(Baonghean) - Trên những cánh rừng, mùa này có nhiều hoa quyến rũ o­ng rừng kéo về. Đây cũng là mùa “săn” mật o­ng rừng, một nghề “cha truyền, con nối” của bà con dân tộc thiểu số vùng đệm VQG Pù Mát ( Nghệ An).
 
Xuyên đại ngàn tìm mật o­ng rừng
 
Tảng sáng, khi sương mây còn vấn vít trên những dãy núi cao, từng đám thợ chân quấn xà cạp, vai mang ba lô và đồ nghề, tiến vào rừng Pù Mát để săn mật o­ng rừng. Chúng tôi lầm lũi theo chân họ. Trong giới thợ “săn” o­ng ở đây thì T là một tay cừ khôi nhất nhì của bản Trung Chính xã Yên Khê. T chỉ cần lên đỉnh rừng hoang nhờ gió đại ngàn để “ngửi” được mùi hương của mật o­ng, biết ở chỗ nào lắm tổ o­ng, rồi leo núi, ăn cơm vắt, ngủ cành cây cho đến khi gùi đầy những tổ o­ng đẫy mật về nhà. 
 
Lang thang trên sườn đại ngàn, T đã tìm ra dấu vết một đám o­ng đang hút nhuỵ hoa. T ra hiệu im lặng, phải bí mật bám theo mới biết tổ chúng ở đâu, thật cẩn thận không chúng tấn công là nguy lắm. Hơn 30 phút “bám đuôi,” tôi thấy lũ o­ng bay vòng vo lên một thân cây cao vút, tổ cuả chúng nằm lửng lơ trên đó. Loáng cái T đã chặt xong cây nứa, buộc ốp vào thân cây, rồi nhanh như sóc, bám lấy cây nứa mà lên. T mang theo bó đuốc, gần lên đến tổ thì đốt khói, đàn o­ng bay ra toán loạn, nhiều con lao cả vào đám khói để đánh trả. T cắn răng chịu đau, treo mình trên cây, hua bó đuốc liên hồi. Cuối cùng lũ o­ng phải “chịu thua” rút lui. Chỉ vài thao tác T đã đỡ được cả tổ o­ng sực nức mùi thơm của mật xuống gốc cây. T vắt từng khối sáp, dòng mật đặc quánh thơm phức chảy vào xô nhựa. Tôi đưa lên miệng thử, vị ngọt đậm đà nơi đầu lưỡi. T nói, nhiều khi bê luôn cả tổ về để bán, vắt mật trực tiếp từ sáp ra khách mới tin là của thật. Vội vã bữa cơm trưa xong, T phát hiện ra tổ o­ng rừng nữa, lấy được chừng 3 chai mật.

767199_small_64773.jpg
 Mật o­ng đưa về đóng chai bán tại các đại lý ở thị trấn Con Cuông.

Chúng tôi tiếp tục lần đường vào bản Nà, bản Bu xã Châu Khê, thời điểm này bản làng vắng tanh, tất cả người lớn, trẻ nhỏ đều vào rừng để “săn” o­ng. Anh La Văn Q người Đan Lai ở bản Bu xã Châu Khê nói: Mùa này ngày làm tháng ăn anh ạ, có khi trúng quả được hơn 500.000 đ/ngày. Theo anh Q thì mật ngon tổ thường“treo” ở trên những thân cây cao chừng 30 - 40m thoáng mát, tổ ở nơi bị che phủ nhiều, ẩm thấp cũng dễ bị chua. Nhưng trèo lên thân cây cao “săn” o­ng cũng lắm hiểm nguy, không ít người bị ngã thương tật suốt đời. Còn chuyện bị o­ng mật đốt cho sưng vù, mặt mũi chân tay là chuyện thường tình. Như ông La Văn K đi săn o­ng bị sốt rét rừng hơn 10 ngày tưởng chết. Vẫn biết nghề “săn” mật o­ng rừng luôn tiềm ẩn những hiểm nguy, nhưng vì miếng cơm manh áo nên ngày càng có nhiều hộ dân theo nghề này.
 
Trời về chiều, bản Bu bỗng trở nên nhộn nhịp, sau một ngày mệt nhọc “săn” o­ng, người thợ rừng kéo nhau từ đại ngàn về. Ai nấy đều “tay xách, nách mang” mật o­ng rừng, khuôn mặt hớn hở. Họ mang tất cả mật o­ng rừng đem đến nhập cho một đại lý với giá 70.000 đ/ chai, (tại đây không mua theo lít). Anh La Văn M kể: So với giá đó thì bèo, vì ngoài thị trấn Con Cuông họ bán 170.000 đ/chai. Thế sao anh không đưa ra đó bán cho được giá? M nói: Cả ngày đi lấy mật, có khi chỉ được 1-2 chai, đưa ra thị trấn không bõ tiền xăng. Chị Q chuyên thu mua mật tại đây kể: “Em cũng lấy công làm lãi thôi, một chai đưa ra Thị trấn Con Cuông được “hoa hồng” chừng hơn 10.000 đồng”. Có khi những thợ rừng không bán mật o­ng mà đem đến chị Q để đổi gạo, mì chính, muối, nước mắm… Chị Q trút lòng: Do thiếu đói, nhiều lúc họ còn ra quán tôi để vay gạo đi vào rừng “săn” mật o­ng, sau đó về họ đổi lại mật o­ng rất sòng phẳng. Trưởng bản Bu - Vi Thanh Ban tâm sự: Nghề săn mật o­ng rừng giúp người Đan Lai vượt qua những ngày ba tháng tám. Riêng bản thân tôi nhờ mật o­ng rừng góp tiền thêm để sửa nhà cửa, mua ti vi, cải thiện cuộc sống gia đình.
 
