(Baonghean.vn) - Cân nhắc đề ra mức trần trong thu xã hội hóa, xử lý nghiêm việc lạm thu trong trường học, ưu tiên đầu tư cho các xã ít tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới… là các kiến nghị của đại biểu tổ 5 tại phiên thảo luận chiều 14/12.

>>>Yêu cầu kiểm tra trường 'thu 80 khoản phí'

>>>Nghệ An: Trẻ mầm non 'gánh' hơn 80 khoản thu đầu năm học

Ông Đặng Thanh Tùng - Bí thư Huyện ủy Anh Sơn chủ trì thảo luận tổ 5 với sự tham gia của các đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử huyện Đô Lương, Nam Đàn, Anh Sơn. Cùng dự có đại diện một số sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.                         

                                 

Quang cảnh buổi thảo luận.

Phát biểu tại cuộc thảo luận, cơ bản các đại biểu bày tỏ đồng tình với các báo cáo, tờ trình tại phiên làm việc buổi sáng, đồng thời kiến nghị 9 vấn đề liên quan đến địa phương cũng như các vấn đề nóng được dư luận quan tâm.

Ông Bùi Đình Long - Bí thư Huyện ủy Nam Đàn kiến nghị việc xây dựng nông thôn mới Nam Đàn còn gặp nhiều khó khăn nên huyện cần được ưu tiên nhiều hơn nữa. Liên quan vấn đề này, đại biểu Lê Đình Lý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiến nghị cần ưu tiên đầu tư cho các xã khó khăn, đặc biệt là về giao thông nông thôn để tránh tình trạng chênh lệch phát triển giữa các xã, địa phương, vùng miền.

Đại biểu Ngọc Kim Nam - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương góp ý trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương cần quan tâm điều chỉnh việc hỗ trợ phân bổ xi măng hợp lý với từng địa phương. 

Đại biểu Bùi Đình Long kiến nghị việc phát triển ngành du lịch của tỉnh hầu như còn tự phát, vai trò hướng dẫn của các ban, ngành cấp tỉnh chưa nhiều, chưa có sự kết nối các địa phương và chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng. Đối với Nam Đàn cần có hỗ trợ nâng cấp, bảo trì một số hạng mục xung quanh Khu di tích Kim Liên.

Trong lĩnh vực giao thông, đại biểu huyện Nam Đàn kiến nghị đoạn đường 46 đi qua thị trấn Nam Đàn đã xuống cấp nhiều cần thảm lại mặt đường. Còn đối với huyện Đô Lương, ông Ngọc Kim Nam - Chủ tịch UBDN huyện Đô Lương nêu sau khi đường N5 đi qua địa bàn huyện đã thông tuyến, tuy nhiên trong quá trình thi công tuyến N5 đã khiến các tuyến lân cận bị xuống cấp trầm trọng, đặc biệt tuyến đường Khuôn - Đại Sơn. Các đại biểu mong muốn tỉnh hỗ trợ tu sửa kịp thời để phục vụ việc đi lại của người dân.

Ông Hoàng Nghĩa Hùng, đại biểu huyện Nam Đàn phản ánh tình trạng quản lý các xe chở gỗ thường xuyên quá tải gây hư hỏng đường sá, và đề nghị các cấp, ngành cần xem lại phân cấp quản lý giữa cảnh sát giao thông các cấp để xử ký triệt để tình trạng này. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số tuyến đường huyện, tỉnh thường xuyên xảy ra tình trạng tái lấn chiếm sau khi đã GPMB.

