Nhà báo Lê Duy Quế quê ở Nghi Lộc, Nghệ An. Tốt nghiệp xuất sắc khoa vô tuyến điện Trường Đại học Bách khoa, năm 1963, anh được tuyển chọn về công tác ở Thông tấn xã Việt Nam, trở thành cán bộ quản lý kỹ thuật hệ thống điện báo.
Năm 1964, Đế quốc Mỹ ồ ạt mở rộng chiến tranh ngăn chặn miền Bắc chi viện cách mạng giải phóng miền Nam. Từ bấy giờ, đặc khu Vĩnh Linh, Quảng Bình trở thành tuyền đầu chi viện sức người, sức của cho chiến trường từ Trị - Thiên vào Đông Nam Bộ. Đánh giá cao tầm quan trọng ảnh hưởng tuyên truyền khu vực Nam Khu 4, Tổng xã quyết định thành lập phân xã đặc biệt cắm chốt tại Quảng Bình - Vĩnh Linh. Nhà báo Nguyễn Văn Thuyên được chỉ định phụ trách phân xã. Cùng phóng viên Thế Thông, Hữu Thoan, Hữu Lương, Lê Duy Quế hăm hở lên đường vào tuyến lửa.
Thị xã Đồng Hới bị bom san phẳng. Hậu cứ phân xã chuyển lên Vực Quành nhưng vẫn nằm trong tầm bom tọa độ. Lê Duy Quế đề xuất không sinh hoạt, làm việc chung một hầm. Mỗi người đào thêm một hầm, nối với trung tâm bằng đường hào chữ Chi. Anh dựng thêm hầm bảo vệ thiết bị truyền tin cách xa nhau, mỗi hầm có rãnh thoát nước, phòng khi gặp mưa, máy móc không bị ẩm ướt. Để bảo vệ tọa độ phát sóng không bị ra - đa của Mỹ tìm kiếm, phát hiện, Lê Duy Quế tự lập mã vùng, phiên hiệu, thay đổi giờ phát theo quy ước bí mật với Tổng xã. Giải pháp bảo mật hoạt động phát sóng trong mặt trận của Lê Duy Quế, ít lâu sau trở thành bài học phổ biến cho cơ quan Thông tấn xã Giải phóng từ Trị - Thiên vào tận đồng bằng Sông Cửu Long.
Năm 1967 - 1968, phân xã phải chấp nhận thiếu thốn lương thực, thực phẩm, ưu tiên khẩu phần ăn cho đơn vị chiến đấu, bảo đảm giao thông. Trong tình cảnh đói cơm, nhạt muối, dè sẻn từng que diêm, Lê Duy Quế bao giờ cũng là người đầu tiên san sẻ, nhường nhịn. Anh chăm chút đồng nghiệp trước khi họ ra trọng điểm từ bi đông nước đến bánh lương khô 702, rồi túi cứu thương. Tận dụng đai thép hòm đạn, anh làm kẹp rút quai dép cao su cho cả phân xã. Mấy ống pháo sáng nhặt được, anh cặm cụi cắt, dũa, gò thành những hộp đèn phòng không thắp cồn và mấy chiếc ca uống nước. Anh tỉ mẩn khắc lên vỏ ca nhôm dòng chữ "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".
Sống, chiến đấu giữa tọa độ lửa ròng rã gần bốn năm, Lê Duy Quế từng nói với đồng nghiệp: "Chúng mình chẳng khác gì một thỏi thép, bị bom, đạn quăng quật nung cháy biết bao lần mà vẫn dẻo dai, rắn rỏi". Từ cái tọa độ lửa ấy, phân xã và Lê Duy Quế đã làm sáng lên chiến công một Quảng Bình đi đầu xây dựng thế trận vận tải nhân dân; một Vĩnh Linh lũy thép với địa đạo Vĩnh Mốc làm điểm tựa cho Cồn Cỏ anh hùng và tên tuổi các tập thể anh hùng Binh trạm 1, Binh trạm 12, tiểu đoàn 52 vận tải ô tô, tiểu đoàn 25 công binh, tiểu đoàn 20 pháo cao xạ và 307 cá nhân xuất sắc đoàn 559.
Ngày hôm ấy, 31 tháng 7 năm 1967, Đoàn vận tải Quang Trung (mật danh Bộ tư lệnh Trường Sơn) phát động chiến dịch xuất quân vận chuyển mùa khô 1967-1968. Hơn 520 xe nặng hàng từ Quảng Bình lần lượt nhập tuyến Tây Trường Sơn. Lê Duy Quế háo hức vào phiên trực phát tin."Chiến dịch vận tải vì miền Nam ruột thịt". Mặc tiếng máy bay lồng lộn, gầm rít, vách hầm rung bần bật sau mỗi loạt bom, Lê Văn Quế vẫn điềm tĩnh gõ đều cần Ma - Níp.
Bất ngờ, một quả bom rơi xuống khu hầm đặt máy phát sóng. Chưa tan khói bom, lực lượng cứu thương đã lao tới đào bới. Nâng được khung hầm lên, họ phát hiện thi thể Lê Duy Quế đang ôm chặt máy phát vô tuyến mà thường ngày anh vẫn bảo đấy là "trái tim của Phân xã". Đội cứu thương trào nước mắt khi thấy bàn tay phải của Lê Duy Quế vẫn còn đặt trên cần Ma - Níp. Anh như muốn níu giữ mạch sóng trước giây lát trái tim ngừng đập. Người phụ quay phát điện thoát chết nhờ tấm thân Lê Duy Quế che chắn cửa hầm, hứng toàn bộ sức ép quả bom.
Một ngày tháng Bảy, tôi tìm gặp thân nhân nhà báo - liệt sĩ Lê Duy Quế ở nhường Hà Huy Tập, Thành phố Vinh. Trong căn nhà người con trai liệt sĩ, Đại tá công an Hồ Văn Hiến, bố vợ con trai nhà báo Lê Duy Quế ngậm ngùi nhắc về anh. Từng là người lính An ninh miền Nam, nhiều lần chôn cất đồng đội, thấm thía nỗi đau mất mát trong chiến tranh, mấy năm liền ông sốt sắng, tận tâm cùng con rể tìm kiếm, rồi cất bốc, đưa di hài nhà báo Lê Duy Quế về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Vinh. Giữa ngàn ngạt, rưng rưng khói hương, di ảnh, vẫn còn đó trái tim chưa ngừng đập vì làn sóng phát đi từ "tọa độ chết" thời máu lửa đã góp phần vì mạch sống yên bình hôm nay.