(Baonghean) - Vượt 20km đường rừng, chúng tôi vào với bản Cằng - điểm sáng văn hoá của xã biên giới Môn Sơn (huyện Con Cuông, Nghệ An) vào những ngày áp Tết. Dọc đường đi hoa mơ nở trắng bìa rừng. Dưới chân núi, bà con đang khẩn trương cấy lúa vụ Xuân. Trên rẫy, những bắp ngô nặng hạt đã theo lưng người gùi về nhà... Đời sống người dân bản Cằng xuân này đã no ấm...
Bản Cằng có 139 hộ với 581 nhân khẩu, trong đó 96% là đồng bào Thái. Trước đây, đời sống của người dân bản Cằng chủ yếu dựa vào nương rẫy, sản xuất theo phương thức lạc hậu nên năng suất kém, hiệu quả kinh tế thấp, do đó dẫn đến đói nghèo. Nay, được sự quan tâm của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự nhanh nhạy của mỗi người dân bản trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KHKT vào sản xuất nên cuộc sống của đồng bào Thái ở bản Cằng ngày càng khấm khá.
Ở những nơi có nguồn nước tưới ổn định, bà con mở rộng diện tích lúa nước, đưa giống lúa lai vào sản xuất nên năng suất mùa màng ngày càng bội thu. Những vùng đất cao thiếu nước chuyển sang trồng màu 3 vụ, những giải đất ven đồi được bà con tận dụng triệt để trồng ngô, đỗ tương, đậu xanh..., năng suất cây trồng đạt từ 30 tạ/ha (năm 2005) lên 57 tạ/ha (năm 2010). Bên cạnh đó, đồng bào Thái ở bản Cằng còn phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá.
Người dân bản Cằng đã biết xây dựng chuồng trại, nuôi nhốt trâu bò, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ. Đến nay, toàn bản có 327 con trâu, 150 con bò và đàn lợn hơn 500 con. Không còn đốt rừng làm rẫy, người dân bản Cằng nhận khoanh nuôi và bảo vệ rừng; trồng keo phủ trống đồi trọc, vừa cải tạo đất rừng, bảo vệ vốn rừng vừa tăng thêm thu nhập. Nhờ đó, đời sống kinh tế của người dân bản Cằng ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn bản giảm xuống còn 58,8% (theo chuẩn mới), thu nhập bình quân đầu người tăng lên 5 triệu đồng/người/năm.
Kinh tế ổn định, người dân tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhà văn hoá bản được xây dựng kiên cố với đầy đủ thiết bị tăng âm, loa máy; đường nội bản được rải sỏi cấp phối với hệ thống cống rãnh thoát nước đầy đủ. Việc học hành của con em trong bản được chăm lo: 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường đầy đủ; nhiều em đang theo học ĐH, CĐ và TCCN. Chi bộ bản Cằng 5 năm liên tục được xếp loại trong sạch vững mạnh tiêu biểu; các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh... được cấp trên tặng nhiều giấy khen.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư” được đồng bào Thái ở bản Cằng hưởng ứng tích cực. Đến nay, toàn bản có 110/141 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (tỷ lệ 78%); 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia và 80% hộ sử dụng giếng nước hợp vệ sinh; 90% hộ có phương tiện nghe nhìn...
Nhằm bảo tồn dân ca, dân nhạc của dân tộc mình, bản đã thành lập “CLB dân ca, nhạc cụ dân tộc Thái bản Cằng” với sự tham gia của 14 thành viên. CLB truyền dạy cho con em trong bản những điệu dân ca Thái cổ, dạy các em cách sử dụng đàn tập tính, tập tang; biết đánh cồng chiêng, biết thổi pí... Vào dịp mừng lúa mới, mừng nhà mới, nhất là dịp Tết đến, Xuân về, bản Cằng lại rộn rã tiếng cồng chiêng, rộn rã tiếng khắc luống, thiết tha điệu dân ca Thái...
Chia tay bản Cằng trong không khí chộn rộn đón năm mới. Đâu đấy hoa đào e ấp nụ phơn phớt hồng, tiếng khung cửi dệt thổ cẩm đưa lách cách, vẻ phấn khởi, hạnh phúc hiện lên trên khuôn mặt mỗi người dân bản Cằng. Sắc xuân đang hiện hữu nơi bản làng biên giới xa xôi....