(Baonghean) - Cách đây 13 năm (năm1997), các chuyên gia của VQG Pù Mát ( Nghệ An) đã từng chụp được bức ảnh nổi tiếng bằng bẫy ảnh loài hổ tự nhiên giữa đại ngàn Pù Mát. Kể từ đó đến nay loài hổ dường như chìm vào quên lãng. Nhưng mới đây đoàn cán bộ của VQG Pù Mát lại bắt gặp những dấu chân hổ ở khu vực Khe Chát. Với trí tò mò, chúng tôi quyết tâm xuyên đại ngàn, dẫu không tìm được “ông ba mươi” thì cũng mong tìm được dấu chân…

Gặp dấu chân hổ ở Khe Chát

Theo các cụ cao niên ở xã vùng đệm Châu Khê huyện Con Cuông ( Nghệ An), thì loài hổ (tiếng địa phương gọi là khái) có lãnh địa khá rộng tại vùng rừng già Khe Chát, vùng lõi của VQG Pù Mát. Sở dĩ “ông ba mươi” thường trú ngụ tại đây vì khu rừng này cây cối rậm rạp, có dòng Khe Chát quanh năm nước trong xanh. Thú móng guốc như lợn rừng, hươu, nai, mang, bò rừng, sơn dương thường tìm về uống nước. “Ông ba mươi” cứ nấp sẵn trong bụi, chờ cơ hội để bắt mồi. Hôm vào đồn biên phòng Châu Khê và Trạm QLBVR bản Bu đặt vấn đề với các anh là muốn vô đại ngàn tìm hổ, ai cũng phì cười. Làm sao mà gặp được hổ, chúng tôi tuần rừng cả đời chưa bao giờ gặp hổ, may thì gặp được dấu chân chúng uống nước. Dẫu là chuyện viễn vông, nhưng kết hợp chuyến tuần rừng, các anh kiểm lâm và bộ đội biên phòng Châu Khê đã cho chúng tôi cùng đi theo để thoả mãn trí tò mò. Cắt dông núi ngay từ dòng khe Bu, chúng tôi luồn rừng tìm về khe Chát, núi chồng lên núi. Phải tới 2 ngày trèo đèo, lội suối mới tới. Đêm ấy ngủ tại Khe Chát, mưa lộp bộp trên những tấm tăng, củi đốt cháy rực rỡ trong đêm. Tiếng gió đại ngàn gầm gào như những con hổ đang gầm vang đâu đây trong rừng già hoang vắng. Sáng thức giấc, những tán lá non xanh còn đọng những giọt sương long lanh và tinh khiết đến lạ kỳ. Anh Lê Đình Đô -Cán bộ VQG Pù Mát thả bộ xuống khe Chát xách nước, bỗng hét lên. Dấu chân hổ ! mọi người chạy lại xem thì thấy 3 - 4 dấu chân, hằn in 5 móng vuốt vào đất sát dòng khe Chát. Anh Đô hoảng hồn, hoá ra mình đi tìm hổ không được, nhưng lúc đêm nó lại đi qua lán nghỉ của mình để xuống khe uống nước. May mà đốt lửa cả đêm không thì hậu quả khôn lường.

767211_small_64785.jpg
 Hổ tự nhiên được chụp qua bẫy ảnh ở VQG Pù Mát.