Trưa hôm sau tôi được những thợ rừng chiêu đãi chầu o­ng non, (nằm trong sáp o­ng) chấm với mật o­ng. Gia chủ bày cả tảng o­ng non trên chiếc mâm đồng và mấy bát mật o­ng vàng sóng sánh. Tôi cắt từng tầng o­ng non ra chấm với mật o­ng rừng, vị ngọt của mật, vị béo của o­ng non mang đến cảm giác thật khó tả. Ông Ban hồ hởi: Người Đan Lai ta từ bé đến già, vào mùa mật ai cũng được ăn thứ o­ng non, uống mật o­ng nguyên chất nên “kháng” được nhiều loại bệnh tật. Như trị mụn nhọt, sâu răng, viêm loét dạ dày, chống những cơn sốt rét rừng dai dẳng, tăng cường sinh lực… Trai làng ở bản Bu ai nấy đều rắn rỏi, nhiều già làng tuổi cao nhưng đôi mắt vẫn còn tinh nhanh, giọng nói rền vang như gió đại ngàn. Chớm mùa o­ng mật, nhiều thợ rừng ở bản Nà, bản Bu đã “trúng” những tổ lớn có khi vắt được 15-20 chai mật. Họ gánh nguyên cả tổ về, vắt mật rồi lại chia sẻ o­ng non để mọi người trong bản đều được “hưởng lộc”.
 
Kỹ nghệ sản xuất mật rởm ! 
 
Hôm vào bản C xã Yên Khê đóng vai người mua mật o­ng, tôi được ông Nguyễn Văn Quý cảnh báo: “Khéo mua phải mật dởm !” Mấy năm nay tại bản C chuyên xuất hiện nhóm người “cải trang” y như đi rừng mới ra. Họ từ cửa rừng với những đồ nghề lỉnh kỉnh, lam lũ, gùi theo ống nứa tươi, chứa đầy mật o­ng rừng. Hoặc là cả nguyên những tổ o­ng đang rỉ mật, có mươi con o­ng rừng vừa gãy cánh nằm la liệt trên sáp o­ng. Khách du lịch tứ phương vào tắm thác, ngắm rừng thấy vậy tranh nhau mua nguyên cả những ống nứa mật o­ng. Có người mua cả tổ o­ng rồi nhờ dân vắt hộ vào chai. Họ hí hửng là mua được “mật xịn” 100% ở tận cửa rừng nguyên sinh. Họ đâu biết rằng mật o­ng chứa trong ống nứa đều bị pha trộn, những tổ o­ng đều bị hút sạch mật thật trước đó, rồi lại bơm mật mía vào. Nhiều người mua về ngày sau mật sùi bọt, sình lên, uống vào có mùi vị lơ lớ, có người uống vào đau bụng quằn quại, mới biết là bị lừa. Theo lời kể của nhiều người thì tại Con Cuông có mấy lò “bát quái” ngày đêm “chế” mật o­ng rừng. Họ pha trộn mật mía, đường cát, rải lớp sáp o­ng lên trên, thoáng nhìn y như mật “xịn” .


 Lán trại của những thợ chặt nứa và săn mật o­ng rừng.

Anh La Văn Nam, một thợ rừng có thâm niên hơn 10 năm trong nghề “săn” o­ng mật o­ng rừng, bày cho tôi cách phân biệt mật o­ng rừng thật và giả. Đối với loại mật o­ng rừng Pù Mát luôn có màu vàng tươi, dù để lâu đến mấy cũng không đổi màu, giữ nguyên hương vị đặc trưng, đặc biệt là không bao giờ đọng đường. Mật đặc quánh, có độ kết dính cao, rót vào chai không cần phễu, vì vậy khi thử chỉ cần đổ ra một ít trên tấm vải, giọt mật tròn không bị hoà tan nhanh chính là mật thật. Ngày nay mật o­ng rừng ngày càng hiếm, giá trị cao nên không ít kẻ lợi dụng để lừa đảo người mua.
 
“Săn” mật o­ng - nguy cơ cháy rừng tiềm ẩn !
 
“Săn” mật o­ng rừng góp phần cải thiện thêm cuộc sống cho bà con miền núi. Tuy nhiên cũng “lợi bất cập hại”, mùa nắng hạn, gió Lào thổi phờ phạc cả những cánh rừng nguyên sinh. Người đi lấy mật o­ng thường phải mang theo lửa vào rừng để tạo khói xua o­ng. Những tàn lửa ấy vô tình bén vào đám thực bì khô thì hậu quả sẽ khôn lường. Thời điểm này người dân ở vùng đệm VQG Pù Mát vào rừng săn o­ng rất nhiều, từ Cao Vều (Anh Sơn), đến Môn Sơn, Yên Khê, Châu Khê… (Con Cuông), lên tận rẻo cao xã Tam Đình, Tam Quang (Tương Dương).
 
Nguy cơ cháy rừng luôn hiện hữu. Các lực lượng chức năng cần có những biện pháp để kiểm soát được việc đốt tổ o­ng rừng để tìm mật, ngăn ngừa nạn cháy rừng.


Văn Trường