(Baonghean) -Cái rét cắt da của vùng rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) những ngày cuối năm khiến chúng tôi rùng mình. Vậy mà đâu đó, bên những ngôi nhà tre nứa lụp sụp tại bản Nam Tiến 2 – xã Bảo Nam, có những đứa trẻ chơi đùa trên đất chỉ với manh áo mỏng manh che thân. Hình ảnh ấy, đủ nói lên sự khó khăn vô vàn của người dân nơi đây.

“Các cô cứ đi, rồi sẽ thấy, Bảo Nam cò

n nghèo, nghèo lắm…". Câu nói bỏ dở của ông chủ tịch xã Moong Phò Khánh khiến chúng tôi trăn trở và phải đi tìm lời giải đáp. Con đường dẫn vào các bản làng vắt ngược theo triền núi, chiếc xe máy thỉnh thoảng lại chồm lên khiến người ngôi trên như muốn văng ra.

763499_small_60280.jpgGiã lúa

Bản Nam Tiến 2 tít tắp giữa lưng chừng núi đã hiện ra trước mắt trong làn mây mờ buổi sáng. Sinh tụ giữa bạt ngàn rưng núi, người dân nơi đây không có đất để trồng cây lúa nước. Hàng ngày, họ phải đi bộ 5km vào rừng phát nương, làm rẫy.

Nhưng nương rẫy chỉ làm được một mùa trong năm, thời tiết không thuận lợi, cây ngô, cây lúa trên nương cũng không cho nhiều năng suất. Sau mùa thu hoạch không lâu, nhiều gia đình cũng hết nguồn lương thực. Cảnh nghèo đói, được bữa trưa lo bữa chiều vẫn diễn ra triền miên. Những chái nhà dựng tạm để đựng ngô, lúa thì giờ đây đã trống hoác. Mùa giáp hạt lại đang tới gần !

Nam Tiến là bản thuần của đồng bào dân tộc Khơ Mú, chỉ có 44 hộ với 233 nhân khẩu nhưng có tới 43 hộ đói nghèo. Nhà cửa chủ yếu là nhà tranh tre tạm bợ. Thu nhập bình quân của người dân nơi đây chỉ đạt 150.000 đồng /người/tháng. Mọi sinh hoạt đều phải tự cung tự cấp, vì xã chưa có chợ nên người dân Nam Tiến muốn trao đổi hàng hoá cũng phải đi cả ngày trời xuống chợ huyện. Thanh niên trong làng lớn lên dựng vợ, gả chồng và sinh con đẻ cái khiến cho tỷ lệ tăng dân số ở đây đang ở mức cao. Rất ít người ra ngoài tìm việc làm để tăng thu nhập và cải thiện đời sống.

Trên con đường đẫn vào bản, tôi ngạc nhiên khi thấy rất đông gia súc, gia cầm của bà con thả rông. Anh bạn cán bộ văn hoá xã (người dẫn đường chúng tôi) phân trần: "Mặc dù đã có chủ trương của nhà nước phải nuôi nhốt và di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà ở, nhưng ở đây, tình trạng chăn thả gia súc tự do vẫn còn phổ biến lắm, dịch bệnh xẩy ra thường xuyên, và ô nhiễm môi trường đang trở nên trầm trọng…". Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, chăn nuôi mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

Bên cạnh đó, do địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, trạm y tế xã xuống cấp, cán bộ y tế thôn bản hạn chế về trình độ chuyên môn cộng thêm những tập quán sinh hoạt lạc hậu nên tỷ lệ phụ nữ mang thai sinh con tại nhà vẫn còn cao. Việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân chưa được đảm bảo. Trẻ em ở Nam Tiến, sau khi học xong tiểu học tại bản thì nhiều em phải nghỉ học giữa chừng vì đường xa, điều kiện gia đình khó khăn.

Nam Tiến 2 có chung hoàn cảnh của xã chưa có điện nên việc tiếp thu ánh sáng văn hoá, thông tin còn gặp rất nhiều hạn chế. Cả bản chỉ có hai gia đình có điều kiện sử dụng hệ thống điện tự phát sáng nhưng mùa này nước suối cạn, chiếc tua bin mini cũng phải nằm trơ trên dòng nước không phát huy tác dụng. Điều đáng mừng duy nhất ở Nam Tiến có lẽ là công trình nước sạch tự chảy từ chương trình 135 của Chính phủ. Bà con không còn phải thấp thỏm nỗi lo thiếu nước như trước đây.

Mùa xuân chậm rãi…

Trên đường rời Nam Tiến, chúng tôi thấy rất đông người dân đứng hai bên bậc cửa dõi theo, anh bạn tôi nở một nụ cười gượng gạo: "Người dân nơi đây rất thụ động trong cách làm ăn, sau mùa thu hoạch trên nương rẫy, hầu như họ chẳng làm gì. Nếu chịu khó vào rừng thu các sản phẩm phụ như măng, chuối rừng, cây đót… thì cuộc sống sẽ đỡ vất vả”.

Những ngày áp tết, khắp các làng trên bản dưới của người Thái, người Mông ở Kỳ Sơn, mọi người đã háo hức chuẩn bị tết. Những bộ váy áo thổ cẩm rực rỡ sắc màu, những cành đào đỏ thắm tô điểm cho mùa xuân nơi miền Tây xứ Nghệ và phiên chợ tết đã tấp nập người mua, kẻ bán… thì người dân Khơ Mú ở Nam Tiến vẫn lặng lẽ bên bậc cửa, trôi châm chạp theo thời gian…

Rời Nam Tiến trong ráng chiều chập choạng, bên sườn núi tiếng mõ trâu nghe mỗi lúc một gần hơn. Nam Tiến lùi xa, trơ lại những khoảng nương rẫy trắng xoá sau mùa thu hoạch.

Mùa xuân đang lặng lẽ về…


Biện Luân