Đây là nội dung thuộc Mô đun 5, bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán trong khuôn khổ của Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) năm 2021.

bna_anh_026422591_24112021.jpgGiáo viên các trường phổ thông tham dự khóa bồi dưỡng qua hệ thống SmartLMS của Viettel. Ảnh: Hoàng Nam

Việc tư vấn, hỗ trợ cho học sinh phổ thông không mới và đã được triển khai nhiều năm. Đặc biệt, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT quy định về công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh về tâm lý học đường và các Nhà trường đã triển khai khá tốt trong thời gian vừa qua; giúp học sinh phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp những khó khăn về tâm lý và tạo nên môi trường học tập lành mạnh, an toàn.

TS. Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban Quản lý Chương trình ETEP Trường Đại học Vinh cho biết: Việc triển khai mô đun 5 trong điều kiện hiện nay đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông vô cùng cần thiết. Hiện nay, trước áp lực về dịch bệnh, sự thay đổi phương thức học tập đối với học sinh rất lớn; tình trạng bạo lực học đường và các vấn đề khác liên quan đến tâm lý học sinh cần có sự trợ giúp đầy đủ để học sinh có sức khỏe, tinh thần tốt và hạnh phúc.

TS. Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu trong buổi khai mạc khóa bồi dưỡng. Ảnh: Hoàng Nam

Để triển khai hoạt động bồi dưỡng, từ ngày 14/10 đến ngày 16/10/2021, 87 giảng viên sư phạm chủ chốt của Trường Đại học Vinh tham dự Hội thảo - Tập huấn về chuyển giao tài liệu mô đun 5 bồi dưỡng giáo viên phổ thông.

Năm 2021, Trường Đại học Vinh bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông cốt cán 3 mô đun: 4, 5 và 9. Giáo viên phổ thông cốt cán là các giáo viên Trung học phổ thông, Trung học cơ sở và giáo viên Tiểu học được lựa chọn của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Với thời lượng 16 ngày, giáo viên phổ thông cốt cán tham gia bồi dưỡng theo quy trình đảm bảo chất lượng bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán do Ban quản lý Chương trình ETEP - Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành gồm: 7 ngày tự học trên hệ thống học tập trực tuyến (LMS) với sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm chủ chốt trước khi tham gia bồi dưỡng trực tiếp; 2 ngày bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo trên hệ thống SmartLMS của Viettel; 7 ngày nghiên cứu và tự học để hoàn thành nội dung học tập mô đun.

TS. Nguyễn Lâm Đức - Giảng viên Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh trong giờ lên lớp. Ảnh: Hoàng Nam

Trong các ngày 21 - 29/11, các giáo viên phổ thông cốt cán đã và đang tham gia bồi dưỡng 2 ngày trực tiếp qua lớp học ảo trên hệ thống SmartLMS của Viettel. Với sự hướng dẫn trực tiếp của các giảng viên sư phạm chủ chốt Trường Đại học Vinh, đặc biệt đã có kinh nghiệm từ đợt bồi dưỡng mô đun 4 nên các giáo viên phổ thông cốt cán rất chủ động, tự tin trong việc tham gia bồi dưỡng.

Một sản phẩm môn Công nghệ của nhóm giáo viên THPT. Ảnh: Hoàng Nam

Kết thúc 2 ngày bồi dưỡng trực tiếp, các thầy cô giáo tiếp tục 7 ngày nghiên cứu và tự học để hoàn thành nội dung học tập mô đun 5 và chuẩn bị tâm thế để tham gia bồi dưỡng mô đun 9:"Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh tiểu học/THCS/THPT".

Mô đun 9 là mô đun cuối cùng thực hiện bồi dưỡng trực tiếp bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán trong Chương trình ETEP.