(Baonghean) - Đã có một thời, vùng đất nằm dưới chân núi Puxailaileng thuộc huyện miền núi Kỳ Sơn là lãnh địa của thổ phỉ, ma túy, nơi khói thuốc phiện nhiều hơn mây núi, đời sống người dân thiếu thốn đủ bề. Giờ đây, vùng đất này đã đổi thay nhanh chóng, kinh tế, xã hội phát triển từng ngày, người dân được ăn no, mặc ấm, ốm đau có thầy thuốc chữa trị, trẻ con được đến trường, bóng dáng cây thuốc phiện chỉ còn trong ký ức…
 
images922308_39a.jpgBản nhỏ dưới chân dãy Puxailaileng. Ảnh: Trần Hải
 
Chuyến xe đò từ Thành phố Vinh lên Kỳ Sơn xuất phát khi trời vừa hửng sáng. Mưa phùn, giá lạnh nhưng trong xe ấm áp lạ thường. Đã đi xe khách khắp Bắc chí Nam, qua nhiều vùng miền khác nhau nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên, tôi được nghe nhiều thứ “ngôn ngữ” đến như thế. Chiếc xe khách nhỏ chỉ khoảng ba chục chỗ ngồi nhưng đầy đủ người Kinh, Thái, Mông. Trong không khí rôm rả, thân mật, tôi bắt chuyện với một phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu, cười rất tươi ngồi bên cạnh. Chị tên Già Y Soa ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Chị Soa cho hay mới bán mấy tấn dong riềng, gừng nên xuống chợ Vinh mua sắm ít đồ dùng chuẩn bị đón tết. Đi với chị còn có mấy chị em khác ngồi phía sau, ai cũng rạng rỡ vui tươi. Hẳn ai đã từng nhìn thấy nụ cười của những cô gái, phụ nữ người Mông đều cảm nhận vẻ thật thà, giản dị mà đẹp đến lạ lùng. 
 
Từ Thành phố Vinh lên huyện Kỳ Sơn bây giờ đường nhựa phẳng lỳ, xe chạy êm ru, chỉ cần sáu tiếng đồng hồ tài xế đã đổ khách ở bến cuối cùng là Thị trấn Mường Xén. Tôi quyết định rong ruổi về Puxai để bước chân đỡ hoang hoải. Trời Kỳ Sơn lạnh hơn dưới Vinh nhiều, nhưng không mưa nên đường về xã Na Ngoi khô ráo, nên thơ. Hai bên đường, những bông hoa rừng đua nhau khoe sắc, xa xa là nương lúa vàng óng chờ thu hoạch. Ngày trước từ ngã ba Lưu Kiền, QL7 (thuộc xã Lưu Kiền, Tương Dương) vào Na Ngoi (Kỳ Sơn) phải mất vài ngày đi bộ. Nhưng giờ đây đường sá đã được khai thông, chỉ vài tiếng đồng hồ đi xe máy vượt qua dăm con dốc ngoằn ngoèo là đến được trung tâm ủy ban xã. 
 
Đến Na Ngoi, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt những người khách lạ là những ngôi nhà kiên cố, khang trang nằm bên triền núi, cửa hàng tạp hóa, quán hàng mọc san sát. Người ta tìm thấy ở đây đủ thứ, từ các sản vật bản địa cho đến hàng hóa dưới xuôi lên như quần áo, dày dép, điện dân dụng, công cụ sản xuất… Không chỉ có hàng tạp hóa, xã Na Ngoi còn có quán cà phê, quán ăn, tiệm sửa xe. Nhìn vào những điều ấy cũng đủ biết đời sống người dân đã và đang đổi thay từng ngày. 
 
