(Baonghean) - Tôi gặp Vũ Lê Tín trong một lần tới thăm Quỳnh Vinh - Thị xã Hoàng Mai, ấn tượng trong tôi về Tín là sự nhiệt huyết, là tinh thần đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì miễn là việc đó có lợi cho tập thể, có lợi cho người dân Quỳnh Vinh quê anh.
 
Là 1 trong 4 gương mặt được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lý Tự Trọng trong dịp 26/3 năm nay, Vũ Lê Tín được mọi người biết đến là người đã dũng cảm dùng thuyền nan, bè chuối để cứu 47 người trong vùng rốn lũ tháng 10/2013.
 
image_5976418.jpgl Anh Vũ Lê Tín (thứ hai, phải sang) trao quà cho bà Hoàng Thị Trường - cựu TNXP.
 
Cơn lũ được xem là lịch sử ở Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai khi nó nhấn chìm toàn bộ làng mạc của vùng Đại Vinh từ thôn 15 đến thôn 21 xã Quỳnh Vinh - Thị xã Hoàng Mai trong biển nước chỉ trong vài giờ đồng hồ.
 
Tín kể: “Hôm ấy nhận được tin xả lũ hồ Vực Mấu anh em đã tiên lượng sẽ có lũ, vì trời mưa rất to, nhưng thú thực chúng tôi cũng không nghĩ lũ lại lên nhanh thế, khoảng 16h thì có điện thoại của một người dân trong thôn 19 hớt hải: “Nước lên nhanh lắm nhà tôi còn có bà già và trẻ em, anh bố trí vào cứu chúng tôi với!”. Thời điểm ấy cũng là lúc triều cường lên nhanh, một số người dân vùng Đại Vinh không kịp trở tay đang mắc kẹt trong nhà và trên các nóc nhà. Nghĩ đến tình thế nguy hiểm sẽ xảy ra ở nhiều nơi, với nhiều hộ nữa, trông khi phương tiện cứu lũ không có gì, điện thoại lại hết pin, điện lưới cũng vụt tắt, trời càng lúc càng nặng hạt, nghĩ đến những vùng thấp trũng như xóm 15, xóm 12... chắc cũng đang bị cô lập trong biển nước, người dân những vùng ấy lại nghèo khó, không có chòi tránh lũ, ruột gan tôi như có lửa đốt. Với suy nghĩ, cần có một phương án cứu ngay những vùng thấp trũng nhất, xa nhất nên tôi đã tham mưu ngay với đồng chí Lê Văn Thắng - Bí thư Đảng ủy xã để có phương án cứu những người dân đang mắc kẹt trong biển nước. Việc đầu tiên là tôi chặt ngay 2 cây chuối cạnh nhà đóng thành bè, mượn một con thuyền nan, cùng 2 đồng chí nữa lên đường, đoạn nào nước cạn, tôi và đồng chí Thắng vác bè chuối và thuyền lên chạy bộ, chỉ mong sao đến được thật nhanh với thôn 19, nơi lần cuối cùng anh nhận được lời kêu cứu qua điện thoại”.
 
Tín kể tiếp: “Với sáng kiến dùng con lăn bằng cây chuối qua đường sắt nên anh em chúng tôi đã chèo thuyền từ thôn 6 về đến thôn 19 với chiều dài khoảng 4 km. Qua 3 lần làm con lăn đẩy thuyền, trên đường đi chúng tôi đã nhiều lần phải tát nước vì mưa trên trời trút xuống và nước lũ ập vào. Đến 19 giờ tối, chúng tôi mới tiếp cận được nhà dân bị ngập tại thôn 19, luồn lách trong khu dân cư theo lời kêu cứu của người dân... đưa họ lên thuyền và chở đến nhà anh Trần Văn Trúc - Bí thư Chi bộ thôn 19 để tránh lũ. Cũng may mà có nhà anh Trúc (2 tầng) để ở chứ không lúc đó chẳng biết đưa người dân đến ở nơi nào nữa, bởi hôm đó trời mưa gió mạnh và mênh mông nước.
 
