Tại Nhà máy phân bón Sao Vàng, thuộc Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, mồng 6 Tết, gần 100 công nhân đã có mặt đầy đủ nhận lời chúc mừng đầu năm mới và bắt tay vào sản xuất phân bón phục vụ sản xuất vụ xuân.
Giám đốc nhà máy ông Trương Văn Hùng cho biết: Mỗi ngày nhà máy sản xuất 300 tấn phân NPK, bên cạnh đó chế biến 100 tấn gạo phục vụ tiêu dùng của người dân.
Công nhân sản xuất phân bón phục vụ sản xuất vụ xuân ở Nhà máy Sao Vàng thuộc Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An. Ảnh: Trân Châu Ở Nhà máy may Vinatex Hoàng Mai hiện có gần 400 lao động, hiện nay hàng chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản. Do có đơn hàng ổn định nên nhà máy đã ra quân sản xuất kịp xuất khẩu từ ngày mồng 5 Tết.
Phụ trách quản lý nhà máy, bà Lưu Thị Bích Hằng cho biết: Do sản xuất hàng cao cấp nên đào tạo công nhân lành nghề rất khó. Để công nhân trưởng thành và đảm bảo năng suất đến nay sau 2,5 năm nhà máy vẫn chưa đạt chỉ tiêu. Trong thời gian đào tạo, công nhân được hưởng chế độ trợ cấp, ngoài ra làm được sản phẩm nào hưởng sản phẩm đó. Thu nhập hiện nay đạt khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. 100% lao động ở đây được đóng bảo hiểm.
Công nhân Công ty Vinatex Hoàng Mai đã sản xuất đầy đủ từ đầu năm. Ảnh: Lâm Tùng Bà Hằng cho biết thêm: May mắn cho nhà máy là hầu hết công nhân ở gần nên sau Tết hầu mọi người yên tâm làm việc, không có biến động về nhân sự.
Nhà máy có công suất 10,58 triệu sản phẩm/năm với toàn bộ dây chuyền thiết bị may hiện đại, đồng bộ của Nhật Bản do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đầu tư từ năm 2014 với tổng vốn đầu tư hơn 127 tỷ đồng ở xã Quỳnh Vinh.
Không khí sản xuất đầu năm cũng rộn ràng từ ngày mồng 5 Tết ở Nhà máy Tôn Hoa Sen Quỳnh Lập.
Ông Huỳnh Phan Hiếu - Phó Giám đốc Nhà máy Tôn Hoa Sen cho biết: Từ mồng 5 Tết, gần 500 công nhân có mặt đầy đủ sản xuất, còn anh em văn phòng ngày mồng 7 có mặt đầy đủ. Khắc phục khó khăn, tìm kiếm thị trường nhà máy giữ được nhịp độ sản xuất bình thường, trung bình mỗi tháng sẽ đưa ra thị trường khoảng 1 triệu tấm sản phẩm. Năm qua với sự nỗ lực cố gắng, thu nhập bình quân của lao động đạt 9 triệu đồng/tháng. Bên cạnh nộp ngân sách đầy đủ, các chế độ cho người lao động cũng đảm bảo”.
Những cuộn tôn đầu tiên của năm mới ở Nhà máy Tôn Quỳnh Lập. Ảnh: Lâm Tùng Ở nhiều nhà máy khác trên cả tỉnh như Nhà máy đường Sông Con, Nhà máy đường Nghệ An, Nhà máy sữa TH… tất cả CBCNV đều đã trở lại làm việc sau những ngày nghỉ Tết.
Các nhà máy đường do đang vào vụ ép mía nên hoạt động từ mồng 4 Tết cho kịp tiến độ. Năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng các nhà máy đều cố gắng đảm bảo đời sống, các chế độ chính sách cho người lao động.
Công nhân đến xin việc làm đầu năm ở Nhà máy may mới ở Khu công nghiệp VSIP. Ảnh: Lâm Tùng. Bên cạnh những nhà máy, công xưởng hoạt động trở lại sau Tết thì có nhiều nhà máy sản xuất xuyên Tết, như: xi măng, đường, sữa, phân bón. Những nhà máy này ổn định lao động, trong khi đó, nhóm dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử… thường xuyên tuyển thêm lao động do có những biến động về số lượng công nhân sau kỳ nghỉ.