UBND xã Na Ngoi nằm ngay dưới chân núi Puxailaileng, ngọn núi được mệnh danh là “nóc nhà” xứ Nghệ, quanh năm mây mù bao phủ. Trong cái giá lạnh chiều cuối năm, không khí làm việc ở UBND xã vẫn hết sức nghiêm túc. Mặc dù đang bận rộn với nhiều công việc, nhưng đồng chí Phó Chủ tịch xã Na Ngoi - Xồng Xái Xo vẫn thân mật trao đổi cùng phóng viên. Là người Mông, một thời lính chiến trường nên phong cách nói chuyện của đồng chí Xo rất cởi mở, chân tình. Sau vài câu xã giao, đồng chí phó chủ tịch đọc “chay” một lèo về tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội - an ninh trên địa bàn xã cho chúng tôi nghe. Những con số dài ngoằng, sự kiện chi chít, phức tạp nhưng anh Xo nhớ vanh vách, không một chút ngập ngừng, vướng mắc. Ấy là diện tích ruộng lúa nước hiện tại là 299 ha, lúa rẫy 735 ha, năng suất ước tính đạt 6 tấn/ha; cây gừng 371 ha, năng suất ước đạt 1.855 tấn/ha; cây ngô LVN 10 diện tích 57 ha, năng suất ước đạt 3,5 tạ/sào; cây ngô địa phương 435 ha, năng suất 2 tạ/sào, tổng thu hoạch ước đạt 1.840 tấn; dong riềng 87 ha, tổng sản lượng ước đạt 4.350 tấn; chè tuyết Shan đã trồng được 120 ha, diện tích đang cho thu hoạch bói là 10 ha; khoai sắn, rau đậu khoảng 247 ha, tăng 6 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện nay của xã lên đến 15.875 con, trong đó đàn bò 1.559 con, trâu 1.028 con, dê 295 con, lợn 1.754 con. Xã chỉ có 838 hộ với 5.243 nhân khẩu mà đạt được con số chăn nuôi như thế là một thành tích lớn.
 
Anh Phan Văn Khoa nuôi gà hàng hóa. Ảnh: Triều Dương
 
Quả là những con số đáng vui mừng, phấn khởi cho người dân dưới chân núi Puxai. Giờ đây lương thực không chỉ đủ ăn mà còn được trao đổi, buôn bán lấy tiền cho con cái ăn học, sắm sanh phương tiện, vật dụng đắt tiền trong nhà. Để đạt được những thành tích ấy, người dân, chính quyền xã Na Ngoi hiểu hơn ai khác là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy chính quyền cấp trên, mà trực tiếp tận tình giúp đỡ bà con là các cán bộ, chiến sỹ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4, Tổng đội 10, các chiến sỹ Đồn Biên phòng Na Ngoi. Vượt qua biết bao gian khổ của đường đi, thiếu thốn tình cảm, vật chất, khắc nghiệt của thiên nhiên, những con người nơi địa đầu miền Tây xứ Nghệ vẫn từng ngày, từng giờ bám sát bản làng, cùng giúp đồng bào vượt khó đi lên. 
 
Anh Phan Văn Khoa, Trưởng phòng Kế hoạch Kỹ thuật thuộc Tổng đội 10 TNXP XDKT tỉnh cho biết: “So với các địa phương khác thì Na Ngoi có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho chăn nuôi, trồng trọt. Người dân nếu được sự giúp đỡ về giống, kỹ thuật, cần cù, chăm chỉ làm ăn thì không chỉ no ấm, nhanh chóng thoát nghèo mà còn làm giàu bền vững trên chính mảnh đất của cha ông mình”. Những năm qua, Tổng đội 10 đã cung cấp rất nhiều cây giống, vật nuôi miễn phí cho người dân xã Na Ngoi, tận tình hướng dẫn về kỹ thuật, xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao.
 
