(Baonghean)  - Từ QL7, men theo Khe Choăng khoảng 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới được bản Bu. So với bản Cò Phạt, bản Pủng, bản Cồn - “thủ đô” của người Đan Lai, thì ở bản Bu cái nghèo cái đói cũng còn đeo đẳng mãi… 
 
Vẫn những nếp nhà lợp tranh tre, nứa lá, mốc thếch nằm chênh vênh bên sườn đồi. Vẫn những thiếu phụ ngồi bên bậu cửa đôi mắt đợm buồn nhìn mà như chẳng nhìn ai. Những đứa trẻ ăn mặc còn rách rưới đang nô đùa, nhưng khi tôi giơ máy ảnh thì chúng sợ hãi chạy toán loạn.
 
Ghé vào một mái lá dột nát, bên cạnh bếp lửa leo lét,  một thiếu phụ tên La Thị Thuỷ thân hình gầy guộc, đang ngồi bên chiếc xoong luộc đầy sắn. Tôi hỏi chủ nhà, gia đình ăn sắn lâu chưa? Thông qua những câu phiên dịch chắp vá của của một chiến sĩ biên phòng thì đại để “Tìm được cái gì thì ăn nấy, sắn khoai, hết thì vào rừng đào củ mài ...” Mấy đứa con chị Thuỷ lông nhông, nhếch nhác, tay cầm củ sắn vô tư đùa nghịch, thấy khách lạ chúng lại trốn vào vách phên. Nguồn sống của người dân Đan Lai nơi đây là sắn, vào gia đình nào đến bữa ăn mâm cũng tràn ngập sắn. Đứa con anh là La Thị May học lớp 5 phải bỏ giữa chừng để theo bố mẹ lên nương đào củ sắn.
 
Tôi lần đường xuống ngôi trường tiểu học mái ngói đỏ tươi mới được xây dựng. Nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thanh Bình lại không lấy làm vui: “Vì thiếu đói mà nhiều học sinh bị bố mẹ bắt phải bỏ học để vào rừng lấy măng, đào củ. Giáo viên chúng tôi đêm tối đến từng nhà để vận động học sinh, rồi sáng tinh sương lại đến để đón các em đến lớp. Thậm chí giáo viên phải góp tiền để mua sắm sách vở, bút cho các em.” Cô Bình quê ở dưới xuôi, chồng bộ đội, vào dạy ở bản Bu được 13 năm, thương các cháu thiếu thốn đủ bề, cô xin dựng căn lều tranh bên bìa núi “cắm” tại bản luôn để tiện việc dạy học. Những ngày nghỉ hè, cô dạy bồi dưỡng các em miễn phí, thậm chí xoá mù cho cả người già. Già Làng La Văn Khánh nói: “Cô giáo Bình như ngọn nến ngời sáng trên đỉnh Pù Xam Liệm, người Đan Lai biết ơn lắm.”

767261_small_64842.jpg
 Cuộc sống của người dân bản Bu chủ yếu là sắn.

Trưởng bản Vi Thanh Ban tiếp chuyện: Bản Bu có 149 hộ (740 nhân khẩu) nhưng đất canh tác lúa chỉ có 5,6 ha. Thiếu đất khai thác ruộng lúa và thiếu đất nương rẫy theo quy hoạch nên bản Bu quanh năm thiếu đói trầm trọng từ 8-10 tháng. Chiến sĩ biên phòng Lê Văn Tạo - Đồn Châu Khê nói: Do điều kiện khó khăn, thiếu lương thực, dân bản Bu lại du cư, tiến gần vào vùng lõi của VQG Pù Mát thành lập thêm bản mới với hàng chục hộ dân, nguy cơ xâm hại rừng đặc dụng rất cao, dễ bị lâm tặc mua chuộc để phá rừng. Tình hình “nóng” lắm nên anh em biên phòng đặt cho bản mới cái tên “Khe Nóng”.
 
Trung tá Vũ Viết Lương - Đồn phó Đồn biên phòng Châu Khê, cho hay: Đồn biên phòng Châu Khê thành lập năm 2008, (tách ra từ Đồn biên phòng 555 xã Môn Sơn) đứng chân ven khe Choăng. Đơn vị quản lý 24 km đường biên giới giáp Lào ngoài việc tuần tra biên giới thì ngay từ ngày thành lập, Đồn đã tích cực giúp dân bản phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân bản khai hoang đất bãi trồng ngô, lúa. Đất ven khe suối tuy rất ít nhưng trước đây bà con đều bỏ hoang hoá, bộ đội biên phòng đã vận động, cùng với dân khai hoang được hơn 5,6 ha lúa. Ban đầu người dân không tin được cây lúa mọc được dưới nước, nhưng đến vụ thu hoạch, lúa chín vàng trĩu hạt ai cũng sướng cái bụng.
 
Trong chương trình “mái ấm biên cương,” Đồn biên phòng Châu Khê đã dựng được khá nhiều ngôi nhà đại đoàn kết cho gia đình chị La Thị Chương, Lô Văn Mươi, La Văn Mạnh, La Văn Quỳnh, La Văn Linh, Lô Văn Tuấn. Ngoài số tiền được hỗ trợ 15 triệu đồng/căn thì các chiến sĩ biên phòng phải bỏ công sức ra giúp đỡ như làm mộc, dựng nhà, thưng ván lợp tôn. Trong năm 2010, Đồn biên phòng Châu Khê đã xin được kinh phí hỗ trợ cho 5 hộ dân phát triển mô hình nuôi lợn thịt. Mỗi hộ được vay 5 triệu đồng, Đồn trực tiếp đứng ra mua con giống, xuống từng hộ dân hướng dẫn cho bà con làm chuồng trại, quy trình chăm sóc.
 
Anh Vũ Viết Lương – Phó Đồn biên phòng luôn day dứt, làm sao bà con bản Bu được Nhà nước quan tâm hơn nữa để xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là cần phải có đất lúa để bà con canh tác, và giao khoán rừng cho bà con khoanh nuôi bảo vệ tăng thêm nguồn thu nhập. Các cấp ngành cần khẩn trương có kế hoạch vận động bà con ở bản mới Khe Nóng quay về sinh sống tại bản cũ để giảm thiểu nguy cơ xâm hại rừng đặc dụng.


Văn Trường