Tuy là năm đầu tiên tổ chức nhưng Cuộc thi thiết kếbài giảng E-learning 2021 của Trường Đại học Vinh đã tạo được nhiều dấu ấn mạnh mẽ với những bài giảng được đánh giá cao về chất lượng, góp phần nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học; đồng thời, tôn vinh trí tuệ, sức sáng tạo của các nhà giáo trong đổi mới nội dung và đổi mới phương pháp dạy học.
Tiên phong đổi mới vì học sinh, sinh viên
Cuộc thi đã trở thành một sân chơi của các nhà giáo đã và đang giảng dạy trong ngành Giáo dục. Không chỉ thu hút các thầy, cô giáo trẻ tham dự, nhiều thầy, cô giáo nhiều năm kinh nghiệm cũng tham gia biên soạn và gửi bài dự thi.
“Xác suất có điều kiện” là tên bài giảng được PGS. TS Lê Văn Thành -Khoa Toán học, Trường Sư phạmdành nhiều tâm huyết trong quá trình thực hiện. Trước khi đi vào bài học, thầy giáo Lê Văn Thành cũng đã có những giới thiệu đơn giản để người học có thể hiểu được thế nào là xác suất và việc có thể áp dụng được kiến thức bài học vào các vấn đề của thực tiễn. Đơn giản như, căn cứ vào độ nhạy và tỷ lệ dương tính giả của xét nghiệm PCR, có thể tính được khả năng để một người bị nhiễm Covid-19 là bao nhiêu khi có kết quả xét nghiệm là dương tính, từ đó có thể cân nhắc việc có cần thiết hay không xét nghiệm PCR trong cộng động để tiết kiệm chi phí. Tương tự, khi một người trở về từ vùng dịch nhưng có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, ví dụ trong bài giảng cho thấy khả năng những người này không nhiễm Covid-19 là quá 99%. Những kiến thức này có thể giúp ta quyết định có cần thiết cách ly tập trung những người này hay không, nhằm tránh hiện tượng lây nhiễm chéo và tốn kém về kinh tế.
Năm 2021 là năm thứ 17, PGS.TS Lê Văn Thành công tác tại Trường Đại học Vinh. Mặc dù đã có kinh nghiệm bề dày trong công tác giảng dạy nhưng thầy cũng cho rằng, đây là thời điểm khó khăn nhất khi toàn ngành Giáo dục phải chuyển sang dạy học bằng hình thực trực tuyến. Cá nhân thầy, khi mới làm quen với phương pháp này cũng gặp những trở ngại trong việc phải thay đổi cách soạn giáo án, thiết kế bài giảng cho phù hợp với hình thức dạy học mới. Về phía người học, trong điều kiện thiết bị học tập chưa đồng bộ và chất lượng đường truyền Internet chưa tốt cũng là những cản trở rất lớn trong quá trình tiếp thu bài học.
Từ thực tế này, khi triển khai bài giảng E-learning, thầy giáo Lê Văn Thành đã cố gắng sử dụng các phần mềm mã nguồn mở và thiết kế bài giảng sao cho vừa linh hoạt, dễ hiểu nhưng vẫn có thể truyền tải được nội dung sâu sắc của bài học.
Qua thực tế thiết kế bài giảng, thầy giáo Lê Văn Thành cũng cho biết: Đây là một trải nghiệm rất đặc biệt đối với tôi bởi từ quá trình thực hiện tôi đã biết thêm được rất nhiều kiến thức để thiết kế một bài giảng E-learning, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin. Chúng tôi cũng đã học được rất nhiều từ đồng nghiệp của mình và đây là một “sinh hoạt chuyên môn” rất hữu ích.
Việc thiết kế những bài giảng công phu, dễ hiểu, dễ vận dụng cũng là trách nhiệm của người giáo viên giúp cho người học học tập một cách hiệu quả hơn, đặc biệt là khi hiện nay việc học online sẽ có thể còn phải kéo dài. Với những nỗ lực, cố gắng, bài giảng của PGS.TS Lê Văn Thành cũng đã được Ban tổ Tổ chức cuộc thi đánh giá cao và trao giải Nhất cho bài giảng xuất sắc nhất.
Nhóm tác giả gồm TS. Ngô Thị Như Thơ, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, TS.Võ Văn Đăng - Khoa Giáo dục Thể chất cũng đã được trao giải Nhất với bài giảng “Sử dụng lời nói phi ngôn ngữ và phi ngôn ngữ trong trình bày báo cáo”. Đây là nội dụng bài học nằm trong học phần “Nhập môn ngành Sư phạm” và qua cách trình bày dễ hiểu, bài giảng đã giúp các sinh viên hoàn thành chuẩn đầu ra và hình thành thêm các kỹ năng giao tiếp thông qua hoạt động nhóm và kỹ năng thuyết trình.
TS. Ngô Thị Như Thơ cũng chia sẻ: “Với bài giảng này chúng tôi sẽ hạn chế được những nhược điểm của dạy học trực tuyến, tăng sự tương tác của sinh viên, tạo được phong cách nghiêm túc của sư phạm nhưng vẫn vui vẻ”.