Những năm trước đây, sự học ở Na Ngoi xa vời như mây mù bao phủ vùng đất này vậy. Thế nhưng giờ đây, mới đặt chân đến cổng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Na Ngoi, ý nghĩ về mảnh đất đói chữ đã không còn. Ngôi trường khang trang, sạch đẹp, tiếng học bài vang lên đều đặn, nhịp nhàng. Thầy Nguyễn Thế Hiền - Hiệu trưởng trường phấn khởi: “Các em người Mông, Khơ mú bây giờ chăm học lắm, đến trường rất chuyên cần, không còn chuyện bỏ học như trước. Không chỉ có học sinh khá mà trường còn có nhiều học sinh giỏi cấp huyện, có em đậu thẳng vào Trường Dân tộc nội trú tỉnh. Tỷ lệ thi đậu cấp 3 đạt 95,5%, xếp thứ 3 toàn huyện.  Hiện nay trường có 411 học sinh, trong đó các em được hưởng chế độ là 318 em”. Thế hệ mầm non dưới “nóc nhà” xứ Nghệ cũng được các bậc phụ huynh quan tâm chu đáo hơn. Những đứa trẻ không còn cảnh bị địu lên nương cùng bố mẹ chịu cái lạnh, cái rét hay để ở nhà mà được đưa lên trường mầm non cho các cô chăm sóc, giáo dục. Toàn xã hiện có 21 lớp mầm non với 241 cháu, tỉ lệ đến lớp chuyên cần đạt trên 90%. Cùng với các chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước, thì những thầy cô giáo nơi miền sơn cước đang ngày đêm bám lớp, bám trường, tâm huyết thay đổi sự học ở vùng đất xa xôi nhất của xứ Nghệ. Rồi đây những học sinh người Mông, Khơ mú nằm dưới chân núi Puxailaileng sẽ đưa kiến thức, con chữ học được để giúp đồng bào, gia đình mình từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.
 
Ngày trước, người dân Na Ngoi mỗi lần ốm đau phải khiêng cáng hàng chục cây số ra ngoài trung tâm huyện mới có thầy thuốc chữa trị. Vì vậy có những trường hợp không được cấp cứu kịp thời đã chết oan uổng hoặc chịu tàn tật suốt đời. Nhưng nay, trạm y tế xã được xây dựng khang trang, sạch đẹp, có y, bác sỹ túc trực suốt ngày đêm nên công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào được đảm bảo. 
 
Trước đây, Na Ngoi được xem là một trong những điểm nóng về trồng cây thuốc phiện và tình trạng buôn bán ma túy, vượt biên trái phép. Nhưng những năm qua, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với lực lượng bộ đội biên phòng, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với huyện Mường Mọc (Xiêng Khoảng - Lào), tình hình an ninh vùng biên đã được giữ vững. Hiện nay cây thuốc phiện trên địa bàn xã đã được xóa sạch, những tay trùm ma túy buôn bán đều bị bắt giữ. “Người dân mình giờ không trồng thuốc phiện, không hút thuốc phiện nữa mô. Ai buôn bán ma túy đều bị bắt hết, không đối tượng nào có thể lọt qua đôi mắt sáng của các anh bộ đội biên phòng với công an đâu. Bây giờ người dân đều lo làm ăn, đất nương rẫy không trồng thuốc phiện mà để trồng lúa, trồng ngô, gừng, dong riềng để cho cái bụng được no ấm, con cái có tiền đi học”- anh Vừ Bá Giờ, một người dân tâm sự.
 
Tạm biệt Na Ngoi, tạm biệt vùng đất của mây trắng, sương mù, những con người bản địa chăm chỉ, đôn hậu, những người lính, cán bộ ngày đêm bám bản giúp dân, trong tôi dâng lên niềm cảm xúc khó tả. Sự cách trở xa xôi, khó khăn của miền biên viễn đang từng ngày được rút ngắn, thay đổi. Người dân dưới “nóc  nhà” xứ Nghệ với bàn tay cần cù, chăm chỉ, khối óc sáng thông sẽ làm giàu trên chính quê hương mình…
 
Triều Dương