Xung quanh các vấn đề về giáo dục, đại biểu huyện Đô Lương Ngọc Kim Nam cho rằng: Đối với xã hội hóa giáo dục nhìn chung thực hiện chưa đúng, còn nhiều bất cập, đặc biệt với vùng đặc thù tỷ lệ người dân đóng góp thấp nên đề nghị các ngành chức năng có giải pháp điều chỉnh, có thể đề ra mức trần trong thu xã hội hóa. Ông Hoàng Nghĩa Hùng, đại biểu huyện Nam Đàn cho rằng theo báo cáo của ngành Giáo dục thì tình trạng lạm thu trong trường học còn diễn ra nhiều, đề nghị ngành có sự giải thích rõ mức độ của vấn đề này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đại biểu Ngọc Kim Nam phản ánh việc quy hoạch đất đai và quản lý hoạt động đối với các công ty TNHH nông lâm nghiệp chưa phù hợp, đặc biệt kiểm soát việc sử dụng đất đúng mục đích. Về các dự án kéo dài không triển khai, quy hoạch treo ở Đô Lương có 1 nhà máy gạch ở Đông Sơn chưa có biện pháp giải quyết.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị các vấn đề liên quan đến cơ sở xã, xóm như phân chia mức trần khoản thu sử dụng đất và khoản thu phí bảo vệ môi trường, để lại phần trăm nguồn thu cho huyện, xã cần xem xét điều tiết tỷ lệ để địa phương đầu tư trở lại. Bên cạnh đó cũng cần điều tiết hợp lý hơn phí môi trường, trích phần trăm nhiều hơn cho cơ sở để tu sửa hạ tầng trên địa bàn, ưu tiên thêm cho các xã.

Giờ học nhóm theo phương pháp dạy học mới ở lớp 2A Trường Tiểu học Long Thành, Yên Thành.

Tại cuộc thảo luận, các đại biểu đại diện các sở: Kế hoạch & Đầu tư, GD&ĐT, Nội vụ, Tài nguyên Môi trường đã giải trình các nội dung liên quan đến ngành quản lý. Trong đó, về vấn đề thực hiện mô hình trường học mới VNEN và thu xã hội hóa, đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: VNEN là chủ trương của Bộ GD&ĐT cần phải thực hiện. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực sự còn có những bất cập. 4 năm qua triển khai thí điểm ở bậc tiểu học và 2 năm đối với THCS và đã có việc các cơ sở có phản ánh, kiến nghị, Sở cũng đã có cân nhắc và thận trọng trong triển khai.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi cũng thông tin thêm một số nội dung về việc triển khai mô hình VNEN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ năm học 2017 - 2018, việc triển khai VNEN hoàn toàn dựa vào cơ sở tự nguyện của các trường, lộ trình lựa chọn số lượng trường thực hiện mô hình trường học mới trên địa bàn mà sở phê duyệt là phù hợp trên tinh thần lựa chọn các thành tố phù hợp và với tinh thần tự nguyện. Về các trường phản ứng có nguyên nhân cơ bản do tâm lý đám đông và coi trọng ứng thí của người dân. Vì thế 2 năm nay, Sở đã chỉ đạo và có những bước chuyển động điều chỉnh trong thi cử để phù hợp.

“Đối với xã hội hóa đây là chủ trương đúng, có tác dụng tích cực bên cạnh những bất cập. Vẫn có những hiện tượng cá biệt thu sai, lạm thu” - bà Nguyễn Thị Kim Chi cho biết.

Kết thúc buổi thảo luận, ông Đặng Thanh Tùng tổng hợp các kiến nghị mà đại biểu đã trình bày để phản ánh đến phiên làm việc tiếp theo, đồng thời đề nghị các sở, ngành liên quan có sự chuẩn bị nội dung giải trình tại phiên làm việc ngày 15/12.

Kỳ họp này, HĐND tỉnh duy trì 3 đường dây nóng và bố trí bộ phận tiếp dân ngay tại kỳ họp để kịp thời tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả tỉnh gửi đến kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu về vấn đề VNEN:

Các số đường dây nóng, gồm: 0383.598828; 0383.598800; 0383.598747. 

Hoài Thu - Mỹ Nga

Bạn đọc có thể gửi ý kiến tới Kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 17

[kien_nghi_hoi_dong]

TIN LIÊN QUAN