Già La Văn Xuân ở Châu Khê, uống hết bát nước chè đặc quánh hơi nóng, nheo mắt kể: Hồi sức còn khoẻ như cây lim, đi hết rừng xa đến rừng gần, theo kinh nghiệm đúc rút tui được biết, hổ đực thường đánh dấu lãnh địa của mình bằng cách dùng móng cào vào đất, hoặc tiểu tiện vào các gốc cây. Hổ thường sống đơn lẻ nhưng lại di chuyển rất nhanh, mỗi đêm có thể đi xa hơn 40 km đường rừng, và bơi rất tốt. Hồi bé tôi đã từng thấy hổ bơi trong mưa lũ ở khe Chát, mùa sinh sản thường tháng 10 - 11, mang thai chừng 3 tháng là đẻ, mỗi lứa đẻ 2 - 4 con, mỗi năm đẻ 2 - 3 lưá. Ngày ấy hổ còn nhiều, nửa đêm người đi rừng ở cách xa Khe Chát vẫn nghe giọng nó gầm vang. Hổ là loài vật khôn ngoan, lại rất sợ người, chúng biết loài người luôn mang theo vũ khí lợi hại. Gặp người đi giữa rừng một mình, hoặc ngủ quên thì chúng mới tấn công. Thời kháng chiến chống Mỹ, vùng đệm ở khu vực bản Bu vẫn nguyên sinh nên ban đêm hổ hay vào bản bắt lợn, bò ăn thịt. Đêm nào người dân cũng đốt lửa, khua chiêng, gõ mõ, xua đuổi chúng.
 
Hãy hành động để bảo vệ loài hổ 
 
Được biết cả thế giới chỉ còn khoảng hơn 3.200 con hổ trong tự nhiên. Tiểu vùng sông Mê Kông rộng lớn còn 350 con. Cả thế giới có 8 phân loài, nhưng 3 phân loài đã bị tuyệt chủng. 5 phân loài còn lại là hổ Ấn Độ, hổ Đông Dương, hổ Sumatra, hổ Nam Trung Hoa, hổ Xiberi. Riêng tại Việt Nam chỉ còn chừng 30 cá thể (hổ Đông Dương). Các nhà khoa học cảnh báo, hổ có thể tuyệt chủng trong vòng 12 năm tới. Theo các nhà điều tra, nghiên cứu và lập dự án bảo tồn hổ (Dự án lâm nghiệp xã hội và bảo tồn thiên nhiên) thì loài hổ ở Pù Mát đang còn khá cao, khoảng trên 10 cá thể. Trong các cuộc điều tra họ đã gặp được nhiều nhóm thợ săn và người dân nắm bắt được nhiều thông tin phong phú. Ông La Văn Báo- người Đan Lai ở bản Búng kể: Tháng 1 năm 1987, một con hổ đi theo khe Pật về bắt chó của dân bản bị dính bẫy ở Khe Chát. Năm 1990 một con hổ đã bị bắn chết tại Pù Mát, đoàn khảo sát đã ghi nhận được 2 vuốt hổ, và một đốt xương ngón số 3 chân sau. Ông Vi Văn Khuyên, Lô Văn Hoài ở Bãi Xa (huyện Tương Dương) cho hay: Tháng 5/2000 đã thấy hổ ăn thịt một con sơn dương nặng khoảng 30kg tại khe Phai. Nhóm thợ săn ở Tùng Hương, Tam Quang và Tam Hợp (Tương Dương) tiết lộ: Cuối năm 2000 nhóm thợ săn ở Chi Khê (huyện Con Cuông) đã bắn chết 1 con hổ tại khe Bu. Qua kết quả điều tra thực địa các nhà nghiên cứu đã đưa ra thêm thông tin. Đối với bò tót hầu như không gặp dấu chân, có thể loài này đã di chuyển sang biên giới Việt - Lào hoặc đã bị thợ săn bắn chết.

