Với những người miền núi thì món rêu đá không phải điều gì lạ lùng. Đó thực sự là món rau được nhiều người ưa thích. Rêu đá thường mọc bám trên những lớp đá dưới lòng sông và những con suối lớn.

Người miền núi chọn rêu mọc ở những nơi dòng nước xiết, nhìn xuống thấy mặt rêu xanh rờn mà hái. Ở những nơi nước xiết phù sa và rác không đọng lại nên rêu xanh và sạch sẽ.

Những ngọn rêu xanh và dài có khi đến hàng cả sải tay được người ta hái về làm thành món rau/ Không phải mùa nào ta cũng có thể hái rêu đá. Rêu đá chỉ mọc vào khi chớm thu cho đến tháng ba âm lịch thì hết mùa rêu.

763480_small_60069.jpgHái rêu đá trên sông Nặm Nơn - Ảnh: A.V(St)

Để chế biến món rêu đá này cũng có phần hơi cầu kỳ. Phải lựa những ngọn rêu non (thường thì rêu đầu mùa) đem rửa sạch cho ráo nước rồi băm nhỏ trộn với tấm gạo đã giã nhuyễn, kế đó mới đến công đoạn gia vị. Nấu kèm với rêu đá ngoài những gia vị thông thường không thể thiếu "mác khén" có vị như hồ tiêu nên có người quen gọi là "cay tiêu rừng".

Ngoài ra thì lá tỏi cũng rất quan trọng. "Mác khén" và lá tỏi quyện với vị rất riêng của rêu đá tạo thành một món ăn không thể nào quên của người sơn cước. Đó cũng là mùi hương thường gặp trong bữa chiều cùng với khói bếp mái tranh hòa vào sương núi khi vào thu.

Người miền núi dùng món rêu đá như là một thức ăn đặc biệt trong bữa cơm tối cùng với xôi nếp và thịt rừng. Đây cũng là một thứ quà biếu của những người hàng xóm thân thiết dành cho nhau.

Những gia đình hiếu thảo khi đã ra ở riêng cũng thường đem biếu cha mẹ những gói rêu đá đã nấu chín như là một cách thể hiện lòng hiếu kính với bậc sinh thành.

Bây giờ về lại những dòng sông miền sơn cước, những chiếc máy hút cát trên bãi đào vàng đã phá tan sự yên ả ngàn đời của dòng sông. Thế là môi sinh của cua cá, của con người và loài rêu đá cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Rêu đá dần ít đi. Môi trường của rêu bị nhiễm độc, bị làm vẩn đục không còn những khoáng chất tinh khiết nữa nên rêu đá cũng chẳng còn được tươi ngon. Làng bản vẫn yên vui trầm mặc như cổ tích khi vào thu vậy mà thảng hoặc lắm mới thấy một vài người đeo gùi xuống sông hái rêu đá.

Có lẽ không còn bao lâu nữa, món rêu đá chỉ còn trong ký ức.
Hữu Vi