Không giống như chợ Tết miền xuôi chỉ rộn rã trong mấy ngày giáp Tết, chợ Tết vùng cao kéo dài từ đầu tháng 12 (ÂL) cho đến đêm giao thừa. Theo phong tục của người Mông, Tết Nguyên đán là dịp để con dâu báo hiếu trong năm đầu tiên về nhà chồng. Những món quà là chiếc khăn, bộ quần áo, chiếc túi cho tất cả bố mẹ, anh em, họ hàng nhà chồng... (phải trên dưới 20 bộ, chưa kể mua cho mình và trẻ con trong nhà). Đây là một trong những lý do khiến mặt hàng quần áo ở chợ bán rất chạy.
Một mặt hàng phổ biến khác ở chợ Tết vùng cao là lá giong và ống giang. Lá giong rất đẹp, vừa to vừa xanh, ống giang thẳng tắp, xanh biếc, chẻ ra từng sợi mềm và dẻo. Khoảng từ tháng 10 ÂL, người ta đã vào rừng chọn lá giong, chủ yếu là lá giong nếp bởi gói bánh chưng bằng lá giong nếp trộn thêm ít gạo nếp nương hạt to, trong veo thì bánh sẽ xanh và thơm hơn.
Với người Mông, Thái, Khơ mú..., chợ Tết là nơi giao lưu văn hoá, gặp gỡ bạn bè và cũng là nơi bày tỏ tình cảm của mình với người yêu, với anh em họ hàng và với cả bạn bè. Nếu như cuộc sống hiện đại đã và đang làm cho hương vị ngày Tết ở các vùng quê, các thành phố lớn bị mai một đi ít nhiều thì chợ Tết ở Nậm Cắn (Kỳ Sơn) vẫn còn đậm đà bản sắc qua từng sản phẩm, món hàng được bày bán trong chợ.
Chợ Tết Nậm Cắn
Thu Hương - Trần Hải