Loài hổ hiện nay càng đứng trước nguy cơ bị tận diệt của những kẻ săn bắn, bẫy thú rừng.  Hiện tại, quanh vùng đệm VQG Pù Mát vẫn lén lút nhiều nhóm người vào đại ngàn Pù Mát để bẫy thú, săn thú. Nhóm thợ săn này nhiều nhất là ở các bản Trung Chính, Yên Khê (Con Cuông), Tùng Hương (Tương Dương)… Họ coi nghề này là nghề mưu sinh, mỗi chuyến đi săn và bẫy thú, họ ở trong rừng rậm cả tháng trời, khi có “hàng” họ lại ra bán rồi lại âm thầm, bí mật vào rừng sâu. Và trong đời luồn rừng lội suối săn bắn thú, họ vẫn sướng nhất là bẫy được hổ, vì giá trị kinh tế rất cao. Chẳng thế mà các “đại gia” ở khắp nơi đến tận bản làng ra giá, cứ săn được “ông ba mươi” là “vác” 3 tỷ đồng “chồng” ngay tại ngõ. Nhiều thợ săn bất chấp gió mưa, sốt rét rừng, bằng mọi cách săn được “ông ba mươi” để đổi đời. 
 
Anh Xuân - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Pù Mát cho biết: Dân bẫy thú rừng chuyên nghiệp thường sử dụng loại bẫy lao để bắt các loài thú lớn. Bẫy lao có mũi tên nhọn hoắt to bằng “đòn xóc” gánh lúa. Từ xa thú rừng “vấp” phải dây “cò” là “đòn xóc” bắn ra lao vun vút cắm phập vào cơ thể thú. Bất kể thú lớn đến mấy như bò tót, hổ trúng loại “đạn” này cũng chết ngay tại chỗ. Vì thế, đi rừng tuần tra anh em cứ phải dò dẫm nhìn trước, ngó sau đề phòng dẫm phải bẫy. Và cố dò để gỡ hết bẫy trong rừng, cứu các loài thú đang bị tận diệt, đặc biệt là loài hổ đang bị truy sát gắt gao.
 
Săn bắn là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của loài hổ, chưa kể là tác động của con người như đốt nương làm rẫy, khai thác lâm sản phụ như tre, nứa… không những làm giảm diện tích mà còn mất sự yên tĩnh, sinh cảnh của hổ và các loài thú móng guốc. Vì vậy các nhà nghiên cứu điều tra khoa học đã có những giải pháp đề xuất “Bảo tồn hổ và con mồi của hổ”. Phải giữ được trạng thái sinh cảnh. Các khu vực cần ngăn chặn tuyệt đối sự xâm nhập của con người nơi hổ thường sinh sống. Toàn bộ lưu vực khe Búng, khe Tun, lưu vực khe Bu từ bản Keng Cấp trở vào, khu vực khe Thơi… Để làm được điều này VQG Pù Mát phải tăng cường công tác tuần tra, ngăn chặn vào rừng của con người. Vận động nhân dân các bản Khe Búng, Tùng Hương chấm dứt việc chăn thả trâu tự do trong các thung lũng, để tạo điều kiện cho nai, hoẵng, lợn rừng trở lại. Bằng mọi biện pháp, từ tuyên truyền đến thực hiện nghiêm pháp luật chống săn bắt động vật rừng, đặc biệt ngăn chặn triệt để các hoạt động săn bắt động vật hoang dã trong VQG Pù Mát. Cần phải có cam kết giữa chính quyền và các thợ săn thuộc địa bàn các xã lân cận như xã Môn Sơn, Trung Chính (Yên Khê) huyện Con Cuông, xã Tam Quang, Tam Hợp huyện Tương Dương với UBND các huyện và lãnh đạo VQG Pù Mát về chấm dứt săn bắt động vật hoang dã. Cần thực hiện ngay chương trình bảo tồn, có sự tham gia của người dân ở bản Khe Búng vì vùng này là nơi tập trung các loài thú móng guốc, nhờ có mỏ muối ở Tùng Cằm. Sự phong phú nguồn thức ăn đã hấp dẫn đối với hổ và các loài thú ăn thịt khác.
 
Hãy chấm dứt ngay săn bắn động vật hoang dã, và cần hành động để cho loài hổ con đường sống, bởi theo cảnh báo của các nhà khoa học, hổ có thể tuyệt chủng trong khoảng 12 năm tới.


Văn Trường