Chật vật cảnh trọ học xa nhà của học sinh vùng cao xứ Nghệ
(Baonghean.vn) - Đây là thực tế đang diễn ra ở nhiều trường học tại các huyện vùng cao Nghệ An. Điều này cũng dễ xảy ra nhiều nguy cơ về phòng, chống dịch bệnh Covid - 19, mất an toàn và cả những vấn đề đáng lo ngại của tuổi mới lớn.
24/11/2021 - 07:38
Những dãy nhà xập xệ, thiếu ánh sáng này là khu trọ của gần 1.200 học sinh của Trường THPT Kỳ Sơn. Học sinh trọ học ở đây đều là người dân tộc thiểu số đến từ các bản vùng sâu, vùng xa của huyện. Ảnh: Đức Anh Trong mỗi căn phòng trọ diện tích chưa đến 8m2 thường có từ 3-4 học sinh cùng thuê trọ với mức giá hơn 500.000 đồng/tháng. Số tiền không nhiều nhưng với những học sinh chủ yếu thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo thì để có tiền đi học là điều không dễ dàng. Ảnh: Đức Anh Học sinh Moong Văn Trọng, lớp 10 C4 (nhà ở bản Hạt Tà Vén, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn), cách trường 86km, đường đi lại hết sức khó khăn. Hoàn cảnh nhà Trọng rất vất vả, thuộc diện hộ nghèo. Mỗi tháng đi học ngoài số tiền hỗ trợ của Nhà nước dành cho học sinh người dân tộc thiểu số theo Chế độ 116 (hơn 700.000 đồng/tháng), Trọng được gia đình hỗ trợ thêm 200.000 đồng/tháng. Số tiền ít ỏi này, em phải chắt bóp mới đủ tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền mua sắm sách vở... Ảnh: Đức Anh
Em Hoa Văn Hồng, lớp 10C9 (nhà ở bản Na Nhu, xã Tà Cạ) cũng là học sinh thuộc diện khó khăn. Dù rất ham học nhưng Hồng cũng thừa nhận "chúng em không thể tập trung học được vì phòng quá nhỏ, người đông và không có đủ diện tích để kê bàn". Tranh thủ những giờ các bạn khác lên lớp, Hồng đặt một chiếc ghế tạm và kê sách vở lên giường để học bài. Ảnh: Đức Anh
Trong các dãy phòng trọ thường có cả học sinh nam và học sinh nữ. Các em ở xa gia đình nên sớm làm quen với cuộc sống tự lập. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hệ lụy của tuổi mới lớn. Có những năm, trường học này có hàng chục em bỏ học để lấy chồng, lấy vợ. Việc giữ chân một học sinh nữ là người dân tộc thiểu số thực sự khó khăn bởi ở tuổi này, nhiều em ở các xã vùng cao của huyện Kỳ Sơn đã "theo chồng bỏ cuộc chơi". Ảnh: Đức Anh
Đây là hai học sinh ở bản Hợp Thành (xã Xá Lượng, huyện Tương Dương). Từ năm học này, các em ở bản này đều bị cắt chế độ thôn, bản đặc biệt khó khăn nên các em không được ở bán trú tại trường. Thương học trò, Ban giám hiệu Trường PT DTBT THCS Xá Lượng đã nhường dãy nhà cấp 4 phía sau trường cho các em ở miễn phí. Tuy nhiên, các em phải tự túc việc ăn ở. Cuộc sống xa nhà của những học sinh 13,14 tuổi này rất vất vả, vì mỗi tháng bố mẹ chỉ hỗ trợ khoảng 100.000 đồng. Gạo các em lấy từ nhà, thức ăn chủ yếu là thực phẩm khô. Ảnh: Mỹ Hà Hờ Y Phượng năm nay mới vào lớp 6 nhưng em đã phải tự lập. Bếp ăn ở ngay trong phòng ký túc tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhưng đây là giải pháp duy nhất để những em ở xa như Y Phượng vẫn có thể đi học. Ảnh: Mỹ Hà Mỗi phòng ký túc có 5 học sinh thì mỗi em có một chiếc nồi cơm điện. Nhưng thường thì ở đây, anh lớn sẽ nấu cho các em nhỏ cùng ăn. Bữa cơm của học sinh ở trọ xa nhà thường rất đạm bạc. Thỉnh thoảng các giáo viên lại phải hỗ trợ thêm thực phẩm cho các em. Hiện Khu ký túc xá của Trường PT DTBT THCS Xá Lượng có 32 em đang ở. Trong khi đó, có không ít học sinh hoàn cảnh khó khăn đã phải bỏ học vì không đủ điều kiện để trọ học xa nhà. Ảnh: Mỹ Hà Hiện nhiều trường học ở Nghệ An vẫn đang còn loay hoay với bài toán thực hiện chế độ chính sách cho học sinh bán trú hoặc học sinh trọ học. Gần đây nhất, Trường THPT Kỳ Sơn đã được một doanh nghiệp đầu tư xây dựng 1 nhà cao tầng nội trú cho giáo viên, học sinh. Đây sẽ là tin vui cho học sinh nơi đây và cũng là mơ ước của phụ huynh, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn này. Ảnh: Đức Anh