26/27 chỉ tiêu đạt và vượt

Báo cáo trước HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cho biết: Năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

bna_8325019565670_10122019.jpegPhó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh trình bày báo cáo kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019, nhiệm vụ giải pháp năm 2020. Ảnh: Thành Cường

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2019 (theo giá so sánh 2010) ước đạt khoảng 88.258 tỷ đồng, tăng 9,03% so với năm 2018. GRDP bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 43,08 triệu đồng.

Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,81%; khu vực công nghiệp - xây dựng  tăng 13,51%; khu vực dịch vụ  tăng 7,51%; thuế sản phẩm tăng 12,2% so với năm 2018. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và trong từng lĩnh vực tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Các đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Kết quả thu ngân sách 10 tháng năm 2019 thực hiện 12.947,85 tỷ đồng, đạt 95,9% dự toán, tăng 18,8% cùng kỳ. Ước thu ngân sách cả năm 2019 đạt khoảng 15.500 tỷ đồng, đạt 114,8% dự toán và tăng 10,2% so với năm 2018.

Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo điều hành chi ngân sách đúng quy định, tiết kiệm, đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên cũng như đột xuất. Chi ngân sách 10 tháng thực hiện 20.093,19 tỷ đồng, đạt 82,5% dự toán. Ước cả năm 2019, chi ngân sách đạt 24.945,44 tỷ đồng, đạt 102,5% dự toán.
Tại kỳ họp thứ 12, các đại biểu HĐND tỉnh sẽ xem xét 31 báo cáo kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và báo cáo hoạt động của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh, công tác điều hành của UBND tỉnh năm 2019, nhiệm vụ năm 2020; thông qua 22 dự thảo nghị quyết thuộc thẩm quyền. Ảnh: Thành Cường

Tính đến ngày 31/10 tháng năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 89 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 10.134,43 tỷ đồng, tăng gấp 1,15 lần tổng số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; điều chỉnh 9 lượt dự án với tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng 679,29 tỷ đồng.

Cùng đó, tiếp tục kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ, không triển khai; qua kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện các dự án, trong năm 2019 UBND tỉnh đã chấm dứt hoạt động, thu hồi 16 dự án, đưa tổng số dự án bị thu hồi đến nay là 165 dự án.
Dây chuyền sản xuất sữa tại Nghĩa Đàn. Ảnh: Thanh Lê

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được các địa phương chỉ đạo quyết liệt, đạt được nhiều kết quả. Năm 2019 có thêm 40 xã đạt chuẩn NTM; nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của toàn tỉnh lên 258/431 xã, chiếm 59,9%; có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành xây dựng NTM, huyện Yên Thành đã đạt các tiêu chí đang trình cấp có thẩm quyền công nhận.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều kết quả đáng phấn khởi.

Công tác lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt; giải quyết việc làm mới khoảng 38.000 lao động. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" được xã hội hóa sâu rộng; làm tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng. 

Trong 10 tháng năm 2019, đã thành lập mới 1.505 doanh nghiệp bằng 93,6%; tổng số vốn các doanh nghiệp đăng ký là 13.776,9 tỷ đồng, tăng 32% cùng kỳ. Có 517 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 99,73%, cao nhất cả nước.

Khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh: Thành Cường

Thực hiện tốt chế độ, chính sách bảo trợ xã hội, trợ giúp thường xuyên tại cộng đồng và cứu trợ đột xuất... Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2019 dự kiến còn khoảng 4%...

Đặc biệt, trong năm 2019, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện Năm Cải cách hành chính, tạo điều kiện phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, góp phần xây dựng chính quyền hoạt động hiệu lực và hiệu quả.

Tỉnh thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An và sắp tới sẽ đi vào hoạt động. Chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; triển khai Đề án sáp nhập thôn, xóm, bản; Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính, ý thức, trách nhiệm, kỹ năng giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức có tiến bộ. Triển khai thực hiện dịch vụ trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành...  

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Bến Thủy (TP. Vinh). Ảnh: Thanh Lê

UBND tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương trên địa bàn tỉnh; giải quyết tốt tình hình ở cơ sở, tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, tìm kiếm cứu nạn. Đẩy mạnh đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, phá nhiều chuyên án, vụ án lớn về hình sự, ma túy.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được thực hiện nghiêm túc, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Ảnh: Thanh Lê
Bên cạnh những kết quả tích cực, UBND tỉnh cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng GRDP chưa thực sự bền vững, chưa thu hút được các dự án lớn, mang tính động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm còn chậm; tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp; thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân. Một số đơn vị cấp huyện chưa tích cực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Năm Cải cách hành chính. Tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Tình trạng mua bán bào thai và trẻ em vi phạm pháp luật vẫn diễn ra ở một số nơi;...

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh nhấn mạnh: Năm 2020 là năm cuối, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện kế hoạch 5 năm (2016 - 2020), cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Doanh nghiệp Nhật Bản khảo sát đầu tư tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Về nhiệm vụ, giải pháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, UBND tỉnh sẽ tập trung đánh giá, rà soát mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020); tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Đồng thời, Nghệ An tiếp tục thực hiện cơ cấu lại kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.  

Tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án công nghiệp, nhất là các dự án có thể cho sản phẩm vào năm 2020. Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ: thương mại, du lịch, vận tải, thông tin truyền thông, tài chính ngân hàng...

Tăng cường công tác đối ngoại; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư; tích cực tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Chỉ đạo, đôn đốc triển khai và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án của nhà đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm.

Cùng đó, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công. Chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách, chống thất thu, giảm tình trạng nợ đọng thuế.

Rà soát để sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách cùng với việc xây dựng Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) đồng bộ để thực hiện có hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê
Thực hiện tốt các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, bảo đảm tốt an sinh xã hội. Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và môi trường.
Tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức, bộ máy, nhất là chỉ đạo, hướng dẫn việc sáp nhập các xã, khối, xóm và giải quyết chế độ, chính sách, cơ sở vật chất và các vấn đề liên quan sau sáp nhập; vận hành có hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An. Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Nghệ An. Quan tâm giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của HĐND tỉnh.