Khích lệ sự sáng tạo trong dạy và học
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc dạy và học của Trường Đại học Vinh trong gần 2 năm nay. Riêng tại thời điểm này, dù đã bước vào năm học mới được gần 3 tháng nhưng gần 40.000 học sinh, sinh viên và học viên của nhà trường vẫn phải tổ chức học trực tuyến.
Để nâng cao chất lượng dạy và học trong bối cảnh mới và hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt "Toàn ngành Giáo dục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học", Công đoàn Trường Đại học Vinh đã phát động tổ chức cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning dành cho tất cả giáo viên, giảng viên của nhà trường với nhiều bậc học khác nhau.
Cuộc thi diễn ra trong thời gian rất khẩn trương nhưng đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, giáo viên, giảng viên trong toàn trường và thực sự tạo ra một “luồng gió mới” để các nhà giáo được thể hiện được tài năng sư phạm. Để tăng tính tương tác, hiệu quả và khách quan, Ban Tổ chức cuộc thi đã ứng dụng mạng xã hội để giới thiệu về các bài giảng dự thi và xem đây là một kênh thông tin để lắng nghe và thăm dò các ý kiến đóng góp cho chương trình.
Qua các vòng thi sơ loại, từ 75 bài dự thi, Ban Tổ chức đã chọn được 32 bài dự thi vào vòng chung khảo để trao 4 giải Nhất, 5 giảiNhì, 12 giải Ba và 11 giải Khuyến khích.
Ngoài ra, để khích lệ và cổ vũ phong trào, một số bài giảng cũng đã được trao giải Bài giảng E-learning đạt cấp độ 2 và Giải Sản phẩm được nhiều bình chọn trên mạng xã hội.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, mặc dù là năm đầu dự thi nhưng hầu hết các sản phẩm dự thi - Bài giảng E-Learning là các sản phẩm được thiết kế đã và đang được sử dụng trong quá trình tổ chức dạy học ở các cấp học, bậc học của Trường Đại học Vinh (tiểu học, THCS, THPT, đại học, sau đại học) nên có tính ứng dụng thực tiễn rất cao. Bên cạnh đó, phần lớn bài giảng đều có sự đầu tư về công nghệ, thể hiện năng lực tự lựa chọn và sử dụng linh hoạt, hiệu quả một số công cụ/nền tảng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến, âm thanh, hình ảnh khá tốt, thể hiện sinh động, sáng tạo và hấp dẫn trong hình thức bài giảng.
Ngoài ra, tất cả các bài giảng tham gia đảm bảo tính khoa học, chính xác về nội dung, cách xử lý nội dung và thiết kế phù hợp với việc tự học của học sinh và phù hợp với đối tượng (học viên, sinh viên, học sinh THPT, HS tiểu học).
Đồng thời đã chú trọng hài hòa giữa phần thuyết giảng của giáo viên, giảng viên và hoạt động học tập của người học, các hoạt động học tập thể hiện việc điều chỉnh tổ chức dạy học trực tuyến theo mô hình học tập kết hợp (Blended Learning), tăng thời lượng làm việc chủ động của học sinh, giảm thời lượng kết nối thời gian thực.
Một điểm nổi bật nữa là các bài giảng đều có liên hệ thực tiễn phong phú, không những cung cấp kiến thức mà còn giúp người học thấy được ý nghĩa, ứng dụng của nội dung kiến thức, lời giảng rõ ràng, ngôn ngữ chuẩn mực, tương tác hiệu quả. Nhiều bài giảng chất lượng rất tốt, thể hiện chuyên môn nghiệp vụ cao và sự chuyên nghiệp, tâm huyết và khả năng thích ứng nhanh của giáo viên, giảng viên.
Thành công của cuộc thi còn ở sự lan tỏa bởi sau cuộc thi này những bài giảng được trao giải sẽ là những bài giảng mẫu để tất cả giáo viên, giảng viên trong nhà trường có thể học tập và ứng dụng. Qua cuộc thi này, đội ngũ giáo viên của nhà trường cũng có cơ hội được phát huy tài năng và thể hiện được trách nhiệm của mình đối với học trò và công tác dạy và học.
Cuộc thi Thiết kế bài giảng E-learning năm học 2021-2022 có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh hiện nay, thực hiện hiệu quả Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; với mục đích thực hiện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên, giáo viên.
Qua cuộc thi, hoạt động giảng dạy được đẩy mạnh ứng dụng CNTT, góp phần xây dựng kho học liệu số có chất lượng để phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy - học, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, đây cũng là một sân chơi để khuyến khích động viên giảng viên, giáo viên tiếp tục thực hiện chủ trương của nhà trường trong việc xây dựng, thiết kế Bài giảng E-learning, tăng cường giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa giảng viên, giáo viên của các trường, khoa, viện; tôn vinh trí tuệ, sự sáng tạo của các nhà giáo trong đổi mới phương pháp và hình thức dạy học”.