Càng về khuya, nước lũ đổ dồn về càng mạnh, nhưng tôi cùng các "đồng đội" vẫn rẽ sóng lũ, cứu dân. Cứ thế chúng tôi đến hết những người trong thôn 4, thôn 15, thôn 21… tổng cộng đã đưa được 40 hộ đến nơi an toàn, trong đó có 4 người già trên 80 tuổi, 1 phụ nữ sắp sinh và rất nhiều em nhỏ”.
 
Trong dòng hồi tưởng, có lúc Tín đã rơi nước mắt khi nghĩ đến những giây phút hiểm nguy mà anh và đồng chí của mình phải đối mặt, nghĩ đến mẹ già con thơ, nghĩ đến người vợ tần tảo của mình sẽ ra sao khi mình sẽ không về tới nơi? Nhưng, nếu mình không đến với bà con, nơi những người dân trong phút giây hiểm nguy đã nghĩ đến sự bấu víu, nương tựa vào mình, với hy vọng rằng: “Gọi cho anh Tín, anh đến cứu, may ra sống sót”. Những hối thúc về trách nhiệm, tình thương đó đã không cho Tín gục ngã dù có lúc quay lại với biển nước kia là mái chèo đã bị gãy, là bè chuối đã mục, là sức lực đã cạn kiệt. Khi cứu được người cuối cùng lên chiếc thuyền là lúc anh xỉu đi vì kiệt sức, lúc ấy đã quá 1h sáng. Vậy mà, ngay sáng sớm hôm sau, anh lại tiếp tục chèo thuyền, đưa mỳ tôm phân phát cho bà con đang mặc kẹt giữa dòng nước lũ. Tín kể: “Cũng may trời thương nên tui và những người dân trên chuyến thuyền nan cuối cùng ấy đã về đến nơi an toàn”. Sau lần sinh tử ấy Tín được Thị đoàn Hoàng Mai tặng bằng khen, được mời tham gia Chương trình “Cảm ơn cuộc đời” được truyền hình trực tiếp trên VTV6.
 
Với Bí thư Đoàn xã Vũ Lê Tín (SN 1983), việc đưa đến một môi trường lành mạnh cho thanh niên Quỳnh Vinh là điều mà anh trăn trở nhất. Anh đã có nhiều sáng kiến tham mưu cho Thị đoàn Hoàng Mai gắn với các tiêu chí hoạt động thanh niên của Tỉnh Đoàn. Tín đã cùng với các đồng chí trong Ban Thường vụ Đoàn xã tạo ra những sân chơi bổ ích những cuộc thi lý thú nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo đoàn kết trong thanh niên như cuộc thi “Rung chuông vàng”, “Nét đẹp đội viên” cho học sinh khối THCS. Mỗi dịp hè về, không khí sinh hoạt Đội ở Quỳnh Vinh vô cùng náo nhiệt, đoàn viên thanh niên hăng say chỉ dẫn cho các đội viên tập luyện nghi thức, hát, chơi trò chơi; từ đó hạn chế được tụ tập, gây gổ đánh nhau. Với những thanh niên một thời lầm lỗi, Tín thường xuyên động viên, chia sẻ, tạo cho họ có cảm giác tin cậy, hòa nhập. Còn đối với các chi đoàn vùng giáo, Tín khéo léo tổ chức các hoạt động, phong trào sôi nổi, thiết thực; tổ chức các diễn đàn, các buổi giao lưu để thu hút họ vào tổ chức Đoàn, Đội. Anh Lê Văn Lương, Bí thư Thị đoàn Hoàng Mai, cho biết: “Đối với Vũ Lê Tín không có gì trở ngại khi anh chọn được con đường đi, dù đó là con đường nhiều chông gai. Thị đoàn và tuổi trẻ TX. Hoàng Mai rất tự hào về anh”!
 
Hỏi về cảm xúc khi được Trung ương Đoàn vinh danh trong dịp 26/3 ý nghĩa này, anh chỉ cười: “Tôi có sức lực và nhiệt huyết của thanh niên nên dù có phải làm gì, đi đến nơi đâu, mà nơi đó, công việc đó cần tôi, tôi sẽ đi! Sống là để yêu thương và chia sẻ, là cống hiến”.
 
Thanh Nga