(Baonghean) - Ấn tượng của tôi khi gặp chị là hình ảnh một người phụ nữ có khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, nhỏ nhắn trong chiếc áo blu trắng. Với giọng nói ấm áp cùng những cử chỉ yêu thương vỗ về, chị đã trấn an được phản ứng gay gắt, đập phá từ một bệnh nhân bị chấn thương não. Chị là Doãn Thị Thái – Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần Nghệ An.
 
images952272_ch__th_i__ang__n_c_n_hoi_th_m_b_nh_nh_n.jpgChị Thái đang ân cần hỏi thăm bệnh nhân.

Bệnh viện tâm thần là đơn vị có tính chất đặc thù, bệnh nhân vào đây ngoài nỗi đau về thể xác họ còn phải gánh chịu những chấn thương về tâm lý, có vấn đề về trí não ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Họ hành động theo bản năng, hoàn toàn vô thức. Những lúc bệnh nhân không kiểm soát hành vi của mình, đập phá, chị Doãn Thị Thái  cùng đồng nghiệp phải đối mặt với hiểm nguy nhưng họ vẫn không nề hà.

Với vai trò Trưởng phòng Điều dưỡng, chị suy nghĩ muốn quản lý tốt thì mình phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm về y đức, nói đi đôi với làm. Những lúc bệnh nhân phản ứng gay gắt, lên cơn đập phá, chị luôn có mặt kịp thời để trấn an bệnh nhân rồi trực tiếp làm các công việc vệ sinh ở các khoa, phòng…

Chị thường dành thời gian tiếp xúc trò chuyện, chia sẻ với bệnh nhân và người nhà để nắm bắt diễn biến bệnh tình của từng người, đồng thời tạo mối quan hệ thân thiện để hiểu thêm về tâm tư, nguyện vọng, giúp cho người bệnh yên tâm, tin tưởng khi điều trị bệnh tại bệnh viện. Bên cạnh sự gương mẫu trong lời nói việc làm của mình, chị luôn động viên, khuyến khích đồng nghiệp phát huy hết khả năng của mình. Đặc biệt là thái độ ứng xử, chăm sóc người bệnh, không để xảy ra những hành động vô tâm, thiếu trách nhiệm với bệnh nhân. Nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc, tận tình với bệnh nhân là những lời nhận xét của đồng nghiệp, người nhà bệnh nhân dành cho chị. 

 
Điều đáng học tập ở chị đó là ý thức học tập để nâng cao năng lực và trình độ, học hỏi từ đồng nghiệp, sưu tầm tài liệu để trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng về việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Công việc điều dưỡng chịu nhiều áp lực, nhưng chị vẫn dành thời gian cho nghiên cứu khoa học. Với quan điểm làm việc gì cũng phải xuất phát từ yêu cầu thực tế, nghiên cứu cái gì còn yếu kém, bất cập để tham mưu cho Ban Giám đốc Bệnh viện có giải pháp khắc phục. Vì vậy, các đề tài nghiên cứu của chị đều mang tính thực tiễn, được ngành Y tế đánh giá cao như: Đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân và người nhà tại Bệnh viện Tâm thần, vấn đề quản lý rác thải y tế, thực trạng giao tiếp đối với người bệnh của điều dưỡng và kỹ thuật viên tại bệnh viện, vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân tại bệnh viện… từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân của bệnh viện.
 
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, điều làm cho chị Doãn Thị Thái trăn trở nhất là những bệnh nhân vô danh, những bệnh nhân được công an đưa đến bệnh viện nhưng mãi không tìm được người thân dù chị và các đồng nghiệp đã cố gắng điều trị và khai thác thông tin trong trí nhớ mập mờ của họ. Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, những bệnh nhân này được chuyển đến cơ sở điều dưỡng của Sở LĐ-TB&XH, chị vẫn cẩn thận ghi lại thông tin với hy vọng người thân tìm đến họ. Chị mong sao những người tâm thần vẫn được đón nhận tình yêu thương, chăm sóc của người thân, sự sẻ chia của cộng đồng.
 
Lặng lẽ cống hiến cho ngành Y học tỉnh nhà, trở về tổ ấm của mình sau những tất bật của công việc, chị Doãn Thị Thái luôn là người mẹ hiền, người vợ đảm đang. Chị được tôn vinh “Gương sáng y đức” 4 năm liền của ngành Y tế tỉnh nhà, Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đảng viên xuất sắc tiêu biểu 5 năm liền, bằng khen của UBND tỉnh,… 
 
Thanh Lê