa ngay vào cái tham, sân, si, những trò mua bán lừa đảo, những trò tham ô hối lộ, lừa trên dối dưới, trái ngược hẳn với những gì Phật dạy và những lời hối lỗi của họ khi đi lễ chùa? Hẳn Thần, Phật ở cõi trên nhìn thấy cảnh ấy cũng phải lắc đầu ngán ngẩm trước sự “tiền hậu bất nhất” của loài người trần tục, vừa chắp tay khấn vái đấy đã lại “ngựa quen đường cũ” ngay, không biết sẽ còn phải độ lượng từ bi mà tha thứ cho chúng sinh mấy lần hay mấy mươi lần nữa?
Lại có những người mù quáng đến độ nghe phong thanh ở đâu có chùa nào, miếu nào linh nghiệm là bỏ công bỏ việc, xa xôi mấy cũng phải tìm đến bằng được để cầu xin, khấn vái mà không bỏ lòng thành ra tìm hiểu đầu đuôi sự tích vị thần, thánh kia là ai? Vậy nên, mới có những ngôi đền, ngôi miếu tự phát, vốn dĩ đìu hiu vắng lạnh, chẳng hiểu từ đâu có lời đồn đại bỗng tấp nập người đến viếng thăm. Thậm chí, nắm bắt được tâm lý sùng bái của người dân, nhiều kẻ lấy danh nghĩa Thần, Phật để bày trò lừa đảo, buôn thần bán thánh, làm tiền trên niềm tin của những người sùng đạo, báng bổ đến sự tôn nghiêm của Phật giáo và làm méo mó hình ảnh đẹp đẽ của chốn đền chùa. Ngoài những người như đã nói ở trên, còn có những người đi chùa mà không tìm hiểu, tôn trọng những lễ nghi của chốn chùa chiền, để lại ấn tượng xấu với những quan khách khác. Đối tượng chủ yếu của vấn nạn này là giới trẻ, những người mà đáng nhẽ hành động đi lễ chùa của họ sẽ rất đẹp, rất đáng khuyến khích nếu xuất phát từ lòng đam mê tìm hiểu các nét văn hoá cổ truyền của dân tộc, với mong muốn giữ gìn bản sắc, cái gốc, cái hồn của người Việt mình. Thay vào đó, cảnh các nam thanh nữ tú đi chùa như đi vãn cảnh, ăn mặc không phù hợp với không gian tôn nghiêm của chốn đền chùa, nói năng cười cợt thiếu nhận thức, thiếu tôn trọng những người xung quanh, ngày nay không hề hiếm. Họ đâu biết rằng, chỉ những hành vi, cử chỉ nhỏ thôi, cũng đủ để hình ảnh của họ trong mắt mọi người xấu đi nhiều lắm, nhất là đối với một dân tộc có bề dày văn hoá tâm linh tín ngưỡng, trọng đạo trọng giáo như người Việt Nam chúng ta! Thế nên, khẩn thiết mong họ nếu như không có lòng thành tâm, thì xin hãy tìm chốn khác mà chơi, mà xem, chứ đừng lai vãng chốn chùa chiền thanh tịnh, vừa làm bớt đi phần nào cái đức của họ về sau, vừa làm cảnh chùa bớt đẹp, bớt thiêng…
Bao nhiêu lời bàn ở trên là bấy nhiêu trăn trở, suy tư của một người trọng đạo về quá khứ, hiện tại và tương lai của Phật giáo Việt Nam. Từ khởi nguồn lịch sử cho đến hôm nay, đạo Phật đã và đang là một tín ngưỡng tôn giáo đẹp, đáng tôn trọng và giữ gìn trong đời sống văn hoá của người Việt ta. Thế nhưng, tương lai Phật giáo sẽ ra sao, phồn thịnh hơn hay bị thụt lùi vì sức ì của những “con sâu làm rầu nồi canh” mà ta vừa bàn ở trên? Điều đó, không ai khác ngoài chính chúng ta có thể giải đáp. Đạo tồn tại vì ta tồn tại, đạo thịnh đạo suy vì ta tin, ta trọng được bao nhiêu. Những điều này, với một dân tộc mà những giá trị tâm linh, văn hoá được coi trọng, tin rằng không khó để trả lời! Cuối cùng, tôi muốn gửi gắm đến những người đã, đang và sẽ đi lễ chùa, xin hãy bỏ chút thời gian ra mà tìm hiểu, “Nam mô a di đà Phật” có nghĩa là gì? Câu nói mà các vị nói nhiều đến mức quen miệng này, không biết các vị hiểu được bao nhiêu, làm được bao nhiêu?